Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Khe Váp – Bản điểm quản lý tài nguyên thiên nhiên

  • Ánh nắng nhè nhẹ phủ lên những cánh rừng xanh biếc, xua tan dần những giọt sương ban mai còn vương lại trên những vòm lá non tươi. Tiếng chim líu lo hòa cùng những giọng nói, tiếng cười xôn xao của lũ trẻ. Đoàn người không kể già trẻ, trai gái đang nô nức đi về phía rừng thiêng Khe Váp, chung tay thực hiện một công việc rất có ý nghĩa với cuộc sống cộng đồng: xây dựng Khe Váp trở thành “Bản điểm về quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng”.

    Rừng xanh kêu cứu

    Khi rừng chưa được giao cho người dân quản lý, diện tích đất rừng trên địa bàn thôn Khe Váp được coi là rừng chung, người trong thôn ngoài bản đều có quyền khai thác. Năm này qua năm khác, từng khoảnh rừng dần biến thành những bãi đất trồng ngô, trồng sắn dưới tác động của bàn tay con người. Cũng có thời kỳ, đất đã được giao cho người dân quản lý và hưởng lợi (năm 1996 giao sổ xanh). Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn chưa coi đó là tài sản của mình nên việc quản lý bảo vệ hầu như không có. Tình trạng đốt, phá rừng trồng cây lương thực như ngô, sắn, lúa nương… vẫn hàng ngày, hàng giờ diễn ra.

    Không những vậy, nạn khai thác gỗ diễn ra thường xuyên và ngày càng mạnh mẽ. Các hộ gia đình cùng theo nhau vào rừng khai thác gỗ, củi. Lợi dụng điều này, lâm tặc cũng tràn vào các khu rừng thâm u thiếu bàn tay bảo vệ của con người để tàn phá. Hàng trăm khối gỗ quý lần lượt bị đốn hạ dưới bàn tay của lâm tặc. Rừng xanh ngút ngàn đặt trước nguy cơ biến thành các đồi trọc. Các khu rừng dần mất đi, nguồn nước cạn kiệt, sản xuất nông nghiệp mất mùa, rồi khô hạn, lũ quyét… đang là những thảm họa và ẩn họa rình rập cuộc sống của những người nông dân, ngày ngày gắn bó cuộc sống của mình với rừng phải gánh chịu.

    Màu xanh hồi sinh

    Như thấy được vai trò to lớn của rừng đối với cuộc sống của cộng đồng, xuất phát từ những trăn trở, bức xúc của chính người dân khi phải trực tiếp gánh chịu những hậu quả của việc phá rừng đầu nguồn, các hộ gia đình thôn Khe Váp đã thống nhất họp bàn nhau lại, cùng thảo luận, tranh luận rất nhiều để tìm ra cách thức tốt nhất để giữ lấy màu xanh của núi rừng, đồng nghĩa với việc giữ lấy hơi thở, sự sống cho cuộc sống người dân.

    Làm sao để có thể bảo vệ được rừng - giữ được mạch nguồn của sự sống?, làm sao để màu xanh của cây lá có thể bao phủ dần những khoảng đất đen xám? làm thế nào để xây dựng được một mô hình điểm để từ đó có thể nhân rộng ra các thôn/bản xung quanh? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu trăn trở, bức xúc…

    Được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm CIRUM, năm 2009, xã Bắc Lãng đã có chủ trương xây dựng Khe Váp trở thành “Bản điểm quản lý TNTN dựa vào cộng đồng”. Nhiều hoạt động đã được CIRUM hỗ trợ như: những đợt thăm dò, những đợt vận động, những  chuyến thăm quan, chia sẻ, học hỏi để người dân nhận thấy được bản chất, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Khi lòng dân đã thuận, chính quyền vào cuộc quyết liệt, đề án xây dựng thôn Khe Váp thành “Bản điểm quản lý TNTN dựa vào cộng đồng” đã thành hiện thực.

    Rừng vốn đã được cộng đồng, người dân trong thôn quản lý, bảo vệ tốt nay lại càng tốt và chặt chẽ hơn. Tạm gác lại những công việc hàng ngày, đồng loạt các hộ gia đình và người dân trong thôn đã cùng nhau thảo luận, tranh luận sôi nổi để đi đến thống nhất: xây dựng được quy chế bảo vệ rừng ngặt nghèo để giữ lấy màu xanh của rừng. Cộng đồng thôn tổ chức nhiều cuộc họp, thống nhất đưa ra quyết định giao quyền quản lý, bảo vệ một số diện tích rừng cộng đồng cho các nhóm phụ nữ, nhóm thanh nhiên, nhóm thầy thuốc nam…Đồng thời, xây dựng quy chế bảo vệ đối với rừng chung cho cả thôn bản, quy chế riêng cho rừng cộng đồng giao cho các nhóm quản lý, bảo vệ.

    Kế hoạch trồng rừng, tu bổ các vườn cây, xây dựng hệ thống bảng biển…đều lần lượt được đưa ra và các gia đình chia nhau thực hiện. Mỗi hộ gia đình đều có một thành viên tham gia trong tất cả các hoạt động phát tuyến, tu bổ rừng…trong niềm vui niềm hân hoan khôn xiết của cộng đồng.

    Rừng được bảo vệ bằng sức mạnh cộng đồng

    Rừng không còn bị chặt phát, đốt để trồng mới một cách bừa bãi mà đã theo một quy hoạch nhất định của thôn bản. Chỉ phát trồng bổ sung, trồng mới vào những khu đất trống đồi trọc, còn đối với những diện tích có rừng các hộ gia đình đều chăm sóc để phục hồi tái sinh tự nhiên. Không còn tình trạng vào rừng lấy gỗ, khai thác gỗ để bán nữa.

    Anh Lã Văn Dương (người dân thôn Khe váp) vừa mua cưa máy chuẩn bị khai thác gỗ tạp ở rừng bán. Khi thôn được xây dựng thành bản điểm về quản lý rừng anh đã bán cưa không dùng nữa anh nói: “Phải cùng nhau bảo vệ mới thành, mình còn khai thác thì người thôn khác nó cũng theo, nó phá như vậy khó lắm, bán đi thôi”.

    Già làng Lã Ngọc Liên thôn Khe Váp chia sẻ: Trước đây cả 11 thôn bản trong xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đều có rừng núi bạt ngàn với nhiều loại cây gỗ quí như lim, táu, sến…có nhiều cây to, cao ngút ngàn hai, ba người ôm không xuể. Theo thời gian các khu rừng rồi cũng bị tàn phá và mất dần, riêng thôn Khe Váp của chúng tôi cho đến bây giờ vẫn còn giữ được màu  xanh tốt của núi rừng. Rừng ở đây được bảo vệ, quản lý bằng sức mạnh của cả cộng đồng.Sức mạnh của cộng đồng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của chính quyền cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm CIRUM đã bảo vệ kịp thời, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Xúc động trước khung cảnh bạt ngàn của rừng xanh, ông Lý Văn Tuấn, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Bắc Lãng chia sẻ: “Rừng đang được quản lý bảo vệ rất tốt, bà con nên phát huy và truyền lại cho thế hệ sau, để núi rừng thôn mình luôn xanh mãi. Hiện giờ, đây là thôn có rừng đẹp nhất huyện Đình Lập. Cần phải nhân rộng mô hình ra địa bàn toàn xã”, ông Tuấn nhắn nhủ.

    CIRUM