Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Sự chuyển dịch ngoạn mục

  • Người Dao tại xã Bắc Lãng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) đã bán keo, sản phẩm từ hoạt động trồng rừng sau 5-6 năm được cấp đất trồng rừng theo Chương trình GĐGR do Trung tâm CIRUM hỗ trợ. Cuộc sống của cộng đồng người Dao nơi đây nói riêng và người dân Bắc Lãng nói chung đã thực sự thay da đổi thịt. Trong các làng bản đã xuất hiện những nếp nhà 2 tầng, 1 tầng xây kiến cố mà tiền để xây chủ yếu từ nguồn bán keo.
     

    Rừng Keo của đồng bào Dao tại xã Bắc Lãng, Đình Lập, Lạng Sơn (Ảnh: CIRUM)

    Sau hơn 4 tháng chúng tôi trở lại Bắc Lãng và thăm các anh chị trong UBND xã. Lý do cũng đơn giản là lâu ngày cũng cần phải gặp nhau chia sẻ, động viên nhau và một phần cũng muốn chính thức thông báo về việc Trung tâm CIRUM mới thiết lập Văn phòng tại Thị trấn Đình Lập để anh em trong xã tiện liên hệ và trao đổi công tác.
     
    Tiếp chúng tôi là anh Lộc Dương Bảo, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã nay là Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã. Sau vài ba câu chào hỏi, anh Bảo vừa lấy ấm pha chè vừa nói chuyện hết sức thân tình như anh em ruột thịt đi xa lâu mới về nhà. Anh chia sẻ là mặc dù Văn phòng thực địa của Trung tâm không còn đóng trên địa bàn xã nữa nhưng các anh vẫn luôn giữ mối liên lạc với anh Thẩm - người chịu trách nhiệm về các hoạt động trên địa bàn huyện Đình Lập. Câu chuyện giữa chúng tôi có phần rôm rả hơn khi có thêm sự hiện diện của anh Thúy - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, anh Công - Bí Thư Đảng ủy và anh Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã. Mặc dù công việc cuối năm ở xã rất bận nhưng các anh ai cũng muốn chia sẻ, hỏi thăm một vài câu chuyện về cơ quan, về gia đình. Thay mặt anh em tôi cũng chia sẻ với các anh về sự trưởng thành của con em Bắc Lãng đang tham gia các hoạt động tại Chương trình đào tạo nông nghiệp sinh thái (FFS) tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và một số những hoạt động của các thành viêm Mạng lưới Đất rừng Đình Lập mà nòng cốt là các điều phối viên từ xã Bắc Lãng. Các anh vui, đồng thuận và chia sẻ về những gì đang cựa quậy, thay đổi trên địa bàn xã. Trong câu chuyện anh Bảo vui vẻ nói  "Người Dao bán keo rồi anh à. Đó là kết quả rất lớn mà dự án của CIRUM đưa lại đấy. Hiện nay các anh cứ nhìn vào các bản của Bắc Lãng đã thấy thấp thoáng bóng nhà tầng xây kiên cố, nhà ngói mới. Tiền để xây dựng lấy từ bán keo đấy. Kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng thực sự làm đổi đời người dân Bắc Lãng rồi. Mới chỉ một chu kỳ trồng cây keo thôi mà làng bản đã thay đổi. Chỉ cần lứa keo thứ hai nữa có lẽ làng bản sẽ có 100% nhà xây kiên cố". Chúng tôi gợi ý là muốn xuống bản thăm một vài hộ cụ thể và khảo sát mô hình phát triển kinh tế rừng bằng cây mây Khe Hả hiện đang được các lãnh đạo huyện quan tâm. Anh cười và nói "Đơn giản mà. Gần ngay UBND xã thôi, mô hình anh Lý Văn Thân là rất điển hình. Một sự chuyển biến ngoạn mục đấy. Con duy nhất trong gia đình người Dao. Cha mẹ Thân mất sớm, một mình chèo chống và phát triển rất khá. Thân đã bán keo để mua đất, tậu vườn và dịch chuyển toàn bộ gia sản của mình ra gần quốc lộ. Thân còn trẻ nhưng năng động lắm. Ai cũng thán phục". Anh khuyên chúng tôi nên đến thăm. Nếu không có gợi ý của anh Bảo có lẽ chúng tôi đã đi xa hơn vào tận Khe Hả để thăm và kết hợp khảo sát Mô hình phát triển mây.

    Sau chưa đầy tiếng đồng hồ trao đổi với nhau chúng tôi đã thu nhận rất nhiều thông tin các anh chia sẻ để rồi rời trụ sở UBND xã chúng tôi có ít nhiều thông tin đến chia sẻ với anh Thân. Cũng rất may là anh Thân đang có mặt ở nhà. Chúng tôi gọi anh từ xa và anh cũng xuất hiện rất nhanh trước sân với nụ cười hết sức hồn hậu và cở mở. Anh Thân còn rất trẻ, sinh năm 1976. Cái bắt tay, ôm vai nhau của chúng tôi làm người ngoài cứ tưởng là chúng tôi đã quen nhau từ lâu lắm. Ngoài anh Thẩm thì mấy anh em trong đoàn đều lần đầu gặp anh.
     
    Đưa chúng tôi vào nhà và có lẽ cũng như bao gia đình khác khi có khách đến, anh thay ấm chè mới, dịch chuyển chiếc điếu cày ra gần bàn và mời chúng tôi uống nước hút thuốc. Anh cười và làm một điếu say sưa rồi bắt đầu chia sẻ về mọi thứ chúng tôi quan tâm, từ việc làm ăn, con cái và các hoạt động xã hội khác của anh.
     
    Anh Thân chia sẻ là mới dịch chuyển từ Khe Cảy ra một năm nay sau khi thu hoạch lứa keo 6 ha đầu tiên kết hợp với tiền bán căn nhà cũ được 100 triệu. Anh mua 7 sào đất bỏ hóa của một hộ dân để khai hoang làm nhà, làm ruộng. Anh giành 2 sào làm nhà và các công trình còn lại 5 sào anh khai hoang làm ruộng trồng lúa nước. Anh còn mua thêm đất để thiết lập một con đường nối với quốc lộ rất thuận lợi và chắc chắn. Ước tính tổng đầu tư cho toàn bộ cơ ngơi của anh cũng phải suýt soát 3 đến 4 trăm triệu. Một con số không nhỏ đối với một gia đình mà trước đó 1, 2 năm là hộ nghèo của xã. Anh Thân chia sẻ là nếu không được giao 10 ha đất rừng thì không biết cuộc sống của anh chị và những đứa con còn khó khăn đến bao giờ mặc dù các cụ nhà anh ra đi có để lại một ít diện tích quế song cuộc sống rất chật vật. Nhà 3 con đang tuổi ăn học, ruộng nước không có, đất rẫy thì bạc màu. Hơn nữa, nhà thì ở xa đường nên không thể mở ra được bất cứ dịch vụ gì để tăng thu nhập. Nhận đất và trồng keo như là một giải pháp làm chuyển dịch về cơ bản cuộc sống của anh chị. Cuộc sống của gia đình người Dao trẻ này đã thực sự chuyển sang một trang mới và những đứa con của anh chị cũng được động viên rất lớn. Nhà mới, ruộng mới. Anh mua được cả xe máy, đầu tư cả máy xát, làm lò sấy nông sản và mở thêm dịch vụ bán các hàng hóa thiết yếu cho nghề nông. Cô con gái đầu đã tốt nghiệp phổ thông và đang theo học Cao đẳng ở Thành phố Lạng Sơn, anh con trai thứ 2 học trường nội trú ở huyện, sáng đi chiều về bằng xe bố mua từ tiền bán keo, cậu con trai út học trường làng. Những năm trước, nhà thuộc hộ nghèo song các cháu con anh đứa nào cũng ham học và học giỏi. Cô con gái đầu từng đạt giải 3 môn văn cấp tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi, khuôn mặt anh sáng lên niềm tự hào về những gì mình đạt được. Anh cho biết, sau đợt thu hoạch 6 ha keo năm 2012 đến nay anh chị đã trồng phủ kín cả 10 ha đất được cấp sổ đỏ. Anh dẫn chúng tôi ra sân giới thiệu về ruộng, rẫy, bếp núc, chuồng trại và cả những giống lúa địa phương mà anh chị vừa thu hoạch về đang phơi dài theo dọc hàng rào quanh sân. Tất cả, tất cả từ được hình thành từ bán keo đấy, anh khẳng định thêm.
     
    Đúng là người Dao trồng keo và bán keo để thay đổi cuộc sống của mình thật rồi. Kinh tế rừng đã là cứu cánh cho cuộc sống của họ. Hướng đi này thực sự là đúng đắn mà nhiều năm nay mới có được. Nhưng để làm được điều đó thì Đất và Rừng cùng với quyền quản lý khai thác các dạng tài nguyên của người dân đã là chìa khóa mở toang cánh cửa cuộc đời họ, cuộc đời của người dân tộc thiểu số nghèo, cho họ một cơ hội phát triển lâu bền. Cái nghèo, cái đói của những người sống gắn bó với rừng trrên địa bàn xã Bắc Lãng có thể nói đã chấm dứt.
     
    Chúng tôi mừng cho anh Thân và cũng mừng cho người dân xã Bắc Lãng, vì không chỉ có anh Thân mà hầu hết người dân Bắc Lãng đã có được cơ hội như anh. Nghĩ về anh, về cuộc sống của anh và những thay đổi mà anh tạo ra chúng tôi không khỏi không cảm phục. Chúng tôi tranh thủ trao đổi với anh về một sự cần thiết chia sẻ kinh nghiệm của anh cho những người khác khi tham gia Mạng lưới Đất rừng, anh phấn khởi và cho đó là vinh dự nếu anh em thành viên Mạng lưới Đất rừng Đình Lập tạo điều kiện. Chắc chắn anh sẽ có thêm được những cơ hội để phát triển và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người dân khác trong xã và các vùng khác để cùng nhau phát triển. Tạm biệt anh, chúng tôi mang theo trong mình những cảm xúc, tình cảm quý mến và mong cuộc sống của anh và người dân Bắc Lãng sẽ ngày một khấm khá và hạnh phúc.

    Nguyễn Văn Sự