Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Một chút gì vừa chợt đi chợt đến trong lòng...

  • Sau cũng khá nhiều năm gián đoạn không gặp lại anh từ năm 2007. Chả là tôi từng được phân công phụ trách dự án điều hòa phối hợp của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2005-2007, khi đó anh đang là Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Khoa giáo rồi Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Mỗi lần đi công tác vào Miền Trung chúng tôi thường ghé thăm và trao đổi với như một đối tác của Liên hiệp hội Việt Nam.

    Hôm nay, gặp lại anh giữa Hà Nội khi anh đã là Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm của Ủy Ban Dân tộc. Anh vẫn vậy, vẫn nhiệt tình, chu đáo, quyết đoán và đầy tâm huyết với công tác dân tộc và người dân tộc. Có lẽ anh sinh ra đã có sắn cái duyên đến với các vùng cao vùng biên giới, với đồng bào dân tộc thiểu số.

    Từng là chiến sỹ biên phòng, rồi làm Bí Thư một huyện trọng điểm về tệ nạn sử dụng và buôn bán ma túy, thuốc phiện qua biên giới; rồi lãnh đạo của tỉnh Ủy Nghệ An. Anh vẫn vậy, vẫn là nhà khoa học của đồng bào thiểu số. Anh làm tiến sỹ với đề tài nghiên cứu về người Mông, có nhiều khảo sát về người Khơ Mú và rất am hiểu về các dân tộc khác trong vùng Miền Tây Nghệ An.

    Gặp lại anh thân tình như một người anh trong gia đình sau chuyến đi xa lâu ngày trở lại. Anh chia sẻ, "mình vừa đi một chuyến lên 2 tỉnh Tây Bắc là Yên Bái và Lào Cai về. Nhiều việc cần suy nghĩ quá và đều là những việc liên quan đến cuộc sống, đến sự phát triển bền vững của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là vấn đề sinh kế dựa vào rừng của họ". Anh nói tiếp "một vấn đề rất thực tiễn mà ai cũng phải nhận thấy rằng đồng bào thiểu số có quan niệm của họ về hạnh phúc và cuộc sống. Họ gắn với rừng đến nghiệt ngã và máu thịt. Đói cũng vào rừng, no cũng vào rừng, buồn cũng vào rừng, vui cũng vào rừng, khát cũng vào rừng và rồi hạnh phúc cũng gắn với rừng. Đồng bào gắn với rừng một cách say mê và hòa quyện. Nếu không hiểu được điều đó thì thực sự nguy hiểm khi quyết định những vấn đề liên quan có thể làm tổn hại đến mối quan hệ này".

    Tôi chợt nhớ về 2 câu thơ nói về những người quê vùng rừng "Khi vui ngắm núi làm vui. Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn". Rồi lại cũng chợt nhớ về một bài viết của một tác giả nào đó kể về tâm sự của một bác gái người Mông xuống thăm con, là cán bộ quan trọng, tầm cỡ của tỉnh, đang làm việc ở Thị xã Hà Giang. Rảnh rỗi, con đi làm việc, bác thơ thẩn một mình ở nhà và chia sẻ với mọi người "Con mình làm to mà vẫn dại". Mọi người hỏi là tại sao? Bác nhìn về phía xa xa nhấp nhô những ngọn núi, buồn mà nói "Con mình làm to nhưng không biết chọn đất để làm nhà". Vô lý. Ai cũng ngạc nhiên kêu lên "Nơi Cụ đang ở là nơi đất đẹp nhất đấy cụ à". Lắc đầu, bác nói như một sự hối tiếc "làm nhà ở đây không tốt. Khi mình buồn không có cái núi mà ngắm". À, ra thế. Đơn giản thế mà chẳng ai nghĩ ra. Chỉ có bác! Đâu phải nhà cao, cửa rộng; đâu phải phố xá thênh thang. Bác chỉ cần ở nơi đó, cái nơi mà có khi người ta còn gọi là xó rừng đó: một nếp nhà, một vách đá, một khe suối nhỏ, nơi đầy tiếng chim muông và tiếng côn trùng những đêm đông, nơi những thảm cỏ non xanh xuất hiện sau những cơn mưa, nơi những mảnh vườn đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ và chứng kiến những thăng trầm để sinh tồn trong những tháng năm dài buồn vui đủ đầy của cuộc đời. Ai đã từng có cha mẹ, người thân từ quê ra Hà Nội và sau đó vài ngày cứ ngoay ngoảy đòi về lại quê thì mới hiểu được cái lý do của nỗi buồn mà người đàn bà nơi vùng quê chỉ có toàn đá với đá này.

    Rừng và Con người của đồng bào thiểu số. Mối lương duyên trời xe, đất buộc đó là vĩnh hằng. Đừng có ai đó bắt họ phải chối bỏ, phải xa lìa hoặc huyễn hoặc bởi một sự hy sinh cao cả nào đó cho cộng đồng và giang san rộng lớn. Đừng huyễn hoặc họ. Đừng chia cắt họ với rừng của chính họ. Rừng là tấm áo ấm, là miếng cơm thơm, là hơi thở trong lành và nơi chứa những huyền thoại đẻ đất đẻ nước, nơi quả bầu mắc lại để rồi sinh hạ ra các dân tộc anh em.

    Nói về rừng và về đồng bào thiểu số trên các vùng rừng chúng ta có thể nói mãi mà không bao giờ hết chuyện. Chuyện của họ là chuyện kể của rừng. Chuyện về họ là chuyện của đất đai sinh nở và sức sống như nhựa cây tuôn trào trong thân cây, trong mạch đất, trong lòng suối và trong những ngọn gió đại ngàn. Chuyện về rừng và con người gắn với rừng rất đơn giản và rất dễ hiểu. Tôi có anh bạn so sánh: "lạc vào rừng không chết, lạc trên biển rủi nhiều may ít, lạc trên không chẳng có cơ may quay lại. Lạc rừng còn có cái để ăn mà hy vọng sống sót, còn lạc ở đâu đó khác thì khó mà nói lắm".

    Vậy, đâu chỉ có đồng bào thiểu số, cả người Kinh cũng vậy. Cũng thấy rừng quan trọng biết nhường nào. Vậy mà, rừng cứ dần dần ra đi, thay vào đó "bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê" để rồi "Tây Nguyên lộng gió", và không khéo chỉ có gió và gió. Rừng cao su, rừng cà phê, có ai nói vậy đâu. Luật tục của phần lớn các dân tộc Tây Nguyên nói vậy "Rừng là cái nong, cái nia, là cái lưng của ông bà cha mẹ". Rừng là nơi người dân cúi nhặt, đưa tay lên hái, ghé vai gùi về những sản vật rừng cho như rau, củ, cây thuốc, hoa trái cả những con thú trên rừng, lũ cá dưới khe. Rừng là con mắt biếc ưa nhìn, là cánh tay săn chắc, là võng đưa con người vào những huyền thoại. Nhắc đến Trường ca Đam San-Sinh Nhã là liền nhớ đến rừng. "Sống rừng nuôi, Chết rừng chôn"-người Thái phía Bắc cũng có câu nói vậy. Thế mà cao su lại tràn qua phía Tây, tràn lên phía Bắc. Cao su đến, rừng đi. Bước chân người dân tộc thiểu số bước đi theo rừng. Đã có một thời người ta khoanh định lại biên giới của cao su không vượt quá Vĩ tuyến 17. Vậy mà giờ đây, cây cao su không chỉ vượt qua mà còn phi thẳng lên các vùng giáp biên giới Việt - Trung, biên giới Việt - Lào để hưởng thêm cái nóng gió phía Tây, cái lạnh đầy sương muối phía Bắc. Để rồi nhiều cánh rừng, trong đó cả những cánh rừng Thứ tỷ, Nào Lồng, Rừng dòng họ, Rừng ma, Rừng Thiêng.... những khu rừng gắn bó máu thịt với cộng đồng từ bao đời nay, cũng lặng lẽ ra đi và vĩnh viễn không quay về bởi dòng chảy của một sự chuyển đổi với một tương lai đầy huyễn hoặc mà ai đó đã vạch ra.

    Nuối tiếc, thương cảm, nghe lòng mình và lòng người đều giận.

    Biết làm sao đây. Gặp anh rất vui nhưng lại cũng rất buồn vì những gì vừa chợt đi, chợt đến trong lòng.

    Nguyễn Văn Sự