Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Hội Đông y xã Đồng Thắng trên con đường phát triển tri thức thuốc nam

  • Đồng Thắng là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Toàn xã có 98% dân tộc thiểu số, bao gồm cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng và là địa bàn có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu và tri thức sử dụng thuốc nam.

    Rừng Đồng Thắng có hệ thực vật phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên cây thuốc với nhiều loài quý hiếm như Nấm lim, Lan kim tuyến, Chè rừng, Hoằng đằng… Nghề thuốc nam truyền thống gắn liền với đời sống của bà con nơi đây với các bài thuốc gia truyền như bài thuốc tắm phục hồi sức khỏe, bài thuốc tắm cho phụ nữ sau khi sinh, cao thực vật, thuốc nam làm nước uống.

    Chia sẻ và ghi chép các bài thuốc nam chữa bệnh nhằm bảo tồn và truyền nghề lại cho thế hệ trẻ (ảnh: CIRUM)

     Nhằm kế thừa và phát huy nghề thuốc nam truyền thống của thế hệ cha ông, năm 2012 nhóm thầy thuốc nam của các thôn trong xã đã liên kết thành lập Hội Đông y xã. Từ 5 thành viên những ngày đầu mới thành lập cho đến nay, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, Hội đã phát triển lên thành một tổ chức bề thế với 39 thành viên, tham gia tích cực vào các hoạt động chia sẻ bài thuốc; khám, chữa bệnh bằng thuốc nam góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tôn vinh giá trị truyền thống của nghề thuốc nam. Vườn thuốc nam cộng đồng của Hội được xây dựng tại Trung tâm xã với gần 80 loài cây thuốc nam được các thầy thuốc trồng và chăm sóc định kỳ hàng tháng làm nơi chia sẻ, học tập và truyền nghề thuốc nam cho các thế hệ sau.

    Hướng tới việc quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả cây thuốc nam, trong năm 2012-2013 Trung tâm CIRUM đã triển khai dự án Quản lý và Sử dụng rừng tự nhiên dựa vào luật tục và cộng đồng thông qua nhóm thầy thuốc nam truyền thống trên địa bàn xã Đồng Thắng. Hội Đông y xã Đồng Thắng được chọn là hạt nhân của dự án này. Sau hơn một năm triển khai thực hiện dự án bước đầu Hội đã đạt được những kết quả nhất định.

    Đi đầu trong công tác quản lý nguồn dược liệu trên địa bàn xã, các thầy thuốc nam đã tiến hành khảo sát thực địa trên các khu rừng cộng đồng và đã tư liệu hóa được hơn 300 loài cây thuốc đồng thời xác định được 05 khu rừng giàu tiềm năng bảo tồn và phát triển cây thuốc nam. Cùng với hoạt động này, các thầy thuốc nam đã xây dựng Quy chế Quản lý nguồn dược liệu xã Đồng Thắng để phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn nguồn dược liệu trên địa bàn xã được tốt hơn. Quy chế này đã được UBND xã Đồng Thắng phê duyệt và bước đầu đi vào thực hiện.

    Một thực tiễn cho thấy do nhu cầu sử dụng các loài cây dược liệu làm thuốc ngày càng tăng đã dẫn tới hoạt động khai thác liên tục trong nhiều năm mà không chú ý tới bảo vệ tái sinh, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu tại Đồng Thắng  bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Từ sự mất dần về nguồn gen cây thuốc đã kéo theo sự mất mát và lãng quên dần vốn tri thức bản địa của cộng đồng trong việc sử dụng các loại dược liệu truyền thống. Nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị của văn hóa, tri thức bản địa, cũng như góp phần vào bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững trên cơ sở lồng ghép luật tục và những quy định của nhà nước, hoạt động nghiên cứu Luật tục trong quản lý và sử dụng cây thuốc nam (Nghiên cứu điểm luật tục dân tộc Tày và dân tộc Dao tại xã Đồng Thắng) được triển khai với sự tham gia của các thầy thuốc nam địa phương. Nghiên cứu không chỉ dừng lại ở đóng góp cho công tác bảo tồn và phát triển các giá trị của Luật tục trong quản lý và sử dụng tài nguyên thuốc nam tự nhiên mà còn góp phần hình thành Quy chế cộng đồng trong quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên này.

    Có được sự đồng thuận và ủng hộ của UBND xã, các thầy thuốc nam đã chủ động đề xuất với Trung tâm CIRUM sáng kiến sử dụng cây thuốc nam làm nước uống trong công sở. Sáng kiến này hiện đang trong quá trình xây dựng với những bước đi đầu tiên là hình thành mô hình Tổ hợp tác thuốc nam và Quy chế hoạt động của tổ. Khi sáng kiến thành công sẽ mở ra một hướng đi cho các sản phẩm thuốc nam từ rừng cộng đồng xã Đồng Thắng.

    Trải qua hơn một năm kế thừa và phát triển giá trị văn hóa và tri thức bản địa thuốc nam, nhìn lại chặng đường tuy chưa dài, nhưng Hội Đông y xã Đồng Thắng đã có được những hình thức hoạt động thiết thực. Hội đã có được những thành quả nhất định trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kế thừa và phát huy truyền thống y học, kinh nghiệm của những thế hệ đi trước. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để Hội tiếp tục chặng đường tiếp theo, hướng tới mục tiêu tốt đẹp để duy trì và phát triển nền y học cổ truyền cũng như hỗ trợ phát triển sinh kế của người dân. Tuy nhiên, để cánh cửa tương lai này ngày càng mở rộng để có thể tiếp nhận thêm nhiều thành quả mới cũng như những lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng, Hội cần có sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực về nhiều mặt không chỉ của chính quyền địa phương mà hơn hết là sự nhìn nhận và quan tâm của người dân địa phương, của các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp xã hội trong và ngoài nước.

    CIRUM