Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

GĐGR ở Bắc Lãng – Bài học “lấy dân làm gốc”

  • Trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, CIRUM đã kết hợp hài hoà giữa hệ thống pháp luật Nhà nước và phong tục tập quán của địa phương. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, trong quá trình triển khai và thực hiện dự án, các cán bộ văn phòng thực địa CIRUM tại Bắc Lãng đã biết dựa vào dân, lấy nông dân nòng cốt làm trung tâm trong mọi hoạt động.

    Vấn đề giao đất giao rừng (GĐGR) cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp thúc đẩy phát triển rừng và khôi phục lại vốn rừng, gắn lao động với đối tượng lao động, tạo động lực để phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp và ổn định tình hình kinh tế – xã hội. Thực hiện chủ trương trên, từ năm 1993 xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập đã tiến hành GĐGR theo Nghị định số 02 của Chính phủ cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng địa phương quản lý, sử dụng. Việc GĐGR một cách ồ ạt theo chỉ tiêu kế hoạch của ngành kiểm lâm đã gây ra tình trạng chồng chéo, sai lệch về vị trí, ranh giới…Chênh lệch về diện tích giữa các hộ quá lớn, hộ nhiều có trên 100 ha, hộ ít 0,5 ha, có hộ không có đất lâm nghiệp đã dẫn đến những bức xúc trong cộng đồng, khiếu kiện khiếu nại kéo dài liên miên trong nhiều năm qua.
     
    Người dân thảo luận bản đồ quy hoạch sử dụng đất (Ảnh: CIRUM)

    Trước thực trạng trên, năm 2006, thực hiện việc tiếp nhận các nguồn viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Hội nông dân tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tổ chức thực hiện dự án “Nâng cao năng lực quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo công ăn việc làm, duy trì và phát triển bản sắc văn hoá vì sự phát triển ổn định và bền vững tại xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn” của Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hoá cộng đồng Đông Nam á (CIRUM). Trong đó nội dung chủ yếu là điều chỉnh những bất hợp lý trong việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp và giao đất, với mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi và trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; Tạo quyền cho người dân được quản lý nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp một cách công bằng, ổn định, lâu dài và đúng pháp luật; Phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, chấm dứt tình trạng di dân tự do vì thiếu đất canh tác.

    Trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, CIRUM đã kết hợp hài hoà giữa hệ thống pháp luật Nhà nước và phong tục tập quán của địa phương. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, trong quá trình triển khai và thực hiện dự án, các cán bộ văn phòng thực địa CIRUM tại Bắc Lãng đã biết dựa vào dân, lấy nông dân nòng cốt làm trung tâm trong mọi hoạt động. Dựa trên nhu cầu, mong muốn của người dân trên cơ sở nguyên canh, đảm bảo tôn trọng và đoàn kết trong toàn cộng đồng. Chúng tôi đã có dịp làm việc với đoàn cán bộ Phân viện điều tra quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ và cùng đi thực địa mới thấu hiểu phần nào nỗi gian truân của những người làm công tác phát triển cộng đồng. ông Ngô Sỹ Huân cho biết: Theo kế hoạch, khối lượng công việc của đoàn được tiến hành trong thời gian 4 tháng, nhưng thực tế chúng tôi đã phải kéo dài hơn 10 tháng, do gặp rất nhiều trở ngại, nhiều khi còn bị đe doạ đến tính mạng. Phải mất một tháng đầu xuống dân tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, phân tích giải thích cho bà con hiểu và nhận thức đúng vấn đề. Sau đó mới tổ chức các cuộc họp cộng đồng để giải quyết mâu thuẫn, lên phương án điều chỉnh và phương án GĐGR. Để đi đến thống nhất, chúng tôi đã tổ chức tới 33 cuộc họp tại 11 thôn bản, để giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng, nhiều thôn phải họp đi họp lại hàng chục lần như bản Khe Cảy, Khe Hả; 44 cuộc họp để bàn bạc và thống nhất phương án quy hoạch. ông Huân khẳng định: vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công của chương trình này chính là tự người dân đứng ra để tìm giải pháp và cũng chính họ tự giải quyết các mâu thuẫn.

    Từ chỗ người dân được bàn bạc về phương án quy hoạch sử dụng đất, phương án giao đất, cùng đi thực địa để phân giới cắm mốc, phát tuyến và đo đếm diện tích, được tự làm hồ sơ của mình, được tham dự và đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, các cuộc tập huấn một cách dân chủ. Sau gần một năm tổ chức thực hiện, tháng 5- 2007, Hội nông dân tỉnh cùng với CIRUM và các cơ quan chuyên môn của huyện Đình Lập đã tổ chức nghiệm thu chương trình điều chỉnh bất hợp lý đất lâm nghiệp và GĐGR tại xã Bắc Lãng. Kết quả giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3.120,67 ha/ tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn xã 5.246,36 ha. Trong đó: giao và cấp giấy cho 261 hộ, đạt 98,86%, với 2.860,98 ha; giao quản lý bảo vệ cho 96 hộ là 408,10 ha đất trồng cây theo chương trình 661 và rừng tự nhiên có trữ lượng. Diện tích giao cho 11 cộng đồng thôn bản 1.977,28 ha. Trong đó: giao và cấp giấy cho 9 cộng đồng thôn bản 359,69 ha; giao cho cộng đồng thôn bản quản lý, bảo vệ 1.617,59 ha. Toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Bắc Lãng được giao quản lý, bảo vệ và cấp giấy chứng nhận cho các hộ và các tổ chức cộng đồng, giao 3 khu vực rừng thông cho 3 cộng đồng người Dao; phân loại 3 rừng: phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất trên địa bàn xã.

    Đi đôi với chương trình điều chỉnh và GĐGR, CIRUM đã tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định 181/CP, Nghị định 23 của Chính Phủ và xây dựng được quy ước quản lý bảo vệ rừng cho 11/11 thôn bản. Cùng với đó CIRUM còn lồng ghép các hoạt động tập huấn vườn ươm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, nông nghiệp sinh thái cho các nông dân nòng cốt ở thôn bản để cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình tại địa phương. Phấn khởi trước động lực mới, chị Hà Thị Khang ở Bản Hả thổ lộ: Gia đình chị được nhận 4,8 ha đất lâm nghiệp, số diện tích này trước đây đã trồng keo, nay đã đến tuối khai thác. Cùng với việc bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có, năm nay gia đình chị Khang còn tổ chức gieo ươm được 20 vạn cây giống keo, 6 vạn sa mộc, 6 vạn thông để cung cấp cho bà con nông dân quanh vùng. Có thể nói đến thời điểm này người dân xã Bắc Lãng đã hoàn toàn yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất, tạo viêc làm tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, XĐGN và vươn lên làm giầu chính đáng.
    CIRUM