Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

“Rừng thiêng” Tây Nguyên

  • Có những cánh rừng nguyên sinh của đại ngàn Tây Nguyên vẫn xanh ngát dù nằm giữa bốn bề dân cư đông đúc. Đó được coi là những khu “rừng thiêng” không một ai dám “mạo phạm”.

    “Nàng” H’Lăm thơ mộng
     
    Đồi Cư H’Lăm (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đak Lak) chỉ cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 13 km, là một khu rừng đẹp, thơ mộng và xanh mát quanh năm. Vào khoảng giao mùa Đông Xuân, lá, hoa xen nhau khoe sắc tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Người dân ở thị trấn Ea Pôk gọi đồi Cư H’Lăm là “khu rừng thiêng”- nơi trú ngụ của thần linh.

    Ông Y Luh Niê bên gốc cây Ana Kô trăm tuổi tại đồi Cư H’Lăm. Ảnh: H.S
     
    Sở dĩ có quan niệm như vậy vì theo truyền thuyết người Ê Đê, ngày xưa, chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô là Niê Y Đhin đã đem lòng yêu cô gái Niê H’Lăm xinh đẹp như bông hoa Pớt nở bên dòng suối Ea Pôk trong xanh. Tuy vậy, gia đình hai bên và buôn làng ra sức ngăn cấm, không cho hai người được đến với nhau vì họ cùng mang chung dòng họ “Niê”. Quá đau buồn vì tình yêu bị chia cắt, H’Lăm và Y Đhin trốn biệt lên ngọn đồi cạnh làng và vĩnh viễn không quay trở về. Từ đó, linh hồn của H’Lăm và Y Đhin hóa thân vào cây rừng, ngọn đồi từ đấy được gọi theo tên của cô gái H’Lăm. Chính vì thế, trong các ngày lễ tết, có rất nhiều đôi trai gái dẫn nhau lên đồi H’Lăm để tâm tình, họ hát điệu aya, nhảy múa và hái hoa Mnga Tong Bi tặng nhau để hứa hẹn ân tình.

    Với diện tích khoảng 19 ha, đồi Cư H’Lăm có rất nhiều loại gỗ quý như: Sao đỏ, cà te, hương, gụ mật… cùng các loại động vật có giá trị. Nhiều cây gỗ đã có đến hàng trăm năm tuổi, có cây to 6-7 người ôm mới xuể. Dù nằm trong lòng thị trấn Ea Pôk và được bao quanh bởi Buôn Mắp, Buôn Bôk, Buôn Lang, Ea Súc… nhưng đồi Cư H’Lăm luôn được người dân canh giữ, không cho ai xâm phạm. Sự tồn tại của một cánh rừng già nguyên sinh giữa lòng khu dân cư đông đúc quả là một kỳ tích khi nạn phá rừng ở Tây Nguyên luôn là điều nhức nhối.

    Ông Y Luh Niê- Trưởng ban Mặt trận Buôn Mắp tự hào: “Mấy chục năm nay, đồi Cư H’Lăm chưa bị chặt mất một cây, việc bảo vệ rừng đã trở thành truyền thống của người trong làng. Mình bảo vệ cây rừng chính là tự bảo vệ mình, rừng xanh tốt thì mọi người trong làng sẽ được che chở, được ấm no và mạnh khỏe. Ai phá rừng sẽ bị làng phạt, đuổi ra khỏi làng. Khu rừng chính là niềm tự hào của dân làng nơi đây, rừng được yên thì dân mới tránh được mọi hiểm họa”.

    Người Mạ giữ rừng

    Từ năm 2002, một số cánh rừng ở Đak Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đak Nông) bị tàn phá trầm trọng. Đến lúc này người Mạ cư trú ở đây mới cảm thấy lo sợ bị thần trừng phạt vì mình đang để mất rừng. Người Mạ quan niệm rằng: Cây chính là nhà, là nơi trú ngụ của thần linh nên khi “nhà” không còn nữa thì thần sẽ giận dữ và trút tai họa lên buôn làng. Từ đó, người dân các làng ở Đak Nia ra sức bảo vệ rừng như một hành động “chuộc lỗi”. Những người trước đây từng là “lâm tặc” một thời nay lại trở thành những người gác rừng tích cực nhất. Chính 2 làng N’Jriêng và Bon Srê Úh là nơi đi tiên phong cam kết từ bỏ việc phá rừng và nhận rừng để tự bảo vệ. Cái tên “làng lâm tặc” từ nhiều năm qua đã trở thành cộng đồng giữ rừng hiệu quả với trên 1.000 ha.

    Rừng thiêng Đak Pa (xã Đak Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đak Nông) luôn được người dân bảo vệ. Ảnh: H.S
     
    Theo anh K’Tinh, người dân xã Đak Nia, các làng ở Đak Nia đều có những “khu rừng thiêng” riêng, có nơi có đến 2-3 “khu rừng thiêng” và linh thiêng nhất là những cánh rừng nghĩa địa vì ở đó có nhiều linh hồn trú ẩn. Nhờ niềm tin vào rừng thiêng nên có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn, rừng được người dân bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.

    Già K’Biêng- làng Tinh Wel Đơm luôn dặn dò dân làng: “Rừng chính là nhà của thần, mình không phá nhà của thần thì không lo sợ thần bắt, không sợ thần trừng phạt. Mình đi vào rừng thì không sao chứ làm hại đến rừng thì sẽ không được yên. Từ nhiều đời nay, người dân trong làng sống hòa thuận với rừng nên việc giữ rừng đã trở thành truyền thống. Ngay cả đứa nhỏ mới biết lên rẫy lần đầu cũng phải biết đến rừng thiêng để tránh làm hại và bảo vệ”.

    Không chỉ có người Ê Đê, người Mạ mà tất cả những dân tộc bản địa trên vùng đất Tây Nguyên đều quan niệm: Nơi nào có cây, có đất thì nơi đó sẽ có thần linh trú ngụ. Dân làng sẽ ra sức bảo vệ những “khu rừng thiêng” như bảo vệ chính sự sống của mình.

    Hương Sơn

    Theo Gia Lai online

Bài viết khác