Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Xã Bắc Lãng: Sinh kế bền vững sau khi được giao đất giao rừng

  • Sau khi được giao quyền quản lý bền vững đất rừng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nhờ biết phát huy thế mạnh đồi rừng nên cuộc sống của bà con nhân dân xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn ngày càng khấm khá, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng.
     
    Là xã có 100% là đồng bào dân tộc (Tày, Dao, Sán chỉ, Sán dìu), trước đây Bắc Lãng từng được biết đến là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì huyện Đình Lập. Xã nằm cách trung tâm huyện hơn 20km, đời sống kinh tế của người dân phụ thuộc vào rừng và rất khó khăn. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm CIRUM, đến năm 2007, 99% (261/263 hộ) hộ gia đình của xã Bắc Lãng đã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Để từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn, sau khi được giao đất xã Bắc Lãng cùng Trung tâm CIRUM đã phối kết hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình quản lý bền vững tài nguyên rừng và phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú trọng phát huy những tiềm năng tự nhiên sẵn có, đẩy mạnh phát triển kinh tế từ rừng. 
     
    Chia sẻ với chúng tôi, ông Lộc Dương Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng cho biết: "Chương trình giao đất giao giao rừng hỗ trợ bởi Trung tâm CIRUM đã giúp địa phương quản lý tốt tài nguyên đất rừng, 261/263 hộ gia đình được nhận sổ đỏ, từ khi rừng được giao tới các hộ dân thì không còn tranh chấp nữa, người dân yên tâm sản xuất, tài nguyên rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân, vào các thôn bản đã có rất nhiều ngôi nhà xây mọc lên, tỉ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm đáng kể”. Ông Bảo còn cho biết, hiện nay trên địa bàn xã ngoài việc trồng Keo thì mô hình trồng cây Mây hèo (một loài cây địa phương) cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, địa phương dự kiến sẽ nhân rộng những mô hình này.
     
    Dọc theo con đường đi vào xã Bắc Lãng, bên cạnh những cánh rừng xanh ngút ngàn của những rừng Keo đã xuất hiện những ngôi nhà xây, mái ngói đỏ tươi. Cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc đáng kể. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo và trở thành những tấm gương sản xuất kinh tế giỏi. Theo giới thiệu của ông Bảo, chúng tôi đến thăm nhà anh Lý Văn Thân, dân tộc Dzao vừa mới chuyển nhà từ bản Khe Cảy ra gần trung tâm xã, một trong những gia đình tiêu biểu giàu lên từ rừng. Anh Thân mồ côi từ nhỏ, cuộc sống trước đây chỉ làm lúa nương, lấy rau rừng để sống, rừng chưa có người quản lý nên việc khai thác rừng diễn ra ồ ạt và nhanh chóng bị nghèo kiệt, lúc đó gia đình anh thuộc dạng nghèo nhất bản. Sau khi được giao 10ha, với sự hỗ trợ một phần cây giống của Nhà nước, một phần nguồn vốn đi vay theo chương trình hỗ trợ gia đình nghèo để mua cây giống, gia đình anh đã tập trung đầu tư công sức vào trồng rừng. Từng là thành viên tham gia nhiều hoạt động tập huấn do Trung tâm CIRUM hỗ trợ liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên như kĩ thuật ươm cây, tham gia hoạt động của Hội Đông y và bảo vệ rừng cộng đồng, anh Thân đã được tiếp cận với các kỹ thuật ươm, trồng và quản lý rừng bền vững nên rừng của gia đình luôn xanh tốt, đến kỳ khai thác đạt sản lượng cao, đem lại nguồn thu lớn. Từ đầu năm 2012, gia đình đã bắt đầu khai thác rừng trồng, trung bình mỗi hecta cho thu khoảng 60 triệu đồng. Nhờ cần cù chăm chỉ sau một vụ thu hoạch, anh mua được xe máy, xây được ngôi nhà 3 gian rộng rãi, đủ tiền chi tiêu và trang trải cho con cái học hành. Anh Thân chia sẻ: Được giao rừng rồi, gia đình tôi yên tâm sản xuất, mình bỏ sức, bỏ vốn ra làm mà không sợ người ngoài vào khai thác. Đất ở đây không phụ lòng người, chỉ 5 – 6 năm là có thể thu hoạch được. Gia đình bán vụ đầu tiên đã mua được xe máy và chuyển nhà từ trong bản ra ngoài trung tâm xã, hiện nay toàn bộ diện tích 10 ha đã được trồng hết.

    Cây Keo mang lại sinh kế ổn định cho người dân Bắc Lãng
    Cây Keo mang lại cuộc sống ổn định cho người dân Bắc Lãng (Ảnh: CIRUM)

    Rời nhà anh Lý Văn Thân, chúng tôi tiếp tục đi thăm gia đình ông Lý Mẩn Ửng, dân tộc Dao ở thôn Khe Hả, gia đình đầu tiên xây dựng mô hình cây Mây hèo để phát triển kinh tế, hiện tại ông là một trong những gia đình có kinh tế khá của thôn Khe Hả. Ông Lý Mẩn Ửng trước đây làm cán bộ định canh, định cư của huyện Đình Lập, nhưng do cuộc sống khó khăn, ông đã xin nghỉ để về phát triển kinh tế chăm sóc gia đình. Sau khi nghỉ công tác, bao khó khăn đè năng trên đôi vai, ông đã lần mò đi sâu vào trong các khu rừng để tìm kiếm đất canh tác. Địa điểm ông chọn cách thôn 3 tiếng đồng hộ đi bộ, cùng với sự cần mẫn, tỉ mỉ vốn có của người Dao, ông đã khai hoang được ruộng, ông làm lán ở gần ruộng để canh tác. Trong thời gian ở lán, ông đã đi lên rừng và phát hiện cây Mây hèo, một loại cây bản địa mọc trong rừng. Để ý, theo dõi ông thấy rằng cây Mây hèo có thể cho phát triển kinh tế, từ đó ngày ngày vào thời gian rỗi sau vụ mùa, ông lại xách dao vào rừng phát, tỉa từng gốc mây, chăm sóc tỉ mỉ, ông tách những cây con để trồng. Không phụ lòng ông, những gốc mây không cần phân bón nó lớn rất nhanh, trong vòng 5- 6 năm đã cho thu hoạch, điều đặc biệt của cây Mây hèo này là chỉ cần trồng một lần và được thu hoạch mãi mãi.

     Anh Bảo (con trai ông Ửng) đang chia sẻ về mô hình Mây (Ảnh: CIRUM)

    Sản phẩm thu từ cây Mây hèo gồm thân và quả. Thân mây hiện nay bán 15.000đ/cây dài 4,5m, còn quả thì dao động từ 60 - 70.000đ/kg. Gia đình ông Ửng chỉ bán thân cây khi cây đã già, không còn cho quả, chủ yếu là bán quả. Hàng năm, không cần mất nhiều thời gian, công sức hay phân bón, chỉ mất 2 tháng bảo vệ khi cây có quả gần chín, thu hoạch bán ra ngoài đã cho thu nhập hơn 30 - 40 triệu đồng. Phát huy truyền thống của bố, anh con trai cả Lý Văn Bảo ngoài việc cùng bố lấy cây con trồng vào rừng, anh cũng đã trồng được hơn một trăm gốc mây xung quanh nhà, đến nay đã được 6 năm tuổi, năm ngoái đã cho thu vụ đầu tiên được 2 triệu đồng.
     
    Khi nói về mô hình trồng và phát triển cây Mây hèo của gia đình ông Ửng, ông Lý Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng, Điều phối viên Mạng lưới Đất rừng, người đi cùng đoàn chúng tôi, cho biết: Tôi đánh giá rất cao mô hình này, nó cần rất ít đầu tư nhưng hiệu quả lại cao, chỉ mất công bảo vệ khỏi bị ăn trộm quả trong vòng 2 tháng (tháng 7 - 8 âm lịch) thì đã có thu hoạch hàng chục triệu đồng. Tôi mà có mô hình như thế này thì sẽ làm nhà ở trong rừng này luôn để phát triển sản xuất. Diện tích mây này đã cho gia đình ông Ửng thu nhập cao và hiện là một trong những gia đình có kinh tế khá trong thôn, đây là mô hình bản thân tôi cần học hỏi.


     Cây Mây hèo trong mô hình ông Lý Mẩn Ửng (Ảnh: CIRUM)

    Kết thúc chuyến công tác ở xã Bắc Lãng, với những cái bắt tay thật chặt của lãnh đạo xã, những ánh mắt lưu luyến của người dân các thôn bản như gửi gắm sự tin tưởng và sự cảm kích tới Trung tâm CIRUM trong công cuộc giao đất, giao rừng để tài nguyên được quản lý, sử dụng bền vững bởi chính cộng đồng và người dân. Trên đường về, chúng tôi thấy rất nhiều ngôi nhà mới đã và đang được xây, những khu rừng một màu xanh mướt cây Keo, trên gương mặt người dân rạng ngời niềm tươi mới, như xóa dần đi sực mệt nhọc và khó khăn trước đây. Bắc Lãng đang đổi mới từng ngày, đời sống người dân ngày càng ổn định, tài nguyên rừng đang được quản lý và sử dụng một cách bền vững./.
     
    CIRUM
     

Bài viết khác