Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tập quán quản lý và sử dụng rừng và đất rừng của dân tộc Cơ Tu tại Quảng Nam

  • Trước năm 1977, cộng đồng dân tộc Cơ Tu tại thôn DhơRôồng xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam sinh sống ở phía Tây dãy Trường Sơn trên địa phận đất Lào. Sau đó họ di chuyển về định cư ở phía Đông dãy Trường Sơn, thuộc địa phận huyện Đông Giang ngày nay. Dân tộc Cơ Tu là một trong các nhóm tộc người cư trú lâu đời ở phía Đông - Tây của dãy Trường Sơn và vùng Tây Nguyên Việt Nam. Họ đã thiết lập các quan hệ cộng đồng bản làng rất chặt chẽ. Bản làng là một đơn vị dân cư trên một địa vực nhất định và riêng biệt, tự quản trên cơ sở thiết chế truyền thống của cộng đồng, đứng đầu là Hội đồng già làng. Cấu kết làng bản được phản ảnh thông qua việc bố trí không gian sống và sinh hoạt trong cộng đồng. Các gia đình trong làng được bố trí thành một vòng, quây quanh là một khoảng trống ở giữa, nơi có nhà Gươl (tương đương nhà rông ở Tây Nguyên) để tổ chức các hoạt động sinh hoạt chung của cả cộng đồng.

    Một góc quang cảnh thôn DhơRôồng của người Cơ Tu

    Sinh kế của người Cơ Tu chủ yếu dựa vào tập quán canh tác nương rẫy và gắn liền với rừng và đất rừng. Canh tác nương rẫy thường là đa canh, xen canh và luân khoảnh - cứ sau một chu kì canh tác lại bỏ hoá một thời gian trước khi tiếp tục canh tác. Người dân chỉ gieo trồng một vụ trong một năm. Nguồn thực phẩm hàng ngày chủ yếu do hái lượm, săn bắn các sản phẩm trên rừng.

    Theo truyền thống, sở hữu đất và rừng của cộng đồng người Cơ Tu được xác lập theo cơ chế tự quản, được các cộng đồng lân cận khác thừa nhận. Phạm vi đất và rừng của cộng đồng với các bản làng lân cận được xác định rõ ràng bởi các con suối, hòn đá, mỏm núi... Không gian sinh tồn của dân tộc Cơ Tu ở thôn DhơRôồng được thể hiện qua bốn đặc thù chính, như: Một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và chung lợi ích, một cộng đồng tâm linh và một cộng đồng văn hóa.

    Quản lý và sử dụng tài nguyên theo tập quán văn hóa của cộng đồng Cơ Tu được thiết lập theo các không gian sử dụng sau đây:
    • Khu định cư (đất thổ cư): Gồm khu xây dựng nhà ở của các hộ và đất sử dụng chung của cộng đồng (nhà Gươl, sân chung);
    • Rừng xen rẫy luân canh, rẫy định canh (vườn nhà, vườn đồi): Các hộ tự phát nương, tự quản lý sử dụng và được cộng đồng thừa nhận, tôn trọng;
    • Rừng phục vụ cuộc sống chung của cộng đồng: Nơi dân làng săn bắt, hái lượm, lấy những vật dụng cần thiết trong đời sống hằng ngày, khai thác gỗ để làm nhà hoặc để làm quan tài cho người chết;
    • Rừng thiêng: Nơi trú ngụ của thần linh, không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn, được gìn giữ dưới một vỏ bọc tín ngưỡng.
    Trong không gian rừng và đất rừng (khu vực gắn với sản xuất, rừng phục vụ cuộc sống) của bản làng, các thành viên trong cộng đồng được sử dụng để tổ chức sản xuất nương rẫy và khai thác các sản phẩm từ rừng và được các thành viên khác thừa nhận. Một số sản phẩm từ rừng như thú rừng, mỗi khi một thành viên hay cộng đồng săn bắt được đều trở thành sản phẩm chung và được chia sẻ cho cả cộng đồng khi đã giành một phần xứng đáng cho Chủ làng và cho người có công săn, bẫy được con thú. Ai trong làng cũng biết rõ từng gốc cây, khe suối trong lãnh địa của làng mình để đến đúng vị trí cần đưa con thú về mà không cần người đi săn dẫn đường. Họ cũng không xâm hại đến rừng của làng khác một cách tự giác.

    Cũng giống như các dân tộc định cư vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, người Cờ Tu quan niệm rằng các tài nguyên tự nhiên như  đất, rừng, nguồn nước là do các vị thần ban tặng cho họ. Mọi hoạt động sinh kế, sức khỏe, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đều được gắn với tín ngưỡng truyền thống thờ thần linh như Thần rừng, Thần nước. Hàng năm cả cộng đồng tổ chức lễ cúng Thần rừng, Thần nước ngay tại rừng, suối nước và thường đi kèm với lễ hội đâm trâu tại nhà Gươl để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sức khỏe và bình an cho con người và động vật. Bên cạnh các lễ cúng Thần rừng, Thần nước, cộng đồng Cơ Tu còn có các lễ hội văn hóa liên quan đến đất và rừng như lễ phát rẫy, lễ lúa mới… Khi có sự cố bất thường xảy ra như mất mùa, khô hạn, ốm đau ở khu vực nào đó, cộng đồng thường tổ chức cúng Thần rừng ngay tại khu rừng gần đó.

    Cùng với chương trình cải cách đất đai ở miền Nam sau giải phóng 1975, toàn bộ rừng và đất rừng được quốc hữu hóa chuyển giao cho các tổ chức nhà nước quản lý (Nông Lâm trường, Hạt kiểm lâm…). Mặc dù vậy, trong thời gian đầu khi các tổ chức nhà nước chưa đủ năng lực quản lý, cộng đồng thôn làng vẫn được sử dụng tài nguyên rừng và đất đai xung quanh làng để sinh sống theo hình thức tự quản. Không gian sinh sống của cộng đồng dân tộc Cờ Tu ở thôn DhơRôồng thời gian này cũng khá lớn với bán kính khoảng 5 - 6 km.

    Hỉnh ảnh tế trâu truyền thống của người Cơ Tu được vẽ trong Nhà Gươl thôn DhơRôồng

    Khi nói đến tập quán quản lý truyền thống tài nguyên của người dân Cơ Tu, cũng cần phải thấy một thực tiễn là cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là từ sau khi chuyển sang đổi mới nền kinh tế đã có nhiều tác động không thuận lợi đến quyền quản lý và sử dụng đất và đất rừng của cộng đồng dân tộc Cơ Tu tại các bản làng thuộc huyện Đông Giang. Những cải cách trong chính sách đất đai về phân chia lại đất lâm nghiệp cho các chủ thể quản lý đã và đang làm thu hẹp dần không gian văn hóa và sinh tồn của cộng đồng. Với điều kiện ở vùng miền núi, sinh kế của đa số đồng bào dân tộc gắn với rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc GĐGR cho hộ gia đình và cộng đồng ở Đông Giang còn đang ở mức rất thấp. Giai đoạn toàn tỉnh Quảng nam  thực hiện giao đất giao rừng 2006 - 2008, thì trên toàn huyện mới tổ chức tạm giao cho 35 cộng đồng với khoảng 16.307 ha đất rừng để quản lý bảo vệ và 1.727 hộ gia đình được giao với diện tích khoảng 2.880 ha. Đến nay, phần lớn diện tích lâm nghiệp, khoảng 46.463 ha (chiếm 71%) đang thuộc quyền quản lý bởi BQL rừng phòng hộ A Vương, BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, Khu bảo tồn Sao La và Công ty cao su Đông Giang với 3 đơn vị thành viên.
     
    Rừng thiêng của dân tộc Cơ Tu thôn DhơRôồng, theo quan niệm truyền thống là nơi trú ngụ của thần linh, không ai được động đến, thường là rừng đầu nguồn, được gìn giữ thông qua các lễ hội tín ngưỡng truyền thống hầu như không còn. Những diện tích này đã và đang được quản lý bởi các Ban quản lý rừng và Khu bảo tồn, một phần trở thành đất nương rẫy, đất rừng trồng của các hộ dân trong thôn. Hiện nay, toàn thôn chỉ có duy nhất một khu rừng tự nhiên phục hồi với diện tích khoảng 50 ha đang được quản lý chung và thường xuyên được tuần tra bảo vệ bởi tổ bảo vệ rừng của thôn. Các hoạt động lễ hội tín ngưỡng cũng đã có những biến động lớn, thay vì tổ chức tại rừng như xa xưa cha ông người Cơ Tu làm thì nay thi thoảng họ mới tổ chức, chủ yếu là hành lễ tại khu vực Nhà Gươl là chính. Các giá trị trong thiết chế cộng đồng truyền thống và vai trò của Hội đồng già làng của người Cơ Tu tại thôn Dhơ Rôồng đang có nguy cơ bị mai một. Theo chia sẻ với các gia làng, thì đó cũng là một sự tiếc nuối. Nếu có thể việc cúng Thần rừng cần được trở lại với rừng như xưa.
     
    Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Tập quán văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Cơ Tu đã và đang bị phá vỡ và rất khó kháng cự được trước tác động mạnh mẽ của các chương trình phát triển kinh tế xã hội, cơ chế thị trường và xâm nhập văn hóa bên ngoài. Thực tế văn hóa dân tộc Cờ  Tu đã có nhiều đứt gãy, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa bên ngoài, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và đánh rơi dần đi bản sắc dân tộc".
     
    Hoạt động sinh kế theo tập quán truyền thống gắn với rừng của dân tộc Cơ Tu cũng đang gặp phải những thách thức từ các yếu tố bên ngoài. Tại thôn Dhơ Rôồng, việc sử dụng các sản phẩm từ rừng hạn chế vì rừng tự nhiên khá xa khu dân cư và thuộc quyền quản lý của các tổ chức nhà nước. Một số sản phẩm được khai thác sử dụng gắn với tập quán truyền thống như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm chưa thực sự được phục hồi và phát triển một cách mạnh mẽ như một thế mạnh, một nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Tuy nhiên, với thực trạng quản lý rừng như hiện nay, việc cung cấp nguyên liệu cho nghề dệt thổ cẩm sẽ khó khăn hơn nếu cộng đồng không được chủ động quản lý bảo vệ rừng.
     
    Từ thực trạng và thách thức trên đây cho thấy để quản lý bảo vệ được rừng và ổn định cuộc sống của người Cơ Tu nói riêng, các dân tộc thiểu số tại miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung, việc đảm bảo nhu cầu đất sản xuất, nhất là quyền quản lý sử dụng rừng và đất rừng cho hộ gia đình và không gian văn hóa rừng cho cộng đồng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Cấu trúc quản lý xã hội, văn hóa truyền thống và tập quán sản xuất của mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi đều gắn bó mật thiết với đất và rừng. Do đó, việc đảm bảo không gian sinh tồn, không gian văn hóa gắn với rừng và đất rừng cho cộng đồng là điều kiện tiên quyết góp phần nâng cao đời sống, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số.
     
    LISO

Bài viết khác