Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường: Chủ trương đúng, nhưng làm thì ... lúng túng

  • QĐND - Sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) của Đảng và Nhà nước là chủ trương đúng đắn nhằm đạt 3 mục tiêu: Sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các NLTQD; tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương này hiện rất chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
    Chế biến gỗ ở Lâm trường Yên Thế, Bắc Giang
    Thay "bình" chưa thay "rượu" 

    Theo báo cáo kết quả điều tra, nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển (CODE - Tổ chức phi chính phủ) đến nay, cả nước đã có 51 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt “Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD”. Từ 256 lâm trường, công ty lâm nghiệp, sau khi sắp xếp còn 136 công ty TNHH một thành viên, 14 công ty cổ phần, 36 ban quản lý rừng (BQL) được thành lập và 14 NLTQD bị giải thể. Hầu hết các NLTQD đã được sắp xếp lại tổ chức (đổi tên) theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Quá trình sắp xếp, đổi mới một số doanh nghiệp trồng rừng nguyên liệu đã có bước chuyển biến khá tích cực, hình thành được vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất, kinh doanh như: LTQD Quy Nhơn (Bình Định), LTQD Hàm Tân (Bình Thuận), LTQD Yên Sơn (Tuyên Quang). Một số lâm trường bước đầu đã hình thành được phương án sản xuất, kinh doanh, quản lý rừng, sử dụng rừng khá hiệu quả như: Lâm trường Tiền Phong, BQL Rừng phòng hộ Nam Đông (Thừa Thiên-Huế).

    Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng CODE thì việc sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD vẫn rất chậm so với yêu cầu của Nghị định 200, mới chỉ thực hiện theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Cùng với đó, tình trạng một diện tích lớn đất rừng do NLTQD đang quản lý chưa sử dụng, bỏ hoang cần được rà soát, thu hồi để trả lại cho địa phương nhưng chưa được thực hiện.

    Đất rừng “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”

    Theo thống kê của Viện CODE, đến hết năm 2011 đã giao về cho địa phương khoảng 702 nghìn héc-ta (chiếm 63,2% diện tích đất dự kiến trả về cho địa phương quản lý). Như vậy, hiện vẫn còn khoảng 408 nghìn héc-ta đất rừng chưa bàn giao cho địa phương. Điều đáng nói diện tích đất đai sau rà soát thu hồi giao lại cho chính quyền địa phương quản lý chủ yếu mới thực hiện theo số liệu trên sổ sách, bản đồ, việc bàn giao trên thực địa chỉ đạt con số thấp so với yêu cầu.

    Cũng theo nghiên cứu, thống kê của Viện CODE, hiện nay còn hơn 132.000ha đất rừng chưa sử dụng, hoang hóa vẫn do NLTQD quản lý. Tình trạng người dân ở các địa phương thiếu đất sản xuất, lấn chiếm đất của lâm trường đã tạo ra những mâu thuẫn, xung đột. Tình trạng này vẫn diễn ra kéo dài và có xu hướng ngày càng tăng, cụ thể, đến năm 2011, diện tích đất rừng của các NLTQD bị xâm lấn vẫn còn lên đến 75.650ha. Tiến trình rà soát, sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD diễn ra chậm và gặp nhiều vướng mắc chưa giải quyết được. Đặc biệt, việc rà soát, đánh giá đất đai của NLTQD mới chỉ dựa trên báo cáo tự đánh giá của chính các nông, lâm trường. Việc rà soát đất đai thiếu sự tham gia của người dân và chưa xem xét đến nhu cầu sử dụng đất rừng của người dân địa phương đây là một trong những nguyên nhân gây nên mâu thuẫn tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các lâm trường ngày càng phức tạp.
    Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Sơn, Quế Phong, Nghệ An bức xúc:   Một số khu rừng do lâm trường trồng theo Chương trình 327 trồng cây sở, quế, thế nhưng đến nay không còn bất kỳ cây quế, cây sở nào cả, trở thành rừng hoang… Trong khi đó, dân xã chúng tôi thiếu đất sản xuất và đất ở.  

    Tháo gỡ bằng cách nào?

    Nếu không giải quyết được các xung đột hiện có trong tiến trình sắp xếp, đổi mới NLTQD, rất có thể Việt Nam sẽ khó tiếp cận với nguồn lực từ bên ngoài như Chương trình REDD (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển. Đây là sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 11 (COP11) các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tổ chức tại TP Montreal, Ca-na-đa năm 2005) trong thời gian tới. Bởi theo quy định để được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua REDD+ (gắn kết mục tiêu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu với quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao trữ lượng các-bon rừng), trước hết rừng của chúng ta cần phải được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

    Để  bảo đảm quá trình sắp xếp, đổi mới NLTQD thuận lợi, cần phải rà soát, đánh giá đất đai của NLTQD trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các người dân tại địa phương và NLTQD, xây dựng mô hình quản lý rừng phù hợp và hiệu quả với từng vùng miền. Có như vậy, nguồn lợi từ rừng và đất rừng mới được chúng ta khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường, quốc phòng, an ninh…

    (Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/2/97/97/206621/Default.aspx)

Bài viết khác