Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Nhận diện công tác quản lý, sử dụng đất lâm trường: Kỳ I: Mâu thuẫn, tranh chấp đất rừng… “nóng”

  • Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị, việc sắp xếp, đổi mới nông - lâm trường quốc doanh phần nào đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa lâm trường với người dân vẫn “nóng” và diễn biến phức tạp.
     
    Kỳ I: Mâu thuẫn, tranh chấp đất rừng… “nóng”

    Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là rừng trồng sản xuất. Ảnh: Thảo Nguyên
     
    Lâm trường quản lý không xuể


    Tại Lạng Sơn, trên địa bàn huyện Hữu Lũng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) được giao quản lý gần 22.000ha đất rừng, song nhiều năm qua, nơi đây cũng là điểm nóng về tranh chấp, lấn chiếm.

    Thực hiện theo Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; Nghị định số 200/NĐ-CP ngày 3/12/2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Công ty Đông Bắc đã tiến hành rà soát, dự kiến trả lại cho Hữu Lũng 11.260ha đất lấn chiếm, đất lâm trường sử dụng không hiệu quả. 


    Nhưng thực tế, diện tích dự kiến này vẫn chưa được thu hồi do đang thuộc khu vực dân lấn chiếm, khó giải quyết; việc rà soát chỉ thực hiện trên bản đồ, giấy tờ mà không khảo sát thực địa; các bên không có kinh phí để tổ chức rà soát, đo đạc trên thực địa...


    Chỉ tính riêng địa bàn thôn Cốt Cối, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, với khoảng 400 ha đất do Công ty Đông Bắc quản lý thì diện tích bị các hộ dân lấn chiếm là 272ha (chiếm 68%), diện tích đất đang tranh chấp khoảng 70ha.

    Về vấn đề này, ông Lăng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Hiện nay, người dân trên địa bàn xã không có đất để sản xuất. Nhiều người nhận giao khoán trồng rừng của công ty thì lại bất đồng về tỷ lệ khoán, khiến mâu thuẫn, tranh chấp cứ dai dẳng, khó giải quyết. “Với thẩm quyền của mình, chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động, hòa giải mà không có chế tài cưỡng chế hay xử phạt nào cả, do đó, không giải quyết dứt điểm được các tranh chấp”, ông Chiến nói.

    Từ năm 2005 trở lại đây, dân số trong địa bàn xã không ngừng gia tăng, trong khi đó diện tích rừng giao cho Công ty Đông Bắc quản lý thì lỏng lẻo. Ông Chiến bày tỏ, công ty này chỉ có 2 đội sản xuất, mỗi đội có 3 người mà quản lý tới 3.700ha rừng nên cần quy hoạch gọn lại diện tích đất lâm trường giao cho dân.

    Ông Nguyễn Tân Việt, Giám đốc Công ty Đông Bắc thì cho rằng, việc giao đất trước đây thực hiện chưa được bài bản, chưa chính xác, hều hết số diện tích chỉ giao được trên bản đồ, sổ sách mà không được giao trên thực địa, không cắm mốc giải thửa. Tình trạng lấn chiếm đất, chặt phá rừng thực tế đã xảy ra từ nhiều năm trước đây, nhưng chính quyền địa phương lại chưa vào cuộc quyết liệt, nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

    Dân "đói" đất sản xuất

    Ông Lăng Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (ngoài cùng bên phải) thừa nhận khó lòng giải quyết dứt điểm tranh chấp đất giữa người dân với lâm trường. Ảnh: Thảo Nguyên

    Ghi nhận tại địa phương cho thấy, không ai muốn vi phạm pháp luật, nhưng “đói” đất sản xuất, nhiều người dân phải liều xâm lấn. Bà Bùi Thị Thúy, bà Nguyễn Thị Hương, người dân thôn Cốt Cối chia sẻ, năm 1983, các bà đều là công nhân của lâm trường. Đến năm 1991 - 1992 thì nghỉ không có chế độ gì cả. Do không có đất rừng sản xuất nên 2 bà khai hoang phần đất gần chỗ gia đình ở để sản xuất. Tuy nhiên, phần khai hoang đó vẫn thuộc quyền quản lý của lâm trường.

    Theo ông Đoàn Quốc Anh, Bí thư Chi bộ Cốt Cối, đa phần người dân trong thôn là công nhân lâm nghiệp, đã nghỉ hưu hoặc thôi việc, không có đất sản xuất, thiếu đất sản xuất. Phần đất hiện nay họ đang canh tác do công sức khai hoang và cải tạo từ lâu, nhưng trên giấy tờ vẫn thuộc quản lý của công ty lâm nghiệp. Vì thế mà phát sinh mâu thuẫn. Ông Anh đề xuất, Nhà nước nên quy hoạch lại lâm trường. Diện tích đất rừng sản xuất giao lại cho người dân và Nhà nước thu thuế sử dụng đất như đối với phân chia đất ruộng.

    Cùng với đó, cơ chế khoán, tỷ lệ nộp sản quá cao (26m3 cây đứng/1ha, tương đương theo hợp đồng dân hưởng 30% còn lâm trường hưởng 70%) cũng khiến người dân bức xúc. Thông thường chỉ 2 - 3 chu kỳ trồng bạch đàn, đất đai sẽ bị bạc màu và khô cằn, do đó, nhiều hộ dân cho rằng việc duy trì tỷ lệ như trong hợp đồng giao khoán là không hợp lý.

    Bà Lý Thị Hương, Trưởng thôn Cốt Cối cho biết, các bức xúc bắt đầu dồn dập từ năm 2007. Diện tích đất rừng do công ty lâm nghiệp quản lý nhưng không kiểm soát hết được, giao khoán cho dân nhưng lại không bảo vệ được quyền lợi của người giao khoán. Do đó, càng khiến các tranh chấp căng thẳng hơn.

    Nguồn: Thanh Tra
     

Bài viết khác