Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Mâu thuẫn đất đai giữa Cty lâm nghiệp và người dân địa phương: Thiếu đất canh tác!

  • Theo kết quả khảo sát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất tại một số lâm trường được Tổ chức Forest Trends phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (CODE) công bố sáng 27.3 thì mâu thuẫn trong sử dụng đất rừng giữa các lâm trường và người dân địa phương đang gia tăng. Con số 76.000ha đất lâm trường nằm trong diện tranh chấp, lấn chiếm theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước năm 2011 là nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế...
     
     
    Chỉ mong một mảnh đất nhỏ trồng sắn!

    Theo ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends - những bất cập trong quản lý sử dụng đất của lâm trường quốc doanh (LTQD), bao gồm mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân là vấn đề nóng tại các phiên họp quan trọng của Chính phủ. Báo cáo của Tổ chức Forest Trends và Viện CODE được khảo sát trên 4 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Bình, Đắc Lắc và Lâm Đồng cho thấy, có ba nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn. Thứ nhất, người dân thiếu đất canh tác. Thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 cho thấy, giai đoạn 2002-2008 cả nước có trên 421.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Giai đoạn 2009-2011 có trên 347.000 hộ thiếu đất.

    Thiếu đất cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương. Do thiếu đất canh tác, một hộ dân Vân Kiều tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Bình) đã trồng sắn trên diện tích Cty Long Đại khai thác trồng rừng. Cán bộ Cty này hỏi: “Ai cho phép trồng sắn?”. Người dân vén áo, chỉ vào bụng và trả lời: “Cái bụng đói của tôi bảo tôi phải làm như vậy”!  Còn khảo sát tại Hữu Lũng (Lạng Sơn) thì một thôn có tới 85% số hộ đang thiếu đất sản xuất.

    Theo ông Tô Xuân Phúc, do bất bình đẳng trong sử dụng đất: Các lâm trường đang sử dụng nhiều đất, một số nơi cho hiệu quả thấp, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Tại một số địa phương, chính quyền cắt đất từ các lâm trường và đem giao cho các Cty tư nhân để phát triển cây công nghiệp, thay vì chia đất cho dân nhằm thoát nghèo. Tại Quảng Bình, Phó Chủ tịch xã Trường Sơn cho biết: “Mỗi hộ dân Vân Kiều sống dọc đường Hồ Chí Minh chỉ được 1-2 sào màu, nhưng lại đang bị mất đất do sạt lở thường xuyên. Ngoảnh ra sau nhà, đất rừng rộng bao la nhưng lại là đất của lâm trường, bà con muốn có một mảnh nhỏ để trồng sắn cũng không có”.

    Còn nguyên nhân thứ ba, là do việc phát triển mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản (đặc biệt là gỗ rừng trồng và sắn) trong thời gian gần đây tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người. Tiếp cận và kiểm soát đất đai trở thành cơ hội nâng cao thu nhập cho những người nắm giữ các quyền này. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương.

    Chưa có cơ chế giải quyết mâu thuẫn

    Theo ông Phạm Quang Tú – Viện CODE - vai trò của UBND xã trong việc giải quyết tranh chấp rất hạn chế, chủ yếu dừng ở mức độ hòa giải. Trong khi huyện có vai trò lớn hơn nhưng lại thiếu cơ sở và nguồn lực để giải quyết. Về mặt quản lý, lâm trường không trực thuộc chính quyền địa phương mà do TCty Lâm nghiệp VN quản lý nên vai trò của chính quyền huyện, xã trong chỉ đạo lâm trường giải quyết tranh chấp không khả thi.

    Không có kinh phí để thực hiện rà soát, đo đạc, chia đất nên Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) thừa nhận, kể cả khi lâm trường trả về một phần đất để huyện giao cho dân thì huyện cũng không có kinh phí để thực hiện. “Chúng tôi  không biết sẽ giải quyết mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn chồng chéo giữa quyền hợp pháp và quyền truyền thống sử dụng đất như thế nào” - ông này nói thêm.

    Mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân ngày càng gia tăng, phản ánh sự thất vọng của người dân đối với cơ chế giải quyết mâu thuẫn. Người dân xã Trường Sơn (Quảng Bình) nhiều lần kiến nghị,  phản ánh bức xúc, nhưng đến nay chính quyền các cấp vẫn chưa giải quyết. Một người dân bản Khe Cát chia sẻ: “Mình không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm trường. Nhưng đề nghị mãi mà chính quyền cứ bảo chờ. Biết chờ đến bao giờ? Cái bụng đói không chờ được, phải làm liều để có đất sản xuất?”.

    Khảo sát của Forest Trends và Viện CODE cũng thừa nhận, chính bế tắc trong xử lý mâu thuẫn đất đai tại nhiều địa phương đã làm giảm lòng tin của người dân vào sự công tâm và tính hữu hiệu của bộ máy chính quyền cơ sở. Xung đột mâu thuẫn gia tăng, đơn cử tại xã Tân Thành (Lạng Sơn), Phó Chủ tịch xã này cho biết, thời gian dành cho giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân và lâm trường chiếm tới 70% quỹ thời gian làm việc của ông.

    “Rà soát diện tích đất cần giữ lại cho từng lâm trường; kiên quyết giao các diện tích sử dụng sai mục đích cho chính quyền địa phương để giao lại cho dân; khắc phục nhanh tình trạng đồng bào không có đất..., có như vậy mới tháo ngòi hiệu quả các mâu thuẫn hiện nay” - Forest Trends và Viện CODE khuyến cáo.

    (Nguồn: http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Mau-thuan-dat-dai-giua-Cty-lam-nghiep-va-nguoi-dan-dia-phuong-Thieu-dat-canh-tac/107831.bld)

Bài viết khác