Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Mạng lưới Đất-Rừng khảo sát mô hình trồng Sa nhân dưới tán rừng tại Lào Cai

  • Cùng với việc tư vấn các mạng lưới đất rừng cấp cơ sở trong vận động chính quyền các cấp khẳng định chủ quyền sinh kế của người dân và cộng đồng, Ban Đại diện Mạng lưới Đất rừng (MLĐR) ưu tiên khảo sát để phát hiện, thu thập thông tin, kinh nghiệm từ những mô hình quản lý và sử dụng bền vững đất và rừng; từ đó, tư vấn cho thành viên của Mạng lưới và người dân tại các địa phương sau khi được nhận quyền quản lý và sử dụng đất và rừng.

    Từ ngày 9-12 tháng 5 năm 2014 thành viên Ban Đại diện MLĐR, MLĐR tại xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai, Viện Ng­­­hiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội (SPERI), Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển văn hóa Đông Nam Á (CIRUM) đã tổ chức  thăm quan, chia sẻ mô hình trồng Sa nhân, Thảo quả dưới tán rừng với người dân tại xã Phì Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là mô hình đóng vai trò tích cực không chỉ trong cải thiện sinh kế và văn hoá của đồng bào Dao đỏ mà còn góp phần quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất và rừng.

    Phìn Ngan là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 10 km về phía Tây Nam và cách thành phố Lào Cai khoảng 15 km về phía Tây Bắc. Xã có 14 thôn bản, trong đó có 502 hộ, 2.679 khẩu với 98% là người Dao đỏ.

    Cùng với công tác bảo vệ rừng, trồng rừng bổ sung, người dân Phìn Ngan đã chú trọng phát triển các loại cây bản địa dưới tán rừng nhằm “lấy ngắn nuôi dài” góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

    Sa nhân tím và Thảo quả là những loài cây được đồng bào Dao đỏ lựa chọn trồng dưới tán rừng và xung quanh vườn nhà. Trong hai loài cây này thì Sa nhân tím được hầu hết người dân lựa chọn để trồng dưới tán rừng vì có đặc điểm là cây chịu bóng, mọc nơi đất ẩm, thích nghi tốt với vùng có tầng đất mỏng và lẫn đá như ở Phìn Ngan và không đòi hỏi điều kiện chăm sóc phức tạp.
     
    Cây Sa nhân tím sinh trưởng dưới tán rừng nơi có tầng đất mỏng và lẫn đá nhiều, được trồng với khoảng cách khóm 2-3 m

    Sa nhân tím được người dân tại 14 thôn xã Phìn Ngan bắt đầu trồng từ năm 1998. Sản phẩm của loài cây này cho nguồn thu tương đối ổn định. Ông Tẩn Láo Tả - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với diện tích Sa nhân được trồng trên địa bàn toàn xã là 60 ha, hàng năm đã cho một sản lượng trên 10 tấn và thu về cho người dân khoảng 1,5 tỷ đồng. Nguồn thu này có ý nghĩa rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Trong thời gian tới, xã tiếp tục cùng bà con nâng tổng diện tích trồng Sa nhân lên đến 80 ha”.

    Mô hình trồng trồng Sa nhân dưới tán rừng ở Phìn Ngan không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế mà là sáng kiến trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đầu nguồn cũng như đóng góp duy trì các giá trị văn hóa truyền thống của người Dzao đỏ. Đoàn khảo sát đã tiếp cận với thôn Sủng Hoảng nơi có 100% các gia đình xây dựng mô hình kinh tế rừng và phát triển loài sa nhân tím để tìm hiểu thêm tính hiệu quả và giá trị của loài cây này.

    Em Tẩn Ú Mầy, 20 tuổi cho biết:  “gia đình em có 3 khu rừng với tổng diện tích khoảng 5 ha trong  đó có tới gần 1 ha trồng Sa nhân đỏ và đã cho thu hoạch. Em cũng xin gia đình một diện tích để trồng riêng cho mình hơn 100 khóm”. Vườn sa nhân của Mầy đã được hơn 1 năm tuổi và đã cho thu hoạch một triệu đồng. Số tiền này Mầy dùng mua vải và chỉ để thêu quần áo chuẩn bị cuối năm về nhà chồng. Theo phong tục của người Dzao đỏ thì con gái trước khi về nhà chồng phải có một năm ở nhà mẹ đẻ để chuẩn bị 3 đến 4 bộ váy áo truyền thống.
     
    Quả Sa nhân cho thu nhập trung bình 150.000đ/1kg tươi

    Với những thông tin đã thu thập được như điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, kĩ thuật trồng, chăm sóc và chế biến cây Sa nhân tím, đoàn khảo sát đã mang một số giống về trồng thử nghiệm tại một số hộ là thành viên của Mạng lưới đất rừng tại xã Sơn Kim1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và tại mô hình Trường thực hành Nông dân Sinh thái (FFS) tại xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

    Ông Trần Trọng Bình - Đại diện MLĐR tại Hà Tĩnh cho biết: “trong vườn rừng của  tôi đã có nhiều loài cây ngắn ngày được trồng thử nghiệm nên rất hy vọng cây Sa nhân tím sẽ có thể phát triển tại quê hương mình với các điều kiện đất đai tương đồng như Phìn Ngan. Nếu phát triển tốt cho hiệu quả kinh tế, tôi sẽ phổ biến rộng rãi cho các thành viên MLĐR tại Hà Tĩnh để cùng áp dụng”.

    Các mô hình như ở Phìn Ngan, trong đó cây bản địa được thử nghiệm, trồng và phát triển bởi người dân địa phương thông qua những tri thức, kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều thế hệ đang phát huy hiệu quả trong ổn định sinh kế, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất rừng vùng đầu nguồn. Bài học này sẽ giúp MLĐR có được định hướng trong các hoạt động tư vấn cho thành viên của Mạng lưới và người dân sau khi được nhận quyền quản lý và sử dụng đất và rừng tại các địa phương.

    LANDNET

Bài viết khác