Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Hội nghị chia sẻ thành công thí điểm giao rừng gắn với đất lâm nghiệp dựa vào cộng đồng


  • Ngày 4/10, tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai) UBND huyện Si Ma Cai đã phối hợp với  Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội (SPERI) và Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị chia sẻ kết quả và bài học triển khai thí điểm giao rừng gắn với đất lâm nghiệp dựa vào cộng đồng tại thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui thuộc huyện Si Ma Cai. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo huyện Si Ma Cai, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Lào Cai, huyện Bắc Hà và Mường Khương, đại diện Hạt Kiểm Lâm Si Ma Cai , Phòng Tài nguyên và Môi trường Si Ma Cai, đại diện 13 xã thuộc huyện Si Ma Cai, cộng đồng dân cư trong vùng dự án và Viện SPERI.

    Giao đất giao rừng và khoán bảo vệ rừng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được triển khai từ đầu những năm 1990 nhằm quản lý bảo vệ hiệu quả rừng và đất rừng, góp phần hỗ trợ cho đồng bào dân tộc miền núi xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế các địa phương vùng miền núi. Giao rừng cho cộng đồng quản lý là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của chủ trương của Đảng và Nhà nước đồng thời gắn liền lợi ích của mỗi hộ dân và cộng đồng thì việc nâng cao nhận thức của người dân trong tiếp cận các quyền trong quản lý bảo vệ rừng, các chính sách, pháp luật liên quan đóng vai trò quan trọng.

    Từ tháng 6 năm 2011 đến nay, UBND huyện Si Ma Cai (Ban chỉ đạo giao đất giao rừng), Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai và Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI) đã phối kết hợp triển khai thí điểm giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thí điểm trên cơ sở Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNN-BTN&MT cho các hộ gia đình và cộng đồng người Mông tại thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui tại huyện Si Ma Cai. Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, dự án đã thành công giải quyết được những bất cập trong công tác giao đất giao rừng, qui hoạch và lập bản đồ trước đây.

    Mục đích của Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn về công tác qui hoạch, bản đồ và giao đất giao rừng cho các chủ thể sử dụng, và các bài học kinh nghiệm trong công tác phối kết hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt là việc phát huy sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương trong giao rừng gắn với đất lâm nghiệp trên cơ sở Thông tư liên tịch 07/TTLT/2011/BNN-BTN&MT. Từ đó, đề xuất những kiến nghị và giải pháp phù hợp để nhân rộng mô hình này ra các địa bàn khác tại huyện Si Ma Cai và tỉnh Lào Cai.

    Hội thảo tạo điều kiện cho đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành liên quan cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng địa phương được giao rừng chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như góp ý cho các hoạt động của dự án xoay quanh các chủ đề:  Bài học kinh nghiệm phối kết hợp các cơ quan chức năng thí điểm giao rừng gắn với đất lâm nghiệp; Phương án quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; Vận động chính sách cho mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng phát triển rộng trên địa bàn toàn tỉnh Lào cai nói riêng và toàn quốc nói chung.

    Trong báo cáo về phương pháp tiếp cận và kết của dự án thí điểm, Ông Đàm Trọng Tuấn - Phó Viện trưởng Viện SPERI đã tổng kết các vấn đề mà cộng đồng người dân quan tâm nhất, đó là: các chính sách liên quan tới giao đất giao rừng và quản lý đất rừng cộng đồng; quyền của người dân và cộng đồng đối với đất rừng; cách thức huy động nguồn vốn và chia sẻ lợi ích từ rừng, cũng như việc làm giàu tài nguyên đất rừng thông qua sinh kế bền vững.

    Ông Nguyễn Công Tưởng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai cũng đã phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong hoạt động nâng cao năng lực quản lí rừng đối với cộng đồng.

    Đại diện các cộng đồng tham gia vào chương trình đào tạo của dự án cũng đã phát biểu và chia sẻ những thực trạng trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại thôn bản mình. Vấn đề được cộng đồng quan tâm nhất là được cấp sổ đỏ quyền tiếp cận đối với những diện tích đất và rừng đã được họ quản lý bảo vệ trước đây.
    Những kinh nghiệm thành công giải quyết khó khăn trong công tác giao rừng cộng đồng và hậu giao rừng được các đại biểu chia sẻ, như: sự chồng chéo và thiếu phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan, các chính sách chồng chéo, nguồn vốn cho việc đảm bảo sinh kế cho người được nhận đất và rừng, cơ chế hưởng lợi từ rừng được giao để tạo động lực cho người dân tham gia bảo vệ rừng một cách bền vững… Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa người làm công tác khoa học kỹ thuật, các nhà quản lý và người dân thì mới góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giao rừng cộng đồng cũng được đưa ra chia sẻ tại Hội nghị này.

    Cũng tại Hội nghị, UBND huyện Si Ma Cai đã trao quyết định và sổ đỏ mới về quyền quản lý, sử dụng đất và rừng cho cộng đồng thôn Lùng Sán và 55 hộ gia đình tại thôn Lùng Sán thay cho các tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp đã làm trước đây.
     

Bài viết khác