Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Chôn cột mốc, trồng cây bản địa để bảo vệ chủ quyền đất rừng của cộng đồng người Thái tại Hạnh Dịch

  • Hạnh Dịch là một xã miền núi thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An nằm giáp với biên giới Việt Nam - Lào, cách trung tâm Thị trấn Kim Sơn 15 km về phía Tây-Bắc. Xã có 748 hộ gia đình với 3.377 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Thái và một số hộ người Kinh cùng sinh sống tại 11 thôn bản. Trong năm 2012 và 2013 Liên minh Chủ quyền Sinh kế (LISO) đã hỗ trợ, tư vấn UBND và một số ban ngành liên quan huyện Quế Phong tiến hành giao đất giao rừng (GĐGR) cho cộng đồng các Bản Chiếng, Pà Kỉm, bản Chạm, Pà Cọ, Pỏm Om, Khốm xã Hạnh Dịch theo Thông tư liên tịch 07/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/1/2011 về hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp trong đó đối tượng áp dụng cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc. Tổng diện tích đất rừng các bản được giao là 613,66 ha trong đó có đất rừng phòng hộ, đất sản xuất nông lâm kết hợp, đất nghĩa địa, đất chăn thả.

    Trên cơ sở tập quán và kinh nghiệm bản địa của người Thái, những diện tích đất rừng được giao đã và đang được quản lý, bảo vệ hiệu quả bởi chính các cộng đồng. Điều này thể hiện rõ thông qua các hoạt động tại Pỏm Om - nơi bản đã xây dựng qui chế cộng đồng để bảo vệ và sử dụng hợp lý các diện tích đất rừng đã được giao. Ví dụ, rừng đầu nguồn không được chặt phá, săn bắn thú rừng; huy động người dân trong bản làm hàng rào để thả trâu, bò trong khu vực chăn thả chung của cộng đồng; rừng sản xuất tiến hành trồng bổ sung các loài cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

    Tuy nhiên, trong quá trình quản lý bảo vệ cộng đồng đang phải đối mặt với những thách thức do Nông trường Cao su Quế Phong (NTCSQP) san ủi, trồng cây cao su tại phần đất rừng giao cho cộng đồng các bản quản lý. Lãnh đạo các bản, chính quyền và ban ngành cấp xã và huyện đã vào cuộc để yêu cầu NTCSQP chấm dứt hành vi lấn chiếm và đền bù những thiệt hại gây ra.

    Những diện tích đất trồng cây cao su của Nông trường Cao Su Quế Phong lấn chiếm vào vùng đất và rừng đã được giao cho các cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch quản lý (LISO, 2014).

    Ví dụ, ngày 20/1/2014 UBND xã Hạnh dịch đã có Báo cáo sô 04/BC-UBND về hành vi lấn chiếm đất rừng cộng đồng; ngày 21/8/2013 UBND huyện Quế Phong có Công văn số 654/UBND.TN về giải quyết vấn đề NTCSQP lấn chiếm rừng cộng đồng; ngày 19/2/2014 UBND huyện Quế Phong có Công văn số 71/UBND.TN về đề nghị chấm dứt và hoàn trả diện tích lấn chiếm đất rừng cộng đồng tại xã Hạnh Dịch. Mới đây UBND huyện Quế Phong đã có Công văn số 168/UBND -TN ngày 02/04/2014 về việc phúc đáp Báo cáo số 157/BC-RBN của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An. Trong công văn nêu rõ Nông trường cao su Quế Phong không tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Quế Phong về việc giải quyết vấn đề lấn chiếm đất rừng cộng đồng để trồng cây cao su. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu NTCSQP nhận thức được những sai phạm của mình.

    Trong thời gian chờ cơ quan, ban ngành vào cuộc giải quyết theo pháp luật đối với hành vi lấn chiếm đất rừng cộng đồng trên đây, các bản đã thống nhất tiến hành trồng cây Trẩu và Xoan tại vị trí giáp ranh với phần đất của xã Tiền Phong nơi NTCSQP đang tiến hành san ủi, trồng cao su.

    Người dân các bản tổ chức phân công trách nhiệm trước khi tiến hành trồng Trẩu, Xoan và cắm thêm cột mốc giới (LANDNET, 2014)

    Ngày 17/4/2014 136 người dân đến từ bản Pà Cọ, Pà Kỉm, Pỏm Om cùng với cán bộ địa chính xã và cán bộ Liên minh LISO đã tổ chức trồng 3.000 cây Trẩu và Xoan và chôn bổ sung 23 cọc mốc trên thực địa trải dài trên diện tích hơn 3,6 km (từ bản Pà Kỉm đến bản Pỏm Om). 

    Những vị trí đất rừng đã san ủi lấn chiếm sang đất rừng cộng đồng các bản phía NTCSQP chưa trồng cây trước mắt cộng đồng các bản sẽ huy động người dân trồng cây mùa vụ như lúa, ngô và sau này sẽ trồng cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.

    Ông Vi Đình Văn - thành viên Mạng lưới Đất Rừng (LANDNET) chia sẻ: “đây là hai loài cây bản địa của vùng với nhiều ưu thế như sinh trưởng phát triển nhanh, dễ sống, hạt có thể thu hoạch để ép dầu, giống có sẵn ở trong rừng. Do đó, sau khi cây phát triển sẽ nhanh chóng tạo ra hành lang phân định ranh giới rõ ràng giữa 2 xã Hạnh Dịch và Tiền Phong đồng thời cây sẽ che bóng và hạn chế tối đa sự phát triển của cây Cao su”.

    Ông Lô Cẩm Xuyên - Bí thư bản Pỏm Om cho biết thêm: “việc trồng cây bản địa tại khu vực này là hết sức cấp bách và cần thiết vì đây là khu vực rừng đầu nguồn nước của 3 bản Pỏm Om, Pà Cọ, Pà Kỉm và đồn biên phòng xã Hạnh Dịch. Nếu để đất trống chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp của các thôn bản ở phía dưới hạ nguồn”.

    Hơn nữa, toàn bộ số cây bản địa trên trên đều được người dân mà nòng cốt là các chị phụ nữ tự tìm kiếm trong các cánh rừng tự nhiên tại các thôn bản. Các chị cũng tự tin chia sẻ “phụ nữ thường ngày vào rừng, lấy măng, lấy cây chuối về cho lợn nên cần phải đi, cần phải biết rừng mình đến đâu còn biết mà bảo vệ chứ. Các chú đừng tưởng các chị đây không vác được cọc bê tông nhé!”.
    Phụ nữ các bản đang tìm kiếm và trồng cây Xoan và Trẩu tại các điểm giáp ranh giới đất rừng của cộng đồng mình (LANDNET, 2014)

    Hiện tại các hàng rào xanh bằng cây bản địa đã và đang dần được thiết lập xung quanh những diện tích đất rừng của cộng đồng thôn bản tại xã Hạnh Dịch. Hàng rào này không chỉ thể hiện nguyện vọng của cộng đồng, mà còn là mối quan hệ khăng khít giữa người Thái ở Hạnh Dịch với tự nhiên và núi rừng. Mối quan hệ này chính là nền tảng để hình thành và củng cố vững chắc hơn 'cột mốc' trong tiềm thức và sức mạnh của mỗi người dân để bảo vệ chủ quyền tài sản chung của toàn cộng đồng.

    LANDNET

Bài viết khác