Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Câu chuyện bên dòng Nậm Việc liệu có phải là hy hữu!

  • "Luật tục của dân tộc Mơ Nông Tây Nguyên có câu: Đất đâu phải tự nhiên mà có. Rừng đâu phải tự nhiên mà có; Điều 231 của Luật tục Êđê có quy định: kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử".

    Trong quá trình nghiên cứu các xung đột trong quản lý tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất lâm nghiệp ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, một điều mà có lẽ bất cứ ai cũng thường được nghe từ các vị lãnh đạo các Nông Lâm trường là người dân lấn đất thuộc quyền quản lý của họ. Điều đó đã trở thành hiện tượng phổ biến, mặc dù đúng hay sai thì còn phải bàn nhiều. Chỉ biết là trong thực tế, thực trạng này đã trở nên và đã khó bề có giải pháp để dàn xếp ổn thỏa.

    Nói đến tình trạng này, bài viết dưới đây không đi sâu phân tích về nguyên nhân của sự việc, mà chỉ muốn đề cập như một hiện tượng đã trở nên hết sức bình thường. Vậy mà mới đây, trên lưu vực sông Nậm Việc, thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An lại vừa diễn ra một sự kiện có vẻ bất bình thường hoàn toàn ngược lại với sự "bình thường" mà chúng ta vừa nói đến. Đó là câu chuyện về việc lấn đất rừng của dân để phát triển cao su của một nông trường cao su. Chuyện cũng đã được xử lý ổn thỏa với sự tham gia và trách nhiệm của nhiều bên, nhưng có lẽ cũng cần nhắc lại để rồi một câu hỏi đặt ra là liệu chuyện này có thể được xem như một hiện tượng hy hữu hay không!


    Một góc bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch (ảnh: CIRUM)

    Để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý rừng và đất rừng, năm 1999 Chính phủ đã banh hành Nghị định 163/NĐ-CP về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Nghị định này đã thổi một luồng gió mới vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND huyện Quế Phong đã tiếp nhận và triển khai tinh thần của chủ trương đó với hoạt động giao đất rừng cho các hộ dân và các tổ chức của xã Hạnh Dịch. Rồi sau đó hơn 10 năm, ngày 29/01/2011 Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã xây dựng và banh hành Thông tư liên tịch 07/TTLT-BNNPTNT-BTNMT để hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Một thành tựu mà Thông tư liên tịch 07 đưa lại là Cộng đồng người dân bản Pỏm Om đã được giao một diện tích 426,52 ha để quản lý và sử dụng. Người dân ở đây đã vô cùng hạnh phúc khi tiếp nhận tài sản này và đã cùng nhau quản lý tốt diện tích rừng được giao, xem đó vừa là trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với tài nguyên thiên nhiên, và thẳm sâu trong đó là ân huệ mà Trời, Đất ban tặng.

    Một thực tế cho thấy, nếu ở đâu người dân mất chủ quyền trong quản lý nguồn tài nguyên rừng và đất rừng thì ở đó những nét đẹp văn hóa, luật tục của họ cũng dần dần ra đi. Với người dân bản Pỏm Om, khi được Nhà nước giao rừng để tự mình quản lý và hưởng dụng thì niềm vui trong họ dâng trào, niềm tin vào thiên nhiên lại được thắp sáng và củng cố, các tập quán quý báu của cộng đồng, dòng họ, phường hội lại đã trở về trong không gian sinh tồn của bản. Các cụ già của các bản trong xã Hạnh Dịch chia sẻ, ngày xưa, trước 1975, khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân cũng đã từng quản lý rừng rất tốt theo các quy định của Luật tục dân tộc mình. Ngày nay có thêm cái Giấy của Nhà nước cũng sẽ rất an toàn để tránh đi cái sự Vạn chi thù mà cha ông đúc kết và để có thể đoàn kết, giáo dục con cháu gắn với một hoạt động chung của bản.

    Vào thời điểm 2003 khi người dân và các tổ chức của xã Hạnh Dịch được nhận giấy CNQSD đất theo tinh thần của Nghị định 163 để sử dụng lâu dài vào mục tiêu phát triển lâm nghiệp, đến năm 2012 Cộng đồng bản Pỏm Om được cấp giấy quyền sử dụng đất theo TTLT 07 thì vấn đề quy hoạch phát triển cao su cũng như định hướng về sự ra đời của nông trường trên địa bàn xã Hạnh Dịch chưa được người dân ở đây xem như một giải pháp giúp họ hoặc họ có thể tham gia để phát triển kinh tế của xã. Vấn đề cơ bản mà người dân và chính quyền xã Hạnh Dịch quan tâm là làm sao tạo ra được sinh kế bền vững cho cộng đồng thông qua công tác quản lý tài nguyên rừng và đất rừng tại địa phương minh gắn với duy trì luật tục và phát huy vai trò của hệ thống kiến thức địa phương mà mà người dân đang có.

    Điều mong muốn của người dân thật khó thực hiện vì liên quan đến các vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế vùng của Nhà nước. Tháng 4 năm 2002 với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế huyện Quế Phong, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong 7 huyện Quế Phong. Mười năm sau đó, năm 2012 một lần nữa UBND tỉnh Nghệ An lại có quyết định sát nhập Tổng đội Thanh niên xung phong 7 với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An để hình thành Nông trường Cao su Quế Phong. Quyết định của UBND tỉnh đã chắp cánh thêm cho những ham muốn làm giàu, hay nói cách khác là "Phát triển kinh tế vùng" bằng một loại cây trồng mà người dân nơi đây chưa từng trồng trên vùng đất đai của họ. Chính quyền xã không thể không tiếp nhận chủ trương phát triển đó và người dân cũng không có lý do gì để phản bác. Đây là chủ trương mà! Nông trường Nông trường Cao su Quế Phong được Nhà nước giao đất để phát triển cao su (trên nền quy hoạch 8.700 ha cho Tổng đội TNXP 7, trong đó trên đất Hạnh Dịch và Tiền Phong), một loài cây mà từ cha sinh mẹ đẻ người dân nơi đây mới thấy lần đầu. Phát triển Cao su được xem như một giải pháp để phát triển Kinh tế vùng khi dựa trên thành tựu 10 năm của Tổng đội Thanh niên xung phong 7 với thành tích đến 2010 trồng được chưa đầy 30ha , trong đó có 5 ha đi vào kinh doanh từ 2010.

    Câu chuyện tưởng dừng lại ở đó cũng đã là vấn đề cần xem xét, nhưng nhìn sâu hơn vào bản chất của vấn đề cho thấy người dân đã phải giành một vùng rộng lớn cho Nông trường để rồi khi dân số tăng lên họ sẽ khó có khả năng điều hòa tại chỗ cho nhu cầu của con cháu mình. Chưa thỏa mãn với diện tích được giao, Nông trường còn lấn chiếm cả vào rừng của bản Pỏm Om để san ủi để tăng thêm diện tích trồng cao su. Người dân phát hiện và phản ứng. Ông Hồ Văn Mười, Giám đốc Nông trường Cao su Quế Phong, nguyên trước đây là một trong 5 thành viên chủ chốt của Tổng đội TNXP7 đã ký xác nhận việc Nông trường đã lấn chiếm vào đất-rừng cộng đồng bản Pỏm Om là 1,17ha. Đây là vùng đất bản Pỏm Om đã được cấp theo hướng dẫn của Thông tư Liên tịch 07/2011. May quá. May mà người dân Pỏm Om kịp thời phát hiện và phản ánh. May là dân đã biết, dân đã bàn và đề xuất với chính quyền xã để yêu cầu can thiệp. Chính quyền xã Hạnh Dịch đã cùng người dân kịp thời xác minh và gửi kiến nghị lên UBND huyện để rừng của dân không bị tiếp tục bị lấn chiếm. Nông trường không thể cứ làm ngơ và đã phải thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quế Phong trả lại đất cho cộng đồng bản Pỏm Om. Những cây cao su non vô tội cũng đã được dời đi nơi khác. Không biết sẽ có ai đó có ý kiến phân tích gì thêm không về việc này! Song, tôi lại chợt nhớ về một câu chuyện liên quan đến những cột mốc biên giới trên một số tỉnh phía Bắc của đất nước trong nhiều năm trước đây: vào những đêm tối trời bọn xấu đã bí mật lén lút nhổ cọc mốc biên giới giữa hai nước rồi cắm sâu vào nội địa Việt. Nếu sáng ra các chiến sỹ biên phòng không phát hiện và xử ý kịp thời thì Đất nước lại đã mất một phần máu thịt! Thật buồn và cũng thật thương cho người dân và cho cả những cánh rừng vô tội, nơi cất giữ những báu vật thiêng liêng của người dân miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Và, cũng buồn cho những ai lại cả gan dám làm những chuyện động trời như vậy. Người không biết, thì Trời, Đất đều biết hết! Nguy thật!

    Câu chuyện đâu có là hy hữu, vì có người lại đặt ra một loạt các câu hỏi: Dân có trước hay các Nông Lâm trường có trước? Ngày xưa Nông Lâm trường sinh ra là để phục vụ mục tiêu chung cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là vì lợi ích của cả những người dân. Ngày nay Nông Lâm trường chuyển sang hình thức doanh nghiệp và được Nhà nước cấp đất chứ không phải là giao đất và họ phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp. Vậy, câu chuyện có thể nói ở đây là gì? Có phải là dân đang bị đoạt mất những vùng đất đai mà từ xưa họ vẫn đã từng quản lý và sử dụng để sinh kế, để bảo vệ biên cương; những vùng đất mà ở trong đó còn đậm sắc màu đa dạng về văn hóa mà chúng ta xưa nay vẫn thường tự hào về nó.

    Mất đất của một cộng đồng nhỏ không còn là hy hữu. Vậy mất đất trên một diện rộng hơn, gắn với quyền lợi của một cộng đồng lớn hơn như một xã, một huyện, một tỉnh thì hiện cũng không còn là điều hy hữu! Quốc hội đang thảo luận và chuẩn bị ban hành Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi. Liệu thực tế này có nên đưa vào nghiên cứu và xem xét không!

    Hiện tượng như trên đã xảy ra bên dòng Nậm Việc thật đáng buồn! Chỉ thương cho đại ngàn và những người dân sống máu thịt với rừng ở đây. Đừng bao giờ nghĩ, cao su có thể thay thế rừng tự nhiên. Đừng chuyển hóa mãi rừng để rồi sự đơn côi sẽ đến với chúng ta giữa thiên nhiên khi chúng ta cứ mải mê đi vào vô cùng, vô tận của sự vô minh. Có lẽ sẽ rất cần một sự thức tỉnh để những cánh rừng là nguồn sinh kế bền vững cho người dân nơi đây hồi sinh trở lại, và cũng để cho dòng nước sông Nậm Việc sẽ không có những thẩm lậu từ hóa chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học do đầu tư cho phát triển các vùng Cao su!

    Thật là, không có gì là hy hữu.

    CIRUM

Bài viết khác