Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Những điều ngạc nhiên thú vị

  • Tôi với Hòa vốn cùng học với nhau năm năm đại học. Thi thoảng chúng tôi có liên hệ với nhau. Tôi chỉ biết cô bạn làm Giám đốc một tổ chức Phi chính phủ có tên là Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á gọi tắt là CIRUM, song tôi đâu có biết bạn mình làm những công việc gì. Vậy mà trong những ngày hè vừa qua, tôi có dịp được hiểu rõ những công việc của bạn mình và làm quen với những công việc và con người nơi đây.
     
    Trung tâm CIRUM hướng các hoạt động vào việc nâng cao năng lực của người dân, giúp họ quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.


    Tôi tham gia làm phiên dịch cho một khóa đào tạo làm phóng sự, phim tài liệu, tự truyện dành cho các cán bộ của CIRUM, SPERI (Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội), Mạng lưới Đất rừng và các nông dân nòng cốt. Đây là một nỗ lực của Trung tâm nhằm nâng cao trình độ cho các cán bộ của Trung tâm cũng như nâng cao chất lượng báo cáo. Thay vì các báo cáo khô khan mà ngày càng được ít mọi người quan tâm là những thước phim phóng sự, tài liệu, những câu chuyện phản ánh tâm tư và nguyện vọng của chính những người dân.
     
    Công tác chuẩn bị khá chu đáo để đảm bảo chất lượng của khóa học. Một tháng trước khóa học, tôi theo chân đoàn tiền trạm lựa chọn các vùng dự án để cho lớp học đi thực tập. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Chúng tôi men theo con đường đất gấp ghềnh vào nhà anh Nhẳng, một nông dân nòng cốt của thôn. Đến nhà anh Nhẳng chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Nằm giữa vùng đồi núi là một ngôi nhà gỗ ba gian thoáng mát. Nhà dựa lưng vào đồi rừng, dưới là ao cá. Khu chuồng lợn, chuồng gà được qui hoạch khá khoa học và sạch sẽ.
     
    Vài bước chân là ra đến rừng nhà anh Nhẳng. Đi rừng người dân ở đây luôn mang theo con dao quắm để phát lối đi. Rừng nhà anh rậm rạp với rất nhiều cây bản địa mọc xem nhau: lim, dẻ…Muỗi khá nhiều và lại rất quý những khách lạ như chúng tôi. Anh Peter King, một tình nguyện viên làm việc tại CIRUM được chúng “đón tiếp nhiệt tình” nhất. Anh nói lần sau phải nhớ mang thuốc chống muỗi. Anh Nhẳng tâm sự: “ông cha tôi đến đây lập nghiệp đã hơn 90 năm rồi. Nhà tôi rất may còn giữ được 4ha rừng có những cây lim 27 năm tuổi. Giữ được rừng là giữ được nguồn nước, để lại môi trường sạch cho con cho cháu mình. Rừng còn tạo thu nhập cho gia đình tôi”. Chi Nguyệt vợ anh Nhẵng ngồi sà xuống một gốc cây lim và hái những cái nấm màu nâu, trắng trông thật đẹp mắt. Chị nói: “Chừng này nấm cũng bán được 300.000 - 400.000 đồng rồi”
     
    Các cán bộ của CIRUM bắt đầu lên đây làm việc từ năm 2005. Họ đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, vận động hành lang, thúc đẩy việc giao đất giao rừng cho người dân. Nhờ đó người dân nơi đây thấy rất rõ vai trò của rừng và có ý thức gìn giữ rừng cho con cháu mai sau. Rừng giữ nước, có những cây thuốc quý, những đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Hố Mười còn nổi tiếng về rượu được nấu bằng men lá lấy từ rừng địa phương. Rượu nấu từ men này uống thơm mà có say cũng không làm bị đau đầu như các loại rượu khác. Trung tâm còn giúp hội phụ nữ ở đây tiếp cận với nguồn tài trợ, tự quản lý vốn phát triển cây rau bò khai, một loại rau đặc sản của vùng Lạng Sơn.
     
    Sống ở thành phố với những bộn bề lo toan, được trải nghiệm cuộc sống nơi thôn dã với những dân nơi đây thật thú vị. Chẳng cần cao lương mỹ vị, với những cây cỏ quanh nhà họ đã có thể đãi khách quý bằng rau bò khai ngoài vườn, cá chép đánh dưới ao, măng rừng, bữa sáng thì cháo ngô, thật bình dị mà ngon miệng.
     
    Rời Hữu Lũng chúng tôi đến huyện Đình Lập, một huyện nghèo nhất của Lạng Sơn. Xã chúng tôi đến còn là loại khó khăn nhất của huyện Đình Lập đó là xã Bắc Lãng. Tiêu chí lựa chọn vùng triển khai dự án của CIRUM rất đơn giản. Đến tỉnh hỏi huyện nào nghèo nhất và xã nghèo nhất của huyện để hỗ trợ. Con đường đến huyện rất khó đi nhưng đường đến xã Bắc Lãng lại càng khó đi hơn. Đường càng đi càng xấu lầy lội. Trời không mưa mà trên đường toàn ổ trâu. Xe đi đến nửa đường thì bị xa lầy. Đoàn chúng tôi cố gắng giúp lái xe đưa xe qua nhưng không qua nổi. Thế là phải để xe và lái xe ở lại đoàn chúng tôi đi bộ vào bản Khe Váp. Đến đây mới thấy hết khó khăn của người dân nơi đây. Mọi thứ phần lớn là tự cung tự cấp. Từ lúa, ngô, lạc đến con lợn con gà đều tự túc. Mọi người đến chưa được bao lâu thì anh Tuấn lái xe đã một mình đưa xe ra khỏi vũng lầy và vượt qua chặng đường vất vả đến được bản Khe Váp…
     
    Thế rồi những ngày học miệt mài diễn ra, vừa học, vừa thực hành. Học viên đến từ các Trung tâm, các thôn bản nơi đang triển khai dự án của CIRUM. Nhìn các bạn say sưa bên máy quay, ipad vừa học lý thuyết vừa thực hành những cảnh quay khó ai có thể hình dung họ đến từ các dân tộc Tày, Mã Liềng, Mông. Nếu có cơ hội học tập và làm việc, các bạn ấy cũng không thua kém gì người Kinh. Những ngày vừa học lý thuyết, vừa thực hành ở Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của thầy Danny, một chuyên gia về làm phim tài liệu của Úc. Sau một tuần, các học viên đã nắm được thế nào là một cảnh quay đẹp, nguyên tắc 1/3, viễn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, đặc tả rồi dựng cảnh, xử lý cảnh quay, danh sách cảnh quay. Học viên được tiếp cận những phần mềm để xử lý, biên tập cảnh quay, thuyết minh cảnh quay…Lớp học khó có thể thành công nếu thiếu phần thuyết minh, giảng giải bổ sung của bạn Toàn, cán bộ của Trung tâm với kinh nghiêm lâu năm trong quay phim, chụp ảnh và truyền thông. Sau khi nắm vững lý thuyết và thực hành ở Hà Nội, đoàn bắt đầu xuất phát đi đến hai điểm của dự án là thôn Khe váp và xã Đồng Thắng của tỉnh Lạng sơn. Hai nơi là địa điểm đang hoạt động của dự án. Tại Khe Váp, đoàn làm phim tư liệu về rừng thiêng nơi rừng được gìn giữ nhờ các luật tục của thôn bản. Tại Đồng Thắng, đoàn làm những thước phim tự sự của người dân về những tâm tư nguyện vọng của họ muốn đưa chè rừng ra thành phố và phóng sự ghi lại ngày hội xuống đồng của dân tộc Dao.
     
    Tôi đặc biệt ấn tượng đội ngũ những người làm việc trong Trung tâm của bạn tôi, từ anh Sự, Phó giám đốc Trung tâm rất tài trong công tác dân vận, gần gũi với bà con như những người thân. Các bạn trẻ như bạn Thẩm, bạn Thái thời gian ở dự án nhiều hơn ở Hà nội. Bạn Huyền, người Tày ham học hỏi, nhanh nhẹn chịu khó. Bạn Mìn, dân tộc Mông, học tập say sưa, đặt nhiều câu hỏi cho thầy Danny. Bạn Chinh, dân tộc Mã Liềng, ít nói nhưng học rất nghiêm túc. Đặc biệt là hai bạn lái xe Tuấn và Thanh. Họ là những người đa năng, đa tài không những lái xe mà còn kiêm cả công tác hậu cần, tổ chức, tiếng Anh lại rất tốt. Đi theo họ mới biết những gian nan, nguy hiểm của công việc lái xe. Nhiều khi đường trơn, lầy lội một bên là sườn núi, một bên là vực sâu, cả Tây lẫn ta không dám ngồi trên xe mà phải xuống đi bộ để phó mặc xe cho 2 anh tài. Họ khéo léo cho xe vượt qua được những chặng đường đầy nguy hiểm mà không có lòng dũng cảm khó có thể đi qua an toàn.
     
    Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Những trải nghiệm với CIRUM thật khó quên. Ngồi chôn chân 8 tiếng ở một cơ quan ngoại giao, những tưởng mọi thứ đều dễ dàng, đơn giản. Nhưng ngoài kia vẫn có những con người không quản gian nan, vất vả với những hoài bão, khát vọng lớn lao mong bảo vệ Mẹ thiên nhiên, giúp cho những người dân phát triển cây bản địa, gìn giữ bản sắc dân tộc. Bằng nhiều cách khác nhau họ đang thầm lặng đóng góp những phần nhỏ bé giúp ích cho đời.
     
    Đỗ Ngọc Lan