Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Sự kiện

7-9.9.2011: Hội thảo tập huấn về giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng tại Si Ma Cai

  • Giao đất giao rừng và khoán bảo vệ rừng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được triển khai từ đầu những năm 1990 nhằm quản lý bảo vệ hiệu quả rừng và đất rừng, góp phần hỗ trợ cho đồng bào dân tộc miền núi xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống và tạo động lực phát triển kinh tế các địa phương vùng miền núi.

    Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Thông tư Liên tích số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài Nguyên - Môi trường về hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp là một bước ngoặt trong tiến trình giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư địa phương quản lý và bảo vệ lâu dài.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng đất rừng ở nhiều địa phương trong cả nước đang gặp nhiều bất cập. Theo thống kê cả nước có khoảng 25 triệu người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng và đất rừng.  Tuy nhiên, diện tích đất rừng được giao cho gia đình, cá nhân và các cộng đồng địa phương quản lý, sử dụng còn thấp so với các thành phần khác như tổ chức quốc doanh (chiếm khoảng 50%). Suy thoái tài nguyên đất, rừng đang trở thành một thách thức lớn đối với sự ổn định dân sinh, phát triển kinh tế tại nhiều cộng đồng cư dân địa phương.

    Trên danh nghĩa, nhiều diện tích rừng đã được giao cho các chủ quản lý, sử dụng. Tuy nhiên thực tế công tác giao rừng,cho thuê rừng còn có nhiều tồn tại. Kết quả GĐGR trước đây nói chung chưa đáp ứng được với nhu cầu sinh kế, văn hoá xã hội và tập quán quản lý sử dụng, bảo vệ rừng truyền thống của cộng đồng các dân tộc miền núi. Hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng sau giao đất giao rừng thấp (khoảng 20% - 30% - đề án GĐGR của Bộ NN&PTNT, 2007). Nguyên nhân chủ yếu là phương thức tiếp cận GĐGR mang nặng tính kế hoạch từ trên xuống, chưa lồng ghép phương pháp tiếp cận xuất phát từ nhu cầu đất rừng cho phát triển kinh tế, không gian sinh tồn, không gian văn hoá của cộng đồng dân tộc vùng miền núi. Hay nói cách khác là GĐGR chưa dựa vào chính người dân và cộng đồng nơi có rừng. Do vậy vấn đề GĐGR dựa vào cộng đồng cần được nhận thức đầy đủ và có phương thức tiếp cận phù hợp trước khi triển khai GĐGR để đảm bảo quản lý sử dụng đất rừng hiệu quả, ổn định cuộc sống và tạo động lực phát triển bền vững cho vùng miền núi.

    Hội thảo tập huấn này là một trong những bước chuẩn bị quan trọng để triển khai các nội dung của văn bản nghi nhớ ngày 11 tháng 8 năm 2011 giữa Ban chỉ đạo GĐGR huyện Si Ma Cai, Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI) và Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai  trong việc phối kết hợp thực hiện mô hình thí điểm giao đất giao rừng cho cộng đồng tại xã Lùng Sui và Nàn Sín, huyện Si Ma Cai. Hội thảo được tổ chức tại Hội trường UBND huyện Si Ma Cai từ ngày 7 đến 9 tháng 9 năm 2011.

    Nội dung
    1. Thảo luận về thực trạng công tác giao đất giao rừng, cũng như quản lý rừng/ đất rừng sau giao đất giao rừng tại các địa phương.
    2. Thảo luận về cách hiểu liên quan tới các khái niệm: giao đất giao rừng, giao đất giao rừng có sự tham gia của người dân, giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng.
    3. Thảo luận về phương pháp và tiến trình của công tác giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng.
    4. Xây dựng chương trình phối hợp hành động giao đất giao rừng điểm tại xã Lùng Sui và Nàn Sín, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

Bài viết khác