Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Sự kiện

Người dân Mã Liềng hân hoan nhận bàn giao đất rừng cộng đồng

  • Ngày 29/7, bà con dân Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã vui mừng nhận bàn giao diện tích rừng cộng đồng để sản xuất.

    Được biết, hoạt động này là nội dung của việc thực hiện chương trình giao rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp thí điểm cho cộng đồng dân cư Bản Kè và bản Cáo theo Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BNN&PTNT & BTNMT và Thông tư số 38/2007/TT-BNN&PTNT.

    Theo đó, Ban chỉ đạo giao rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và các phòng ban của huyện đã tạo điều kiện cho UBND xã Lâm Hoá và Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) tạo điều kiện trả lại 223,12ha diện tích đất sản xuất lâm nghiệp tại tiểu khu 34B cho UBND xã Lâm Hoá để giao lại cho cộng đồng dân cư bản Cáo sản xuất.

    Như vậy, sau gần 9 tháng triển khai chương trình thí điểm với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan như cán bộ UBND huyện, lãnh đạo xã Lâm Hoá, Điều phối viên mạng lưới nông dân nòng cốt, cán bộ tư vấn CIRD, người dân bản Kè và bản Cáo và cơ quan tư vấn lập hồ sơ giao đất, đến nay, UBND huyện đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng bản Kè với tổng diện tích được giao là 465,02 ha thuộc tiểu khu 43 và bản Cáo với tổng diện tích được giao là 223,12 ha thuộc tiểu khu 34B xã Lâm Hoá.
     Bà con Mã Liềng ở hai bản Kè và bản Cáo vui mừng tại Lễ tổng kết và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cộng đồng (Ảnh: HC)

    Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp lần này có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng được sự mong mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là của bà con nhân dân 2 bản nhằm tạo điều kiện cho người dân ở đây được khai thác, sử dụng lâm sản và các lợi ích khác của rừng và được sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp; được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích được giao góp phần nâng cao kinh tế hộ gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo; đồng thời tạo điểm nhấn đối với cộng đồng bản Kè và bản Cáo về trao quyền sử dụng đất, nâng cao vai trò và thúc đẩy quản lý bảo vệ rừng bền vững.Trong thời gian tới, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc xã Lâm Hóa và bà con nhân dân 2 bản sẽ tiếp tục thực hiện những công việc khác như: công tác khai hoang đất sản xuất, công tác trồng rừng kinh tế, công tác bảo vệ và phát triển rừng; giúp bản Kè và bản Cáo xóa được đói, giảm được nghèo.

    Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Đinh Văn Bắc cho biết, mục tiêu của chính sách giao rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp là làm cho mỗi mảnh rừng và đất rừng đều có chủ thực sự, thúc đẩy sản xuất, trên cơ sở đó cải thiện cuộc sống người dân, giảm thiểu và ngăn chặn nạn phá rừng, suy thoái đất đai, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi. Trong khi đó, người dân thiểu số vùng núi cao nói chung, cũng như người dân xã Lâm Hóa, đặc biệt người dân của tộc người Mã Liềng tại 2 bản Kè và bản Cáo từ ngàn đời nay sinh sống gắn bó với rừng và đất rừng. Hầu hết các nguồn thu nhập từ tất cả các hoạt động sinh kế của họ đều gắn liền với rừng và đất rừng. Đó là thực phẩm hàng ngày, nguyên liệu đồ gia dụng, gỗ làm nhà, củi đun, thuốc cây rừng chữa bệnh, thu hái các loại lâm sản phụ ngoài gỗ từ rừng ...

    Cũng theo ông Đinh Văn Bắc, đầu năm 2013 trên cơ sở mộ số diện tích đât thuộc UBND xã quản lý thuộc tiểu khu 43 tai bản Kè và 223,12 ha tại tiểu khu 34B trước đây Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý nay bàn giao cho UBND xã để làm thú tục bản giao lại cho nhân dân bảo vệ. Kết quả đạt được của chương trình đã đảm bảo chất lượng, rõ ràng, trung thực, công khai và dân chủ. Người dân trong cộng đồng phấn khởi, ủng hộ khi được Nhà nước giao quyền quản lý và sử dụng rừng và đất rừng cho cộng đồng để đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng rừng được giao.
     Mỗi người dân sẽ có thẻ thành viên quản lý rừng cộng đồng (Ảnh: HC)

    Bà Phạm Thị Lâm, Trưởng Bản Cáo chia sẻ, bản Cáo là một bản của tộc người Mã Liềng, nằm trên địa bàn xã Lâm hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trước năm 1993, phương thức canh tác chủ yếu là du canh du cư, phát nương làm rẫy, thu lượm, săn bắt các sản phẩm tự nhiên trong rừng, đời sống quanh năm tạm ổn. Từ năm 1993-1994, thực hiện chính sách của Nhà nước về việc định canh, định cư thì bà con bản Cáo bắt đầu chuyển về nơi định cư mới ở Khe Núng. Nhưng do nhiều yếu tố khó khăn nên mãi đến năm 2005 (sau hơn 10 năm) thì mới hoàn thành việc tái định cư. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% hộ gia đình đều thiếu đất sản xuất, người dân bản Cáo đã liên tục kiến nghị với chính quyền địa phương giải quyết đất sản xuất cho các hộ gia đình nhưng quỹ đất của xã Lâm Hóa đã hết. Nhiều đoàn khảo sát đến xem xét lập dự án tạo quỹ đất sản xuất tại vùng bản cũ nhưng cho đến nay vẫn chưa được tổ chức thực hiện. Cuối năm 2012 đầu 2013 được sự quan tâm của chính quyền địa phương, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định thu hồi 223,12ha rừng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa để giao lại cho cộng đồng dân bản Cáo. Chúng tôi rất vui mừng trước thông tin này.Nhân sự kiện bàn giao này, xã Lâm Hóa cũng đề nghị để ổn định sản xuất trồng rừng và bảo vệ rừng ổn định lâu dài cho Cộng đồng bản Kè và bản Cáo, UBND huyện Tuyên Hóa cần chỉ đạo cơ quan chuyên ngành sớm hoàn thiện thủ tục, ra Quyết định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng để cộng đồng bản Kè và bản Cáo tiến hành thực hiện theo Kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, tiến hành các bước tiếp theo của công tác bảo vệ và phát triển rừng.

    Có thể nói, đây là kết có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ quyền của người dân Mã Liềng đối với đất và rừng, góp phần duy trì các giá trị văn hóa truyền thống của người Mã Liềng trên chính mảnh đất mà bản chất là của họ từ lâu nay, đảm bảo duy trì và phát huy, ổn định cuộc sống bền vững của một tộc người đang có nguy cơ mai một../.

    Nguồn: ĐCSVN
     

Bài viết khác