Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Sự kiện

Hội thảo chuyên đề giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng

  • Ngày 6 tháng 1 năm 2014, tại Văn phòng Mạng lưới Đất Rừng (LandNet) đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về Giao đất Giao rừng (GĐGR) dựa vào Cộng đồng. Tham gia Hội thảo gồm các đại diện là các chuyên gia, cán bộ chủ chốt của các Tổ chức thành viên thuộc Liên minh Chủ quyền Sinh kế (LISO).
     
    Đại biểu Hội thảo đang thảo luận qui trình GĐGR dựa vào cộng đồng

    Mục tiêu của Hội thảo là chia sẻ và đánh giá các bài học kinh nghiệm về phương pháp, tiến trình GĐGR đã được ứng dụng bởi Liên minh LISO từ những năm 90s đến nay tại các vùng thực địa như Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum ... (Việt Nam) và Luang Prabang (Lào). Đồng thời qua đây, Hội thảo mong muốn thống nhất và hoàn thiện Qui trình GĐGR dựa vào Cộng đồng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trẻ. Theo đó, Qui trình này sẽ được Liên minh LISO áp dụng trong thời gian tới nhằm góp phần đảm bảo 5 quyền cơ bản trong Chủ quyền Sinh kế của người dân tộc thiểu số bản địa, gồm: i) Quyền tiếp cận công sản đất, rừng, nước và không khí (cơ bản); ii) Quyền nuôi dưỡng và thể hiện tín ngưỡng thờ phụng thiên nhiên (đặc thù); iii) Quyền thể hiện tri thức, phong tục tập quán và lối sống theo bản sắc văn hóa (thực hành); iv Quyền được chủ động, sáng tạo để quyết định phuơng thức canh tác theo giá trị riêng của cộng đồng (tổng thể); và v) Quyền đồng quản trị tài nguyên thiên nhiên cùng với các cộng đồng lân cận, chính quyền địa phương hoặc công ty có ý đồ chiếm dụng tài nguyên của cộng đồng (chiến lược).
     
    Các thành viên trong Hội thảo đã tập trung thảo luận và thống nhất cách hiểu về Giao đất Giao rừng dựa vào Cộng đồng. Theo đó mọi hoạt động trước, trong và sau giao đất giao rừng phải nghiên cứu, tôn trọng địa thế cảnh quan, điều kiện tự nhiên đặc thù của địa phương, lồng ghép và kế thừa các giá trị của thiết chế của cộng đồng và những kinh nghiệm địa phương trong quy hoạch và sử dụng các loại hình sử dụng đất. Đồng thời, mọi qui hoạch sử dụng đất đều phải dựa vào nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên đất, rừng hiện tại cũng như đảm bảo không gian sinh tồn và không gian văn hóa cho thế hệ tương lai. Quyền tham gia và quyết định của cộng đồng sẽ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của công tác giao đất giao rừng. Người dân và cộng đồng là chủ thể chính trong toàn bộ quá trình GĐGR. Đội ngũ Già làng, Trưởng bản, Trưởng họ, người có uy tín và Nông dân nòng cốt được xác định có vai trò quan trọng và quyết định trong giải quyết các khúc mắc, chồng chéo, xung đột về đất, rừng trước, trong và sau GĐGR.
     
    Để đảm bảo được các yêu cầu trên đây cũng như nhu cầu thực tiễn, Hội thảo đã thống nhất được các 11 bước cơ bản trong Qui trình GĐGR dựa vào Cộng đồng. Trong đó việc nghiên cứu tiền khả thi trước khi triển khai GĐGR, nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa, luật tục, tri thức của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và sử dụng đất-rừng có sự tham gia và nghiên cứu thực vật học dân tộc là các hoạt động ưu tiên triển khai đầu tiên làm nền tảng, định hướng phương pháp tiếp cận trong suốt quá trình thực hiện.