Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Lâm trường quốc doanh và hy vọng “bình mới, rượu mới”

  • Các lâm trường quốc doanh hiện đã chuyển sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp (TNHH), tuy nhiên nhiều luồng dư luận cho rằng đây chỉ là “bình mới, rượu cũ” vì chưa nhìn thấy sự chuyển đổi rõ rệt nào từ hình thức mới này.

    Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế, Bắc Giang lại không đồng ý với quan điểm này. Từ năm 2010, sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, Lâm trường Yên Thế đã từng bước chuyển mình. Cụ thể, ngay trong năm 2011 này, lâm trường đã trồng mới 280,37 ha rừng, với tổng số vốn đầu tư khoảng 4,3 tỷ đồng nhưng ngay trong năm ước tính doanh thu đã lên tới 4 tỷ đồng từ 1.800 m3 gỗ các loại sản xuất được.

    Theo ông Chúc, kết quả bước đầu này chứng tỏ hướng chuyển đổi  hoàn toàn thiết thực và đúng đắn nhưng việc thực hiện tại các địa phương chưa triệt để, khiến hiệu quả của mô hình chưa thể phát huy.

    Ông Chúc cho biết, sau khi có Nghị định 135/2005/NĐ-CP trong đó có quy định về việc giao khoán đất rừng sản xuất cho người dân, lâm trường đã thực hiện việc giao khoán cho người dân.

    Sau đó người dân đã kiến nghị  về việc xây dựng nhà ở tại các khu vực được giao khoán để tiện việc chăm sóc, bảo vệ cây rừng. Lâm trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhiều hộ dân có chỗ ở để bảo vệ khu rừng mình nhận khoán, nhưng cũng không ít hộ đã lợi dụng những chính sách này để lấn chiếm đất công để làm nhà ở kiên cố.
    Ngay đến thời điểm này Công ty vẫn phải đề nghị chính quyền vào cuộc để giải quyết xử lý dứt điểm 4 hộ dân vi phạm việc chiếm đất của lâm trường.

    Chuyển thành hình thức công ty, có nghĩa là tự hạch toán nuôi cán bộ, ông Chúc chia sẻ, muốn vực lâm trường dậy và phát triển nó cần có vốn. Tuy nhiên, ngay cả khi may mắn hơn các lâm trường khác là đã cầm sổ đỏ của đất rừng mình quản lý trong tay nhưng ông Chúc cũng không thể thuyết phục được ngân hàng nào cho vay vốn với lý do đó là đất của nhà nước, không thể dùng thế chấp.

    Câu chuyện về việc giao đất giao rừng và khan vốn là những khó khăn điển hình cho các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, những khó khăn này hoàn toàn có thể  tháo gỡ nếu đội ngũ cán bộ lâm nghiệp quyết tâm quán triệt và chung tay xây dựng lâm trường, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo lâm trường.

    Đến tư tưởng “nhiệm kỳ” là rào cản phát triển 

    Ông Hoàng Văn Chúc cho biết, sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên, ông đã huy động vốn từ bạn bè, người thân và tìm đến những viện về kỹ thuật nông nghiệp, giống cây trồng… để hợp tác nâng cao hiệu quả kinh tế của gỗ của Lâm trường Yên Thế.

    Từ doanh thu ban đầu, vị giám đốc này  đã quyết định trích tiền để đầu tư trồng mới một khu vực những cây keo lâu năm.

    Những cây lâu năm này sẽ đem lại giá trị  sinh thái rất lớn và sẽ là những “tấm khiên” vững vàng để điều tiết nước cũng như cho đất đủ thời gian để phục hồi độ màu mỡ và tái tạo những khoáng chất trong đất.

    Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định này, vị giám  đốc lâm trường Yên Thế đã vấp phải không ít những quan điểm và hành động phản đối vì trồng cây lâu năm không mang lại hiệu quả kinh tế nhanh như các loại cây có thời gian cho thu hoạch sớm hơn.

    Ông Chúc cho rằng muốn phát triển được các công ty lâm nghiệp mới cần xóa bỏ tư tưởng “nhiệm kỳ” để hướng tới những giá trị bền vững hơn.

    Ông cho biết, Lâm trường Yên Thế đang phấn đấu đạt được chứng chỉ của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế (FSC), một chứng chỉ đang ngày được cộng đồng người tiêu dùng quốc tế hưởng ứng không chỉ bởi việc mang lại sinh kế bền vững cho con người bản địa nơi xuất xứ gỗ mà còn vị giá trị bảo vệ tự nhiên mà chứng chỉ hướng tới.

    Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cũng đã khẳng định, sắp tới để tháo gỡ những vướng mắc cho các lâm trường quốc doanh mới chuyển đổi, Tổng cục sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm.

    Thứ nhất là rà soát lại Nghị định 200/2004/NĐ-CP về sắp xếp và đổi mới lâm trường quốc doanh, sau đó sẽ tổng hợp và tham mưu sửa đổi theo hướng phù hợp thực tiễn hiện nay. Thứ hai là sẽ thành lập một ban rà soát và kiến nghị sửa đổi các chính sách liên quan để có thể làm rõ được đối tượng có quyền chủ sở hữu rừng và đất rừng, cùng với đó là những chính sách tài chính cụ thể thích hợp để phát triển các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp. Nhiệm vụ thứ ba, Tổng cục sẽ triển khai đó là việc giám sát và hỗ trợ các công ty lâm nghiệp quản lý rừng theo hướng bền vững.

    Những kết quả của việc triển khai 3 nhiệm vụ nói trên có thể không thế có trong ngày một, ngày hai nhưng chắc chắn với những mục tiêu cụ thể vị lãnh đạo ngành lâm nghiệp đã đưa ra, những công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp như Yên Thế hoàn toàn có thể hy vọng một tương lai tươi sáng.

    Dĩ nhiên, tương lai đó chỉ có  thể thực sự sáng rạng khi nó nhận được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân các cấp cùng hướng về mục tiêu khai thác và bảo vệ rừng một cách bền vững.

    Chinhphu.vn