Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Chuyện bà Lương Thị Thích với dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng tại xã Đồng Văn

  • Sẽ có người hỏi: tại sao không viết đầy đủ các thành quả của dự án tạo sinh kế cho các nhóm phụ nữ trong 3 bản Pang, Tục và Đồng Mới, mà chỉ viết riêng về bà Lương Thị Thích? Câu chuyện nằm ở chỗ: nếu mỗi thành viên làm tốt mô hình của mình thì chắc chắn không có gì phải bàn đến thành công của dự án nữa. Bà Thích là một trong số các chị em đó, là người cao tuổi nhất trong nhóm nỗ lực phối hợp với chị em trong dự án; và bà đã làm nên điều mà chúng ta cần viết lại.
    Là một phụ nữ đã ở tuổi 65, nhưng có lẽ ai cũng thấy ở bà một sự trẻ trung, lạc quan và đầy nhiệt tình với cuộc sống. Câu chuyện bà kể cho chúng tôi thỉnh thoảng phải dừng lại với những trận cười vui vẻ.
     
    Nụ cười của bà Lương Thị Thích (người bên phải) trong cuộc trò chuyện về trồng cây Bon Bo

    Tham gia mô hình trồng Bon Bo có cái lý do của nó. Tôi được ra Hà Nội tham gia hội thảo phát triển sinh kế cho phụ nữ, và khi về nhà là xung phong tham gia mô hình trồng Bon Bo liền. Tham gia mô hình vui và thích lắm. Tôi già rồi, nhưng đăng ký làm mô hình vì nghĩ là mình làm sẽ có thu nhập cho gia đình và để cho nhân dân cùng học theo”- bà Lương Thị Thích chia sẻ tại cuộc họp với 3 nhóm dự án tạo sinh kế hậu giao đất giao rừng cho phụ nữ xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An.
    Câu mở đầu của bà đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người. Chúng tôi thiết nghĩ: khi mỗi cá nhân tham gia dự án đều nhận thức như bà, thì sự thành công của các dự án là rất rõ và có nhiều cơ hội để nhân rộng. Bà chia sẻ “Nhà có 2 ông bà già và 1 cháu nhỏ thôi. Ngày thường với sức vóc của mình chúng tôi chỉ làm những việc xoay quanh nhà thôi. Chung quanh nhà là khu vực đất bằng phẳng, trồng Bon Bo rất thuận lợi, giống được lấy với chất lượng tốt nên đã sống đến 90%”. Bà Thích đã rất khiêm tốn khi nói về tỷ lệ sống của cây Bon Bo, vì chúng tôi nhận ra phải trên 95% cây Bon Bo mà bà và gia đình trồng đã sống rất tốt. Số cây Bon Bo trồng trong mô hình đã lên tới 1.200 gốc, và mỗi gốc đã cho đến 5-6 cây con cứng cáp và khỏe mạnh.

     
    Thăm Mô hình trồng Bon Bo của bà Lương Thị Thích, bản Đồng Mới, xã Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An
    Học hỏi,  phát hiện và tích lũy kinh nghiệm
    Vườn rừng của gia đình bà Thích rất đẹp. Để đến được với khu vườn rừng của bà, chúng tôi phải lội qua suối Khuổi Ngân và leo rừng gần nửa tiếng mới đến nơi. Cả khu vườn của bà như sáng bừng lên với các phân khu sản xuất mà ông bà đã dày công sắp xếp, với hồ cá, vườn trồng rau và đặc biệt là khu trồng cây Bon Bo. Bon Bo được trồng xen cây keo, cây xoan, cây ăn quả, trồng ven suối cạnh nhà. Bon Bo sống và phát triển rất tốt. Bà chia sẻ “Mặc dù được đi tham quan cách lấy giống và trồng Bon Bo, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy: khi trồng cây giống gốc già thì sau thời gian thân cây héo dần từ trên xuống dưới thì củ nảy mầm khỏe và cây Bon Bo phát triển nhanh. Nếu trồng mầm non rất dễ bị chết khi mọc lên quá gang tay. Lấy giống cây già mọc nhanh lắm”. Lại một trận cười vì câu nói của bà “giống cây già mọc nhanh lắm”.
     
    Chứng kiến chất lượng và khả năng phát triển cây Bon Bo theo cách lấy giống của bà Lương Thị Thích
    Tạo tính ảnh hưởng từ chính mô hình của mình
    Nói về mô hình của mình bà tự hào “Mô hình của tôi tương đối tốt. Làm được rồi tôi chia sẻ với bà con chung quanh là nên làm theo mô hình ni (này) để cùng nhân rộng. Trước đây ai cũng sợ lấy giống khó, giờ thì thấy rồi và ai cũng muốn mần (làm). Đã có 5-6 hộ làm theo rồi đấy. Cây phát triển cũng tốt nhưng chưa được như mong muốn vì thiếu rào giậu nên trâu bò còn vô phá. Nếu ai cũng thực hiện chỉ thị 15 của huyện về quản lý trâu bò thì ai trồng Bon Bo cũng thắng lợi”. Bà nói một cách trôi chảy về việc trồng cây, tạo ảnh hưởng và nói đến cả những nội dung chỉ đạo của chính quyền huyện với Chỉ thị 15 về tăng cường công tác quản lý chăn thả gia súc gia cầm làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy yên tâm. Nếu ai cũng nhận thức được như bà thì rồi chính quyền các cấp sẽ có nhiều cơ hội tốt để quản lý các chương trình đầu tư, các sinh kế được bảo vệ và sự no đủ cho người dân sẽ đến gần.
     
    Trăn trở về việc bảo vệ thành quả
    Nói về công tác bảo vệ, bà trầm ngâm “nếu quản lý trâu, bò không là nề nếp thường xuyên thì kể cả có rào dây thép gai cũng khó bảo vệ. Khó khăn lớn nhất là ở đó”. Bà nói với một sự lo lắng và đầy chia sẻ khi quan sát các hộ đang tự mình học hỏi và nhân rộng mô hình Bon Bo. Các hộ này chưa có khả năng tự huy động nguồn lực để rào những mảng nương Bon Bo mới trồng. Rồi bà lại cười vì nghĩ mình đã nói nhiều quá đến việc của người khác. Mà điều đó là rất đúng khi ai cũng có một khoảng trắc ẩn với cuộc sống của người bên cạnh.
    Được nói chuyện với bà, được tận mắt chứng kiến thành quả mà bà và gia đình đã tạo dựng, chúng tôi thực sự phấn khích và đầy khâm phục. Ở cái tuổi gần thất thập, bà không những là người nhiệt tình tham gia có hiệu quả dự án mà còn chứa chan một tấm lòng rộng mở cưu mang và thông cảm đến những người khác nữa. Hy vọng vườn Bon Bo của bà sẽ ra hoa kết trái sau những nỗ lực của bà và gia đình để nhân rộng niềm vui và hạnh phúc đến những gia đình khác trong bản Đồng Mới. Và một vườn Bon Bo khỏe mạnh với sự nâng niu chăm sóc của gia đình bà đã báo trước về những vụ mùa bội thu trong những năm tới.

Bài viết khác