Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Xâm hại đất rừng cộng đồng để trồng cao su tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An

  • Tạm dừng việc Nông trường cao su Quế Phong trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An san ủi đất rừng cộng đồng trái phép là một trong các nội dung được đề cập trong công văn bản số 919/UBND-TN của UBND huyện Quế Phong ngày 09/12/2014 hãy xem xét phần diện tích 48,9ha đất, rừng của xã Hạnh Dịch do NTCS Quế Phong quản lý, sử dụng chưa phù hợp với quy hoạch được đề cập đến trong Công văn số 424/UBND.DC của UBND tỉnh Nghệ An ngày 21/1/2015. Đây là một trong rất nhiều văn bản đã ban hành về việc quy hoạch chuyển đổi không hợp lý đất rừng cộng đồng sang trồng cao su tại tiểu khu 82 thuộc bản Chiếng xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

    Từ năm 2012-2015 Viện Nghiên cứu Sinh Thái chính Sách xã Hội (SPERI) và Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững tài Nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) phối hợp với UBND huyện Quế Phong tiến hành giao đất gắn với giao rừng (GĐGR) cho cộng đồng các bản xã Hạnh Dịch theo Thông tư liên tịch số 07/TTLT/2011/BNNPTNT - BTNMT, kết quả có 5 bản được GĐGR cho cộng đồng quản lý, bảo vệ lâu dài với diện tích gần 700ha. Trong 5 bản được GĐGR thì có 4 bản là Bản Chiếng, Bản Pà Kỉm, Pà Cọ và bản Pỏm Om có phần đất rừng cộng đồng nằm giáp với xã Tiền Phong nơi phần lớn diện tích đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất được chuyển đổi sang trồng cao su theo Quyết định số 4081/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An ngày 13 tháng 9 năm 2013 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cây Cao su của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cao su Nghệ An trên địa bàn huyện Quế Phong, giai đoạn 2013 – 2020. 

    Sẽ không có gì đáng nói nếu việc quy hoạch trồng cao su được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật và theo văn bản chỉ đạo của tỉnh Nghệ An. Nhưng sự thực lại không như vậy! Ngay cả phần đất rừng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâu dài cho cộng đồng các bản như bản Pà Kỉm, Pà Cọ và bản Pỏm Om cũng bị Nông trường Cao su Quế Phong (NTCSQP) lấn chiếm, san ủi trái phép hơn 7ha để trồng cao su. Toàn bộ phần diện tích đất rừng cộng đồng được giao nằm trong tiểu khu 85, tờ bản đồ số 7, bản đồ giao đất lâm nghiệp 163 và không thuộc quy hoạch trồng cao su. Rất nhiều cuộc họp được tổ chức nhằm có được tiếng nói chung giữa các bên gồm: lãnh đạo Huyện, Kiểm lâm, Phòng TN&MT, UBND xã Hạnh Dịch, người dân các bản, MLĐR Quế Phong và đại diện lãnh đạo Công ty cao su Nghệ An nhưng đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết thúc. Cây cao su vẫn còn đó, ngày càng lớn và mọc ngay trên phần đất rừng cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bản Pỏm Ỏm, Pà Kỉm, Pà Cọ.

    Thật đáng tiếc và có nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng bản Chiếng bởi ngoài việc đất rừng cộng đồng tạm giao cho các tổ chức chính trị xã hội của thôn (Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh,…)  quản lý theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP tại tiểu khu 82, tờ bản đổ số 7, bản đồ giao đất 163 đã được rà soát, hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị tiến hành cấp GCNQSDĐ lại bị dính vào đất Quy hoạch trồng cây cao su theo quyết định của UBND tỉnh nên không cấp được. Không những thế nếu thực hiện theo đúng bản đồ quy hoạch trồng cao su thì diện tích quy hoạch trồng cao su rất manh mún không liền thửa, liền mảnh và bất hợp lý bởi nhiều mảnh đất theo bản đồ quy hoạch cao su khi kiểm tra trên thực tế lốm cả vào các khu vực canh tác lúa nước của người dân bản Chiếng và bản Pà Kỉm. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự sai sót này cũng như việc làm tổn hại đến quyền lợi tiếp cận đất rừng cộng đồng cũng như việc kéo theo việc ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu chính lấy từ các cánh rừng mà cộng đồng đang quản lý để tưới cho toàn bộ các khu vực trồng ruộng lúa của Bản Chiếng và Pà Kỉm. Điều đáng nói là từ năm 2013 đến nay NTCSQP chưa hề có quyết định được giao đất, biên bản bàn giao đất ngoài thực địa nhưng vẫn tiến hành san ủi đất rừng cộng đồng bản Chiếng để trồng cao su với diện tích hơn 3ha. Việc san ủi cũng đã đốn hạ không thương tiếc nhiều các loại cây rừng quý hiếm như Giổi, Vàng Tâm... có đường kính lên tới 30-40cm sau nhiều năm được cộng đồng được tạm giao bảo vệ tại tiểu khu 82. 



    Rừng cộng đồng của người dân Bản Chiếng/ Photo: CIRUM

    Cộng đồng Bản Chiếng đã nhiều lần tổ chức cuộc họp và quyết định cử đại diện của thôn làm đơn tố cáo hành vi lấn chiếm đất rừng cộng đồng gửi tới UBND huyện Quế Phong và UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 1/11/2015 đại diện Cộng đồng thôn Bản Chiếng, Ông Vi Văn Đại, Trưởng bản Bản Chiếng đã có đơn tố cáo NTCSQP gửi UBND tỉnh Nghệ An về các việc làm chưa đúng pháp luật trên của NTCSQP. Nhận được đơn tố cáo của Ông Vi Văn Đại, UBND Tỉnh đã có công văn phản hồi số 8530/UBND-NN ngày 20/11/2015 về nêu rõ giao cho UBND huyện Quế Phong chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc cụ thể với NTCSQP để kiểm tra, làm rõ, giải quyết kiến nghị của công dân theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/11/2015. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, Ông Lang Văn Minh - PCT UBND huyện Quế Phong đã tổ chức cuộc họp giữa các bên gồm đại diện NTCSQP, Phòng TNMT, đại diện cộng đồng bản Chiếng nhằm tìm ra hướng giải quyết cụ thể. Ngày 9/12/2015 UBND huyện Quế Phong ban hành văn số 919/UBND-TN nêu rõ "Tạm dừng việc phát cây, chưa san ủi trồng cao su tại tiểu khu 82 đồng thời trước khi triển khai thực hiện trồng cao su tại TK 82 NTCS Quế Phong thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các tổ chức và cá nhân được giao đất theo quy định của pháp luật". Đây là kết quả rất đáng khích lệ đối với người dân bản Chiếng cũng như MLĐR Quế Phong - một nhân tố tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng đòi lại quyền quản lý bảo vệ đất, rừng của mình. Đến nay, ngoài diện tích 3,2 ha đã trồng cao su NTCSQP không tiến hành san ủi hay có bất kỳ một tác động nào đến đất, rừng tại tiểu khu 82 nữa. Tuy nhiên, một hiện tượng nảy sinh là một số người dân thiếu nhận thức đã lợi dụng việc xâm hại của NTCSQP để rồi thừa gió bẻ măng xâm hại rừng của chính cộng đồng mình. Điều này đã làm nảy sinh bất đồng ngay trong nội bộ cộng đồng.

    Nguy cơ mất đất, mất rừng đối với cộng đồng bản Chiếng nói riêng và các bản khác trong xã Hạnh Dịch nói chung vẫn hiện diện vì cây cao su đã trồng thì ngày một lớn lên trên phần đất rừng cộng đồng còn người dân các bản "vẫn phải ngóng, vẫn phải chờ" về việc đền bù cũng như những giải pháp khắc phục phần đất rừng bị san ủi trái phép. Ai sẽ là người làm yên lòng dân các bản đây? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc quy hoạch trồng cao su không phù hợp trên đất rừng cộng đồng bản Chiếng để rồi dẫn đến những hệ lụy tranh chấp đất rừng giữa người dân với người dân và cộng đồng với NTCSQP gây bất ổn tới đời sống của người dân. Những câu hỏi đó của cộng đồng các bản xã Hạnh Dịch đang rất cần những có câu trả lời cụ thể từ các bên liên quan.
     

Bài viết khác