Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Rào rừng cộng đồng và giải pháp quản lý và bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng

  • Có lẽ chúng ta mới chỉ nghe nói tới rào vườn chứ chưa nghe nói đến rào rừng hoặc là hiếm khi nghe thấy. Vậy mà có đấy. Cộng đồng người dân thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn, huyện Mường Khương đã làm việc đó với ý chí quyết tâm của 93 hộ gia đình. Công việc thực hiện trong 1,5 ngày để rào bảo vệ chắc chắn 4 ha rừng cộng đồng.


    Cánh rừng Chống Đồng Chính đã được rào bảo vệ Tết Đinh Dậu

    Nằm cách Trung tâm xã Cao Sơn chưa đầy 2km là thôn Ngải Phóng Chồ với 93 hộ dân thuần dân tộc Mông. Người dân Ngải Phóng Chồ sống gắn bó với 5 khu rừng cộng đồng truyền thống là Chống Đồng Chính (Rừng Thanh niên), Pó Chua Mỉnh (Đồi đá ngựa), Chống Póng Nình (Sườn ngã ngựa), Tháng Dề Chơ (Hủm đá trắng) và Nả Giống (Rừng già), trong đó Chống Đồng Chính là cánh rừng tự nhiên giàu có với những cây gỗ lớn. Cánh rừng này đã một thời giao cho Đoàn thanh niên thử nghiệm quản lý, nhưng khi xử lý các vụ vi phạm rừng thì vẫn phải dựa trên luật tục của cộng đồng và đại diện của cộng đồng, do đó người dân đề nghị trả rừng về cho đúng chủ của nó là Cộng đồng sẽ thuận lợi cho công tác chăm sóc, bảo vệ và sử dụng. Những cánh rừng còn lại không có những cây gỗ lớn như ở Chống Đồng Chính nhưng cũng đang được cộng đồng thôn bảo vệ và phục hồi.
    Rừng Chống Đồng Chính đang là một tài sản hết sức quan trọng của người Mông nơi đây. Rừng nằm giữa thôn Ngải Phóng Chồ và thôn Cao Sơn như một ranh giới tự nhiên với những cây Tống Gúa Sử già 2 vòng tay người ôm. Một trận gió lớn trước khi anh em chúng tôi đến vài ngày đã quật đổ một cụ Tống Gúa Sử già với số gỗ xẻ ra đủ làm thêm vài ba chục chiếc bàn học cho người dân hội họp. Ngoài nguyên nhân cây đổ do cây quá già thì nguyên nhân chăn thả gia súc thiếu kiểm soát và thiếu ý thức của một số người đã làm hại đến các cây hỗ trợ cũng được bà con tính đến. Giải pháp gì để bảo vệ được rừng và có được sự thuận tình ủng hộ của các thôn kề cạnh? Người dân Ngải Phóng Chồ đã tìm ra.
    Những người đứng đầu thôn Ngải Phóng Chồ (già làng, trưởng bản) đã lấy ý kiến toàn cộng đồng về việc chia sẻ một phần gỗ từ cây đổ cho thôn bạn là thôn Cao Sơn để họ cũng có cơ hội củng cố nhà Văn hóa và khuyến khích họ rào rừng hạn chế tác động của chăn thả tự do và người ngoài xâm hại rừng từ phía thôn Cao Sơn. Biết rằng vận dụng luật tục để xử lý là rất hiệu quả khi các vụ vi phạm xảy ra, song việc thương thảo và chia sẻ giữa 2 thôn để răn đe, giáo dục và hợp tác còn quan trọng hơn. Điều đó sẽ làm cho 2 thôn gắn bó và trợ giúp nhau được nhiều hơn, hiệu quả hơn.


    Giành một phần gỗ tương đương hỗ trợ thôn Cao Sơn là điều đã được làm
     
    Còn với cộng đồng người dân Ngải Phóng Chồ việc bảo vệ rừng sẽ ra sao. Một quyết định rất mạnh mẽ: Rào rừng một cách kiên cố để bảo vệ rừng. Thôn đã trích 6,2 triệu đồng mua dây thép gai và mua đinh, nhân lực rào được huy động từ các hộ gia đình. Vận dụng luật tục của thôn, nếu hộ gia đình nào không tham gia tính 150,000 đồng/công để góp tiền cho những người từ các hộ khác có điều kiện đi rào. Toàn thôn đã huy động được 83 thành viên từ các hộ, trong đó có những hộ nam giới không tham gia được hoặc đi vắng thì phụ nữ đã thay thế. Toàn bộ ranh giới của rừng Chống Đồng Chính đã được rào kín trong 1,5 ngày.


    Rừng Chống Đồng Chính đã được rào chắc chắn hạn chế trâu bò phá hại

    Chúng tôi đến khảo sát sơ bộ cho hoạt động hỗ trợ giao đất giao rừng xã Cao Sơn được chứng kiến một ngày làm việc cật lực của các thành viên trong thôn. Anh Ma Sử, 37 tuổi vừa được bầu làm Trưởng thôn trong dịp Tết Đinh Dậu rất nhiệt tình chạy từ rừng về chia sẻ với chúng tôi về những cánh rừng, về cách người dân rào rừng và rồi dẫn chúng tôi lên tận nơi người dân đang rào rừng. Dưới trời mưa, đường trơn, rừng lắm muỗi, vắt chúng tôi chứng kiến quyết tâm của mỗi người dân bảo vệ tài sản của họ. Trên địa bàn xã Cao Sơn nói riêng và huyện Mường Khương nói chung, rừng là sự sống, là cứu cánh cho những khu vực ruộng nước hiếm hoi của người dân. Thiếu rừng là thiếu nước, thiếu củi và gỗ làm nhà. Anh Ma Sử chia sẻ hàng năm rừng cung cấp cho hộ từ 10-12 Ste gỗ củi tương đường 5m3 gỗ đặc cho mỗi nhà làm chất đốt. Mặc dù hiện nay các hộ đã dần bổ sung thêm việc nấu nướng bằng điện, gas song việc sưởi ấm, nẫu cám lợn, nấu rượu rất cần đến củi. Anh Sử tâm sự, không chỉ rào rừng mà hàng năm các anh đều huy động người dân trồng dặm cây vào các cánh rừng. Anh nói, cứ mỗi năm mỗi hộ trồng thành công 1 cây cũng đã rất quý.
    Thời gian đoàn công tác ở lại thôn không nhiều và đã chia tay anh Ma Sử ngay trên cánh rừng mà các anh và bà con vừa kết thúc rào. Ma Sử không tiễn chúng tôi xuống đường lớn được, vì cần có đến với bà con sau khi rào xong rừng để điểm danh ai đi ai không để đảm bảo công bằng cho mọi người. Công việc đầu năm của anh thực là vất vả song cũng thực sự đầy ý nghĩa. Chúc bà con Ngải Phóng Chồ và anh Sử sẽ tiếp tục rào tiếp và chăm sóc tốt các cánh rừng còn lại để không chỉ duy trì sinh kế mà còn tạo nên những cảm hững cho những ai yêu rừng quý rừng và đến với rừng.

Bài viết khác