Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Người Xê Đăng hợp tác làm vườn ươm cây bản địa

  • Tại chuyến nghiên cứu về luật tục trong quản lý, phát triển rừng của cộng đồng dân tộc Xê Đăng làng Kon Tun do CIRUM và Liên hiệp Khoa học-Kỹ thuật tỉnh Kon Tum tiến hành vào tháng 8/2016, ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng với tập đoàn cây lâm nghiệp bản địa đã được trao đổi với cộng đồng người Xê Đăng làng Kon Tun, xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông. Bà con cũng đã được chứng kiến và thấy rõ tác động của mất rừng và sự cần thiết phải khôi phục lại rừng. Một chiến lược phát triển rừng đã được xây dựng, trong đó vườn ươm cây bản địa là một ưu tiên. Kế hoạch làm vườn ươm tại làng Kon Tun đã được khởi động vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, một thách thức nảy sinh là làng Kon Tun không tìm được một diện tích đất đủ rộng và phù hợp để làm vườn ươm.
     
    Khu vực đất ở của làng Kon Tun nhỏ hẹp, xung quanh làng thì rừng đã bị thay thế nhiều rẫy sắn

    Thông qua chia sẻ của cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, cộng đồng làng Đắk Xia biết được rằng làng Kon Tun được hỗ trợ để xây dựng vườn ươm cộng đồng, nhân giống cây lâm nghiệp bản địa để trồng rừng. Dân làng Đắk Xia cũng quan tâm đến hoạt động này và biết được khó khăn của làng Kon Tum về đất đai nên đã chủ động bàn cách hợp tác với làng Kon Tun. Hai làng đã thống nhất cùng xây dựng vườn ươm chung ở khu vực ranh giới của hai làng. Mảnh đất này cũng gần kề khu dân cư của làng Tu Mơ Rông và làng Kon Tun nên rất tiện cho người dân của cả hai làng hỗ trợ nhau thực hiện các hoạt động của vườn ươm. Hai làng đã thống nhất với nhau: sau này khi cây giống đủ tuổi để trồng sẽ chia sẻ cho các hộ dân của hai làng tham gia làm vườn ươm.
     
     
    Hai già làng đang chia sẻ về khó khăn nếu khi xây dựng vườn ươm ở làng Kon Tun

    Lễ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng làng Kon Tun vào ngày 30/12/2016 cũng đã tạo thêm một cơ hội rất tốt để bà con nhiều làng, nhiều dân tộc chia sẻ kinh nghiệm quản lý và bảo vệ rừng. Dân làng Kon Tun và đại diện xã Đắk Hà lắng nghe chia sẻ của cộng đồng người Ja Rai, Rơ Ngao từ xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, nơi đã gánh chịu những hậu quả do mất rừng, và đã có kinh nghiệm khôi phục rừng. Từ đó người dân hiểu rõ hơn: phát triển và phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa không chỉ để tạo nguồn thu nhập, mà còn giữ nguồn nước, chống sạt lở và cải thiện môi trường sống.
    Trên thực tế, người Tây Nguyên nói chung đã từng ươm các cây giống địa phương để trồng, nhưng thuật ngữ “vườn ươm cây bản địa” vẫn còn rất mới mẻ với họ. Cũ mà mới là vậy, nhất là với kỹ thuật làm vườn ươm tập trung quy mô lớn, đóng bầu, cấy cây và chăm sóc cây ươm. Người dân đã thảo luận để lựa chọn loài cây phù hợp nhất, và họ đã chọn cây Sơn tra (Táo mèo) một cây vừa có giá trị về phát triển rừng vừa cho thu nhập kinh tế. Sơ tra là giống cây bản địa phát trên trên các khu rừng của làng với những cây có thể cung cấp hạt giống tốt, nên bà con có thể tự đi gom hạt về để ươm.
     
     
    Người địa phương chia sẻ về vườn ươm cây Sơn Tra của làng Kon Tun

    Với nguồn nhỏ do Trung tâm CIRUM hỗ trợ, kết hợp với việc tư vấn, triển khai của Phòng Nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, người dân được giúp những nguồn lực mà họ không có sẵn hoặc không đủ lực để tự làm, như kỹ thuật vườn ươm, túi bầu, lưới che. Còn lại, người dân 2 làng đã tự bỏ công sức để tập trung từ khâu xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, thu gop hạt giống bổ sung, làm hàng rào bảo vệ, gieo ươm … chăm sóc thường xuyên cho đến khi cây đến tuổi xuất vườn. Đến cuối năm 2016, người dân 2 làng Kon Tun và Đắk Xia đã thành công trong việc xây dựng vườn ươm cây Sơn tra bản địa, tỷ lệ sống khoảng 80%, dự kiến cho xuất vườn khoảng 24.000 cây giống Sơn tra, phục vụ kế hoạch trồng rừng trong năm 2017, thay thế dần những vùng đất mà các hộ gia đình đang trồng mì (sắn). Đây là một trong các hoạt động nằm trong chiến lược thay thế dần cây công nghiệp ngắn ngày bằng cây bản địa lâu năm, có giá trị và đa mục đích mà địa phương đang hướng tới.

Bài viết khác