Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

(http://www.daibieunhandan.vn) - Hội đồng Dân tộc lấy ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

  • Ngày 26.4, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng, Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á - Việt Nam, Viện Tư vấn phát triển tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

     

    Tham dự Hội thảo có: Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại diện một số Ủy ban của QH; ĐBQH là người dân tộc thiểu số; đại diện nhà khoa học, chuyên gia về lâm nghiệp và cộng đồng dân tộc ở một số địa phương.

    Các đại biểu dự Hội thảo thảo luận, góp ý về những quy định liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, bản, buôn, làng các dân tộc có cuộc sống phụ thuộc vào rừng; quyền tiếp cận rừng của cộng đồng dân cư các dân tộc và chiến lược bảo vệ phát triển rừng bền vững gắn với ổn định xã hội; cùng nhiều nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và đồng bộ với quy định của Hiến pháp và các đạo luật liên quan...

    Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được QH Khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 3.12.2004, có hiệu lực từ ngày 1.4.2005. Qua 12 năm thực hiện, Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong chiến lược quản trị, sử dụng và phát triển kinh tế - xã hội, có sự tham gia tích cực của nhiều thành phần kinh tế trong xã hội. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa ngăn chặn được tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên; chính sách về bảo vệ và phát triển rừng chưa động viên và phát huy được bản sắc văn hóa, tri thức địa phương của các cộng đồng sống lâu đời, gắn bó với rừng trong chiến lược hợp tác đồng quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với chiến lược xóa đói giảm nghèo và an toàn sinh kế cho đồng bào tại chỗ vùng đầu nguồn, gây ra tình trạng tranh chấp lấn chiếm rừng và đất rừng, đặc biệt là sự chồng chéo tại các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn nước, nơi cộng đồng người thiểu số sống lâu đời.

    Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đã có những điều chỉnh, bổ sung tích cực, phù hợp với thực tiễn quản lý rừng của chủ rừng là hộ gia đình cộng đồng dân cư làng, bản. Theo đó, dự thảo (Điều 3 và Điều 8) công nhận cộng đồng dân cư (thôn bản, buôn làng, phum sóc...) là chủ rừng, có bổ sung điểm dân cư tương tự, có cùng phong tục tập quán, tương thích với Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự. Công nhận rừng văn hóa, rừng tín ngưỡng là tiêu chí của rừng đặc dụng (Điều 5). Bổ sung quy định về bảo đảm sự tham gia của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; bảo đảm công khai, minh bạch khi lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia (Điều 10)...

    Cơ bản đồng tình với nội dung được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật lần này, nhiều ý kiến tán thành với việc sửa Luật theo hướng gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng với việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, dân tộc tại chỗ vùng đầu nguồn. Có ý kiến nhấn mạnh, muốn bảo vệ, phát triển rừng bền vững thì trước hết cần “nuôi” được người, do vậy, dự thảo cần tôn trọng nguyên tắc bảo đảm không gian sinh tồn cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư tại chỗ vùng đầu nguồn. Nhà nước cần tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có rừng để thực hiện các hoạt động tập tục văn hóa tâm linh, có rừng để phát triển sản xuất và sống được từ rừng.

    Tin và ảnh: Thanh Chi - Báo điện tử Đại biểu Nhân dân (http://www.daibieunhandan.vn)

Bài viết khác