Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

HỘI THẢO QUỐC GIA: Về việc thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2016

  • Ngày 27.9, tại TP Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội tổ chức Hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016. Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, các vấn đề khó khăn, thách thức, cũng như các giải pháp phù hợp làm cơ sở để đóng góp vào sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 được Quốc hội thảo luận trong quý 4/2017. Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chủ trì Hội thảo.
     

    Toàn cảnh hội thảo
     
     
    Tham dự có 96 đại biểu gồm:  Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ban Dân vận Trung ương; Vụ Dân tộc, đại diện lãnh đạo các Bộ NN - PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; đại diện lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Thuận, Trung tâm CIRUM và đại diện 10 cộng đồng thôn bản, hộ gia đình (thành viên Mạng lưới đất rừng/tổ bảo vệ rừng – LandNet) đến từ ba vùng sinh thái (Miền Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên).
     
    Ông Hà Ngọc Chiến phát biểu Khai mạc hội thảo
     
    Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội thảo lần này là dịp để Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội và các cơ quan liên quan ngồi thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, thách thức và nguyên nhân vướng mắc từ chính sách pháp luật, nguyên nhân trong tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong 10 năm qua. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc sống bằng nghề rừng.


    Đại biểu tham dự tại hội thảo
     
    Có 13 bài trình bày và đặc biệt có 5/17 ý kiến của đại diện các cộng đồng dân tộc (LandNet) đã tích cực tham gia ý kiến phản ánh những trăn trở, vướng mắc của các cộng đồng đang đối mặt, cũng như những góp ý thẳng thắn về những bất cập thực tiễn trong công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình trong 10 năm qua trên cả nước. Đại diện các cộng đồng đã mạnh dạn đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đáp ứng mối quan tâm và nhu cầu của mỗi dân tộc, phù hợp với phong tục, tập quán (luật tục) của từng địa phương [1].


    Thành viên LandNet và LISO tham gia hội thảo
     
     
     
    Đại diện lãnh đạo Trung tâm CIRUM chia sẻ tham luận "Tồn tại, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp về chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện giao đất, giao rừng, bảo vệ và phát triển rừng cho đồng bào Dân tộc thiểu số dựa trên bài học thực tiễn trong hơn 10 năm qua”. Chủ trì Hội thảo và các đại biểu tham gia Hội thảo đồng tình và đánh giá cao những bài học đúc rút từ thực tiễn rất cụ thể và thuyết phục, cần được ghi nhận trong sửa đổi Luật Bảo Vệ và Phát triển rừng sắp tới. Bài tham luận đã chỉ ra được những mô hình cụ thể, và có tính đại diện các vùng miền, các dân tộc có các vướng mắc và cùng mối quan tâm về (i) thực trạng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khi giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng tại một số địa phương của Miền Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên; (ii) chỉ ra được những bất cập, vướng mắc và nguyên nhân trong thực hiện chính sach; (iii) Đề xuất điều chỉnh chính sách pháp luật cụ thể, rõ ràng đáp ứng được mối quan tâm và nhu cầu của các cộng đồng, cũng như phù hợp với chính sách của Nhà nước.
             
    Hội thảo cũng đã đề cập đến kết quả của công tác giao đất, giao rừng trên toàn quốc. Tính đến 31.12.2016, diện tích rừng đã giao cho cộng đồng quản lý là trên 1,1 triệu ha, chiếm 7,8% diện tích rừng của cả nước. Trong đó, diện tích rừng được giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số là 805 nghìn ha, chiếm 71,4% diện tích rừng đã giao cho cộng đồng. Diện tích được cấp quyền sử dụng đất là 345 nghìn ha, chiếm 42,9% tổng diện tích giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Số cộng đồng dân tộc thiểu số được giao là 12.095 cộng đồng, gồm 4.739 thôn, buôn, 125 dòng họ và 5.679 nhóm hộ. Tổng diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý là 2,9 triệu ha, chiếm 20,4% diện tích rừng cả nước. Diện tích giao cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số là 936 nghìn ha, chiếm 32% diện tích giao cho hộ gia đình. Diện tích được cấp quyền sử dụng là 885 nghìn ha, chiếm 94,5%. Số hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng để quản lý, sử dụng là 439.374 hộ. Số hộ được cấp quyền sử dụng là 327.272 hộ, chiếm 74%, nếu tính trung bình thì mỗi hộ nhận khoán được 2,7ha.

    Trong 10 năm qua, tổng kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình dân tộc thiểu số là 420 tỷ đồng, trong đó cộng đồng là 125 tỷ đồng, hộ gia đình 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, số kinh phí vẫn chưa được địa phương bố trí đầy đủ theo đúng định mức, diện tích. Đặc biệt, có hơn 3 triệu ha rừng vô chủ (chỉ là tạm giao cho UBND xã) nên không có kinh phí quản lý.
    Một kết quả đáng ghi nhận là sau 10 năm thực hiện công tác giao đất, giao rừng thì các chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư đã chứng minh được tính hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. (Tham khảo 10 nghiên cứu trường hợp được thẩm định và phát tại hội thảo).

    Kết thúc Hội thảo ông Hà Ngọc Chiến kết luận: (i) Cần coi GĐGR cho cộng đồng, hộ gia đình DTTS là một chính sách dân tộc, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước, đồng thời là chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cộng đồng DTTS; (ii) Cần ưu tiên giao diện tích đất, rừng do UBND xã đang quản lý cho Cộng đồng, hộ gia đình DTTS; (iii) Xem xét, điều chỉnh quy trình GĐGR phù hợp với thực tế và gắn với lợi ích của người dân; (iv) Các bộ ngành liên quan và địa phương cần bố trí đủ kinh phí cho chương trình GDGR trong 2 năm tới cho hộ gia đình, cộng đồng DTTS; (v) Đề nghị Chính phủ tổng kết 10 năm chương trình GĐGR. Các đề xuất, kiến nghị này sẽ được tổng hợp để kiến nghị lên Quốc hội về sửa đổi Luật BV&PTR, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách về giao đất, giao rừng, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên cả nước.


    [1] 10 nghiên cứu trường hợp đại diện cho các vùng miền các đồng bào dân tộc do CIRUM/Liên minh LISO hỗ trợ, tư vấn thực hiện, đặc biệt là 01 phim tài liệu “Rừng của Bản, Rừng của Buôn làng” do CIRUM thực hiện đã được Hội đồng Dân tộc Quốc Hội duyệt và được chính thức phát và chiếu tại Hội thảo lần này. Các tài liệu này là bằng chứng thực tiễn về vai trò của cộng đồng và luật tục trong bảo vệ, sử dụng và quản lý tài nguyên đất, rừng có hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, tính đa dạng sinh học và công bằng xã hội.

Bài viết khác