Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Giám sát đánh giá thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến giao đất giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng các dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2016

  • Với chức năng giám sát thực hiện chính sách pháp luật của mình, Hội đồng Dân tộc Quốc  hội đã ban hành kế hoạch số 279/KH-HĐDT14 ngày 30/6/2017  gửi tới các bên liên quan và 9 tỉnh Đắc Nông, Gia Lai (vùng Tây Nguyên), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An (Miền trung Việt Nam) và Hoà Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai (Vùng núi phía Bắc) về thực hiện chuyên đề giám sát “tình hình, kết quả thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016”.

    Chương trình giám sát thực hiện bởi 5 đoàn công tác do Hội đồng Dân tộc Quốc hội quyết định thành lập với sự tham gia của các thành viên Hội đồng Dân tộc, các đại biểu Quốc hội các tỉnh, Bộ tư lệnh Biên phòng, Ủy ban Dân tộc, Bộ NN&PTNT, các Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Trung tâm CIRUM và các báo đài Trung ương và địa phương. Giai đoạn giám sát thực địa tiến hành từ ngày 14 tháng 8 và kết thúc vào ngày 9 tháng 9 năm 2017.

    Mục tiêu giám sát tập trung vào 3 vấn đề chính (1) Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện luật Bảo vệ, phát triển rừng năm 2004; công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác giao đất giao rừng cho công đồng dân cư và các hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2016. (2) Đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2016. (3) Đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tôc, miền núi, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bảo các dân tộc sống bằng nghề rừng.

    Các cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động giám sát là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, các văn bản dưới luật như  Nghị định 23/2006 ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Thông tư 38/2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư của Bộ NN&PTNT, Thông tư liên tịch 07/2011/TTLT-BNTPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của 2 bộ Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường và một số các chính sách liên quan như Quyết định 304/2005/QĐ-TTg về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên ngày 23/11/2005 của Thủ tướng  Chính phủ, các chính sách khác liên quan đến hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng như QĐ 75, Nghị định 99 về chi trả Dịch vụ môi trường rừng, Quyết định 147 hỗ trợ trồng rừng phòng hộ,….và các báo cáo của chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh nơi đoàn thực hiện giám sát. Tại các điểm giám sát, các đoàn đã gặp gỡ làm việc với chính quyền địa phương các cấp, đến thăm thực địa các mô hình quản lý sử dụng đất của người dân, cộng đồng dân cư; thăm các khu rừng tâm linh, rừng truyền thống của cộng đồng; gặp gỡ các nông dân nòng cốt, các già làng là người dân tộc đồng thời kết hợp trao tặng quà cho một số gia đình trong diện chính sách ưu tiên của Nhà nước.

    Một thực tế chung cho thấy trên địa bàn 9 tỉnh thực hiện giám sát thì chỉ có 2 tỉnh Nghệ An và Lào Cai [1] đã tiếp cận đến giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc thiểu số trên tinh thần của Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Nghị định 23/2006, Thông tư 38/2007/TT-BNN của Bộ NN&PTNT, Thông tư liên tịch 07/2011/TTLT-BNTPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của 2 bộ Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường. Các tỉnh còn lại hầu như chưa có khả năng triển khai theo hướng này và vẫn duy trì sử dụng các kết quả của giao, khoán đất lâm nghiệp cho cộng đồng và các hộ từ giai đoạn trước 2006 trên cơ sở Nghị định 02, Nghị định 163, chương trình giao rừng theo không ảnh 2005-2007 và một số chương trình hỗ trợ giao rừng của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo hướng thúc đẩy khai thác thương mại của giai đoạn trước 2006. Vì chưa giao hoặc giao được quá ít cho cộng đồng và hộ gia đình, nên hậu quả là: người dân thiếu đất rừng sản xuất, diện tích rừng tự nhiên, rừng truyền thống bị chuyển đổi mục đích sang rừng trồng, dẫn đến thiếu việc làm, cuộc sống của người dân không ổn định, phát sinh các tranh chấp và bức xúc về đất, rừng.

    Theo ý kiến các địa phương, những kết quả giao đất trước 2006 chứa đựng nhiều bất cập, vướng mắc và chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn trong thực hiện các chính sách về giao, khoán bảo vệ, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, phối kết hợp các bên liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, cũng như phát triển các sinh kế dưới tán rừng cho người dân sống gắn với rừng. Những nguyên nhân chính mà phía các địa phương đưa ra là việc ban hành luật, chính sách chưa đi đôi với đầu tư nguồn lực để thực hiện, sự phối hợp giữa ngành Tài nguyên và Nông nghiệp chưa đồng bộ, Nguồn lực con người và tài chính của địa phương còn hạn hẹp, nhận thức về công tác giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư và các hộ gia đình dân tộc chưa thực sự sâu sắc, và bên cạnh đó là các cơ sở hạ tầng địa phương, thu nhập địa phương chưa đảm bảo để hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, các mô hình quản lý rừng có hiệu quả chưa có hướng nhân rộng.

    Hầu hết các tỉnh đều thực hiện khoán bảo vệ cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình để triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chương trình GĐGR do địa phương triển khai không theo đúng trình tự, thiếu sự tham gia của người dân, chỉ mới dừng lại ở giao khoán bảo vệ. Điều đó thể hiện cộng đồng dân cư và hộ gia đình trên nhiều vùng chưa thực sự được xác định là chủ rừng đích thực để nhận được đầy đủ các chính sách đầu tư theo quy định của điều 24, điều 29 và điều 30 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Số lượng diện tích đất lâm nghiệp và rừng  giao cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc trong các dự án thí điểm còn ở quy mô quá nhỏ.

    Như vậy việc GĐGR cho hộ gia đình và cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn đang là một nhu cầu lớn và là bức xúc, chưa đáp ứng được mong mỏi của hầu hết các cộng đồng dân tộc thiểu số. Những tồn tại nêu trên cần phải được quan tâm giải quyết một cách rốt ráo, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay diện tích đất rừng sản xuất để giao lại cho cộng đồng, hộ gia đình đang gặp nhiều vướng mắc bởi các tổ chức, doanh nghiệp đang quản lý tài nguyên đất, rừng rất lớn tại các địa phương.


    [1]  Chương trình giao đất gắn với giao rừng có sự tham gia của người dân chủ yếu do các tổ chức SPERI, CIRUM thực hiện tại hai tỉnh Nghệ An và Lào Cai
     

Bài viết khác