Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Báo điện tử ĐBND: Giao đất, giao rừng cũng như không ?

  • Chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình được người dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An đánh giá là đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương này lại chưa đến được với đông đảo người dân. Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, đất do các hộ gia đình được giao quản lý tại địa phương chỉ khoảng 40.023ha; số hộ gia đình được giao đất lâm nghiệp là 8.335 hộ. Ước tính mỗi hộ chỉ được giao khoảng 4ha đất lâm nghiệp. Trong khi đó, huyện Quỳ Châu vẫn còn đất giao cho các lâm trường như Lâm trường Quỳ Châu với 9.000ha, Lâm trường Cô Ba với 6.224ha.

    Nghịch lý ở chỗ, trên địa bàn huyện Quỳ Châu vẫn còn 1.635 hộ thiếu đất sản xuất. Trong đó, riêng tại xã Châu Bình còn đến 930 hộ thiếu đất sản xuất. Người dân phải đi làm thuê cho lâm trường theo hình thức phát canh, thu tô. Xót xa trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, người dân sống ngay tại đất rừng, trên mảnh đất cha ông để lại, nay lại trở thành người làm thuê là rất đáng phải suy ngẫm.

    Đáng chú ý hơn, Nghị quyết 112/2015/QH13 của QH ngày 27.11.2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đã chỉ rõ những yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp. Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.       

    Nghị quyết này đã được huyện Quỳ Châu thực hiện, lâm trường đã giao đất cho UBND tỉnh Nghệ An để giao về cho người dân. Nhưng đa phần đất lâm trường bàn giao lại là đất khô cằn, đất xấu hoặc ở quá xa khu dân cư nên người dân không thể canh tác được. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân khẳng định, với cách làm này thì nói là giao đất nhưng cũng như là không giao. Đất lâm trường quản lý vẫn không mang lại hiệu quả và người dân thì vẫn không có đất sản xuất, nghèo càng thêm nghèo.

    Giải thích thêm về vấn đề này, lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho biết, diện tích đất rừng ít giao cho hộ gia đình vì chưa có kinh phí hỗ trợ hộ gia đình bảo vệ và phát triển rừng. Các hộ gia đình, người dân tộc thiểu số nghèo nên không đủ sức để tự khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đối với đất ở các lâm trường, đúng là vì lợi ích nên khi lâm trường trả đất về cho địa phương, chỉ toàn là nơi xa dân cư, khó canh tác, sản xuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận.

    Để sớm chấm dứt tình trạng bất cập trong giao đất, giao rừng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo sát sao hơn, thu hồi các diện tích đất sử dụng không hiệu quả ở các công ty nông, lâm trường giao đất về cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Như đề nghị của các hộ gia đình thiếu đất sản xuất ở các bản: Bình 3, Lầu 1, Can, Thung Khang ở xã Châu Bình đó là, muốn xóa đói giảm nghèo phải có đất sản xuất, muốn sống với nghề rừng phải có đất, có rừng thì người dân mới phát triển lâm nghiệp được.


Bài viết khác