Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Bảo đảm quyền đất, rừng của đồng bào theo tinh thần Luật Lâm nghiệp

  • Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 mới được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2017 đã quy định rõ việc bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp. Tuy nhiên, để quy định này đi vào thực tế cuộc sống, thì Mạng lưới Đất rừng (LandNet) cần tiếp tục cùng với CIRUM và xã hội dân sự vận động trên thực tiễn, tiếp tục phát triển các mô hình bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng, và góp ý vào các văn bản dưới luật. Đây là thông điệp được nhiều lần nhắc đến trong Hội thảo tổng kết hoạt động Mạng lưới Đất rừng năm 2017 và định hướng hoạt động năm 2018 tổ chức tại Hà Nội ngày 14/12/2017. Với sự tư vấn, hỗ trợ của CIRUM, Hội thảo có sự tham gia của đại diện 9 dân tộc từ 7 tỉnh miền núi thuộc 3 vùng: miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên, đại diện Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á (SEARAV), Tổ chức Brot và Liên minh LISO.
     
     
    Các đại biểu tham gia Hội thảo
     
    Tiếp sau lời khai mạc của đại diện LandNet, đại diện CIRUM trình bày tóm tắt quá trình góp ý xây dựng luật Lâm nghiệp và vai trò tham gia của LandNet trong xây dựng luật. Các mô hình giao đất giao rừng có sự tham gia của cộng đồng, sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên đất rừng, tôn trọng luật tục trong quản lý tài nguyên đất rừng chính là nền tảng để thành viên LandNet tự tin góp ý trên các diễn đàn xây dựng luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các văn bản có liên quan khác.
     
    Phát biểu của ông A Đứu, dân tộc Ja-rai, thôn Ka Bay, xã Hơ Moong, Sa Thầy, Kon Tum
     
    Đại diện các vùng tổng kết các hoạt động, cho thấy một năm sôi động phát triển các vườn ươm cây bản địa, làm giàu rừng và chuyển đổi từ cây hoa màu ngắn ngày kém hiệu quả hoặc rừng độc canh (như bạch đàn) sang cây lâm nghiệp có giá trị cao. Mạng lưới ở một số vùng đã phát triển các loại cây dược liệu có giá trị như Sâm Ngọc Linh, Đương quy, Bo bo, Sa nhân và phát triển mô hình dùng cây thuốc nam truyền thống để xông tắm và chữa bệnh. Những hoạt động này là sự tiếp nối và phát huy kết quả giao đất giao rừng, để cộng đồng chứng minh rõ hiệu quả môi trường, xã hội, văn hoá và kinh tế khi có quyền sử dụng đất rừng.
     
     Trong định hướng chiến lược hoạt động của LandNet giai đoạn 2018-2020, việc vận động cho quyền cộng đồng được giao đất sau khi giải quyết chồng chéo, tranh chấp với các chủ thể khác; quyền hưởng lợi từ đất rừng, quyền sở hữu rừng tự nhiên của cộng đồng tại các văn bản dưới luật Lâm nghiệp và luật Đất đai sửa đổi là những ưu tiên trọng tâm ở cấp trung ương. Hoạt động ưu tiên tại cấp cộng đồng làng bản sẽ là việc thúc đẩy giao đất, rừng cho cộng đồng từ quỹ đất do các tổ chức nhà nước, các doanh nghiệp trả lại và quỹ đất do các xã tạm quản lý; tăng thu nhập và phát triển thương hiệu từ các chuỗi giá trị dược liệu, sản phẩm phi gỗ, bảo đảm lợi ích của cộng đồng trong thương mại công bằng. Hoạt động xuyên suốt sẽ vẫn là nâng cao năng lực LandNet, với việc chia sẻ các quyền về đất rừng cho cộng đồng và chính quyền địa phương, phối hợp phát triển các mô hình sinh kế bền vững của cộng đồng các dân tộc với nghiên cứu và góp ý xây dựng chính sách trên cơ sở bằng chứng thực tiễn; và phát triển mạng lưới rừng tín ngưỡng (thí dụ: rừng Chía, rừng Nào Lồng, Lapay, rừng Giọt nước) để bảo vệ rừng, nguồn cây thuốc và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc.

Bài viết khác