Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

[daibieunhandan.vn] Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo về giao đất, giao rừng

  • Ngày 27.9, tại TP Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016.

    Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì Hội thảo.

    Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; đại diện lãnh đạo các Bộ NN - PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Thuận.


    Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo

    Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội thảo lần này là dịp để Hội đồng Dân tộc và các cơ quan liên quan ngồi bàn bạc, đánh giá những kết quả đã đạt được, nêu những khó khăn, thách thức, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong 10 năm qua. Từ đó, bàn bạc thống nhất đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc sống bằng nghề rừng.

    Vừa qua, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức giám sát trên phạm vi toàn quốc về tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016. Qua giám sát cho thấy, công tác này đã được các địa phương quan tâm triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hầu hết các tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và Hội đồng giao rừng, cho thuê rừng cấp xã, bước đầu đã có hiệu quả.


    Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo

    Tính đến 31.12.2016, diện tích rừng đã giao cho cộng đồng quản lý là trên 1,1 triệu ha, chiếm 7,8% diện tích rừng của cả nước. Trong đó, diện tích rừng được giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số là 805 nghìn ha, chiếm 71,4% diện tích rừng đã giao cho cộng đồng. Diện tích được cấp quyền sử dụng đất là 345 nghìn ha, chiếm 42,9% tổng diện tích giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Số cộng đồng dân tộc thiểu số được giao là 12.095 cộng đồng, gồm 4.739 thôn, buôn, 125 dòng họ và 5.679 nhóm hộ. Tổng diện tích rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý là 2,9 triệu ha, chiếm 20,4% diện tích rừng cả nước. Diện tích giao cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số là 936 nghìn ha, chiếm 32% diện tích giao cho hộ gia đình. Diện tích được cấp quyền sử dụng là 885 nghìn ha, chiếm 94,5%. Số hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng để quản lý, sử dụng là 439.374 hộ. Số hộ được cấp quyền sử dụng là 327.272 hộ, chiếm 74%, nếu tính trung bình thì mỗi hộ nhận khoán được 2,7ha.

    Sau 10 năm thực hiện, diện tích rừng trồng mới, rừng tự nhiên tái sinh cũng như tỉ lệ độ che phủ rừng của các tỉnh đều tăng đáng kể. Các chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư sau khi được giao đất, giao rừng đã được công nhận quyền hợp pháp lâu dài cũng như được hỗ trợ và hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước. Do vậy đã hạn chế được tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái động vật rừng.

    Trong 10 năm qua, tổng kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình dân tộc thiểu số là 420 tỷ đồng, trong đó cộng đồng là 125 tỷ đồng, hộ gia đình 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, số kinh phí vẫn chưa được địa phương bố trí đầy đủ theo đúng định mức, diện tích. Đặc biệt, có hơn 3 triệu ha rừng vô chủ (chỉ là tạm giao cho UBND xã) nên không có kinh phí quản lý.

    Toàn cảnh Hội thảo.

    Để tăng cường tính hiệu quả và tháo gỡ các khó khăn hiện tại, các ban, ngành liên quan và đại biểu dự Hội thảo đã kiến nghị trong sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng tới đây cần bổ sung một số quy định mới theo hướng: Thừa nhận cộng đồng, nhóm hộ là đối tượng chủ rừng để bảo đảm quyền, lợi ích của nhóm đối tượng này như các chủ rừng khác. Đồng thời, phải bảo đảm đất rừng có thể sản xuất và canh tác được mới giao cho dân. Các chính sách cũng cần được điều chỉnh theo hướng cộng đồng thôn bản, cộng đồng dân cư sinh sống tại chỗ trong rừng đặc dụng phải được hưởng lợi. Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nên có quy định miễn, giảm kinh phí đo đạc và lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

    Tin và ảnh: Phạm Duy - Anh Thư
    http://www.daibieunhandan.vn/
     

Bài viết khác