Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Sự kiện

Luật cần bảo đảm không gian sinh kế, văn hoá của các dân tộc

  • Rừng cộng đồng, sinh kế của người dân gắn với rừng, và phát triển rừng bền vững là những chủ đề được nhắc đến nhiều nhất tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)” do Hội đồng Dân tộc Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 26/4/2017. Để khắc phục tình trạng người dân tộc thiểu số nghèo ở nhiều vùng vẫn còn thiếu đất ở, đất sản xuất sau khi thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ đất cho đồng bào, một đề nghị đáng chú ý trong Hội thảo này là: bổ sung vào nguyên tắc trong giao rừng (Điều 19 của Dự thảo luật) quy định: “Bảo đảm tôn trọng không gian sinh kế, sinh tồn, bản sắc văn hoá của các dân tộc”.
     

    Toàn cảnh của cuộc hội thảo
     
    Các đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “đất, rừng tín ngưỡng”, đó là không gian thực hành nghi lễ gắn với đời sống văn hoá, sinh kế và bảo vệ rừng của các dân tộc. Làm rõ khái niệm này sẽ giúp khắc phục tồn tại trong Luật Đất đai năm 2013, khi Luật này chỉ giới hạn định nghĩa “đất tín ngưỡng” (Điều 160) theo cách hiểu của người Kinh ở đồng bằng. Đáng chú ý là kiến nghị bổ sung rừng tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc vào phân loại rừng đặc dụng; và bổ sung rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng vào phân loại rừng phòng hộ. Các đại biểu kiến nghị ghi rõ giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng dân cư đối với các loại rừng được bổ sung nêu trên.
    Ông Lù Văn Que, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ khái niệm “rừng cộng đồng” thể hiện trên thực tế như sau “Đến các địa phương thì người ta nói rừng là của làng, bản. Có 3 loại rừng là: rừng tín ngưỡng - tâm linh, rừng bảo vệ nguồn nước, và rừng lâm sản chung để khai thác. Nhiều chỗ đều có 3 loại rừng như thế. Chúng tôi đã đi nghiên cứu, tổng kết, thấy vai trò của rừng làng, bản rất là tốt”.
     

    Phát biểu của ông Lù Văn Que tại hội thảo
     
    Từ thực tế ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Khắc Thứ, nguyên Bí thư huyện uỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nêu trăn trở: “Thực tế rừng ở gần biên giới được phân loại là rừng sản xuất, mà giao cho các hộ gia đình rồi là có nguy cơ bị chuyển đổi cho người ngoài, thậm chí là người nước ngoài thuê, nếu vậy thì lập tức rừng bị mất tính chất an ninh quốc phòng”. Từ đó, ông Thứ và các đại biểu khác kiến nghị bổ sung rừng biên giới là một loại hình trong rừng phòng hộ, và cần ưu tiên giao loại rừng này cho các cộng đồng dân cư sống gần rừng.
    Tại Hội thảo, các đại biểu là phụ nữ dân tộc đến từ tỉnh Lâm Đồng (người Mơ Nông) và từ Quảng Bình (người Vân Kiều) đã đánh giá rất cao hướng tiếp cận về quyền lợi cho người dân tộc thiểu số sống gần rừng, bởi đồng bào là lực lượng bảo vệ rừng tốt nhất từ xưa đến nay. Bà Hồ Thị Con, dân tộc Vân Kiều chia sẻ “Nếu các điều khoản của Luật được triển khai tốt trên thực tế, người dân tộc Vân Kiều sẽ có điều kiện để phát triển. Đồng ý là đất thì sở hữu toàn dân, nhưng đất rừng gần dân cần giao cho dân để họ sản xuất, vì họ không có điều kiện để đi xa”. Bà cũng đề nghị: “Ngoài rừng tín ngưỡng tâm linh, rừng nguồn nước của bà con luôn được bà con bảo vệ tốt, thì rừng phòng hộ gần dân nên giao cho dân bảo vệ là tốt hơn”.
     

    Phát biểu của bà Hồ Thị Con, người dân tộc Vân Kiều, tỉnh Quảng Bình
     
    Với tinh thần cởi mở và cầu thị, Ban tổ chức Hội thảo hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại diện từ cộng đồng các dân tộc, các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội. Hội thảo đã có nhiều tham luận trực tiếp, trong đó các ý kiến của đại diện cộng đồng chiếm 50%. Ngoài 20 đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản của dự thảo luật theo đề xuất của Liên minh Chủ quyền sinh kế (LISO) đã có thêm 3 vấn đề mới được các đại biểu kiến nghị bổ sung tại Hội thảo này, chủ yếu tập trung vào làm rõ khái niệm rừng cộng đồng và quyền, nghĩa vụ của cộng đồng. Đánh giá sự đóng góp của các đại biểu, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định “Các ý kiến của các đại biểu đã làm sâu sắc hơn những điều đã xây dựng trong dự thảo luật sửa đổi. Đại diện ban soạn thảo và Ban thẩm định dự án luật đã và sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để dự thảo luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) ngày càng được hoàn thiện hơn trước khi Quốc hội thảo luận trong kỳ sắp tới”.
    Mặc dù Hội thảo chính thức được Ban tổ chức bế mạc vào buổi trưa, nhưng đại diện cộng đồng các dân tộc từ các vùng núi phía Bắc, Trung bộ và Tây nguyên, vẫn tiếp tục làm việc vào buổi chiều để làm rõ thêm các kiến nghị, góp ý vào dự thảo luật. Theo đề xuất của Ban tổ chức Hội thảo, Liên minh LISO hỗ trợ chuyên môn với sự tham gia của CIRUM, CENDI và CODE sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu để gửi Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ban Dự thảo luật và Ban Thẩm định dự thảo luật, góp phần hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoán XIV trong tháng 5/2017.

Bài viết khác