Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Xây dựng mô hình phục hồi rừng tự nhiên đầu nguồn thôn Hố Mười

  • Trước thực trạng rừng tự nhiên ở địa phương gần như bị biến mất và việc trồng độc canh cây bạch đàn trên diện rộng, làm kiệt quệ nguồn tài nguyên động, thực vật gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, ngày 20/4/2010, tại thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn diễn ra buổi Tọa đàm “Xây dựng mô hình phục hồi rừng tự nhiên đầu nguồn dựa vào liên kết các hộ gia đình”.

    Phục hồi rừng tự nhiên - nguyện vọng chính đáng của người dân

    Tham gia buổi tọa đàm có đại diện chính quyền huyện Hữu Lũng, xã Minh Sơn, thôn Hố Mười, đại diện Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và phát triển văn hoá cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) và 33 hộ gia đình đã cam kết xây dựng mô hình phục hồi rừng tự nhiên tại địa phương.

    Trước thời gian thảo luận chính thức của tọa đàm, đoàn đã trực tiếp đi thực địa tại khu vực Soỏng, khảo sát thực trạng rừng tự nhiên tại địa phương, cũng như đi tham quan các mô hình phát triển nông - lâm nghiệp bền vững của các hộ gia đình thực hiện hiệu quả tại Hữu Lũng như mô hình “Nuôi gà theo phương thức truyền thống dưới tán rừng”, mô hình “Bảo tồn và thuần dưỡng tắc kè”, mô hình “Vườn ươm bảo tồn nguồn gen, cung cấp giống cây bản địa phục hồi rừng tự nhiên Hố Mười”, thăm một số cây giống đã được lựa chọn và đóng biển khoanh nuôi làm cây Mẹ. Bà con cũng đã được xem một phóng sự ngắn “Những cánh rừng và câu chuyện một dòng họ tại Hữu Lũng”, bộ phim nêu bật thực trạng nguy cơ suy thoái đất rừng ở Hố Mười và những giải pháp phục hồi rừng tự nhiên dựa vào bài học về bảo vệ rừng của một dòng họ đã có công về xây dựng thôn Hố Mười.

    Ông Hứa Tiến Hữu, người dân thôn Hố Mười chia sẻ với đoàn khảo sát rằng, ngày trước, nước ở khu vực Soỏng rất dồi dào, dọc các khe rừng đều có nước chảy quanh năm. Ngoài ra, rừng còn có rất nhiều động vật tự nhiên như lợn rừng, hươu, nai, sóc và rất nhiều loài chim. Nhưng nay thì ngược lại hoàn toàn, nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải trông chờ vào nguồn nước mưa, còn các loại động vật và cây lâm nghiệp bản địa thì gần như bị tuyệt diệt.. Lí giải cho thực trạng trên, ông Hữu cho biết, nguyên nhân chính chỉ bắt đầu từ khi người dân đua nhau trồng bạch đàn làm kinh tế. Thực tế hiện nay, đất lâm nghiệp ở trong thôn đa phần đều là đất người dân liên doanh với các lâm trường (bây giờ là công ty TNHH Một thành viên Nông lâm nghiệp Đông Bắc) để trồng bạch đàn và người dân phải trả cho lâm trường 36,8mgỗ/1ha. Ông băn khoăn rằng, nếu đất rừng tiếp tục cho các công ty lâm nông nghiệp trồng bạch đàn thì không lâu sau khai thác, đất đai sẽ cằn cỗi, bạc màu và nguồn nước sẽ cạn kiệt. Kinh tế trước mắt công ty lâm nghiệp được hưởng, còn hậu quả lâu dài người dân bản địa phải gánh chịu.

    Tận mắt chứng kiến những dãy đồi bạch đàn bạt ngàn và những nỗ lực bước đầu của bà con trong việc xây dựng mô hình, ông Bùi Văn Thể, Bí thư huyện ủy Hữu Lũng chia sẻ: Những mong muốn của bà con về phục hồi rừng tự nhiên đầu nguồn, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên là rất chính đáng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Đảng uỷ và UBND huyện Hữu Lũng. Nhìn vào các tán rừng, thấy bà con ý thức giữ lại các cây rừng tự nhiên như lim, trám, tôi tin rằng, rừng tự nhiên sẽ nhanh chóng được phục hồi trong tương lai không xa.

    Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

    Sau khi đi khảo sát thực địa tại khu Soỏng, đoàn đã thảo luận tại nhà ông Hứa Văn Nhảng - chủ mô hình Bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng. Buổi thảo luận đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp quý báu, những kiến nghị bức thiết cũng như những mong muốn chính đáng của người dân về việc khôi phục lại rừng tự nhiên để có một môi trường sống và sinh hoạt sản xuất thuận lợi. Ông Lê Kiên Cường, bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, chủ tọa thể hiện sự vui mừng khi mới đầu chỉ có 4 hộ của dòng họ Hứa tham gia vào các họat động dự án của tổ chức CIRUM, nay thì có đến hơn 30 hộ cùng tham gia. Điều này cho thấy, sự thay đổi, biến chuyển từ nhận thức đến hành động của người dân về bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất, rừng.

    Buổi thảo luận đã được nghe anh Lâm Văn Chín, trưởng thôn Hố Mười, đại diện cho các hộ gia đình tham gia chương trình phục hồi rừng tự nhiên đầu nguồn trình bày thực trạng và những giải pháp phục hồi lại rừng tự nhiên đầu nguồn ở Hố Mười. Anh cho biết, từ năm 1990, các lâm trường bắt đầu đến Hố Mười trồng bạch đàn, đến nay đã đến chu kỳ thứ 4. Chính vì thế mà màu đỏ của rừng bạch đàn đã thay thế màu xanh của đất rừng tự nhiên vốn có nơi đây. Đất đai ở khu vực bị xuống cấp, nguồn nước ở Khe Cốc Lìn trước đây chảy quanh năm, nay thì khô hạn, một giọt cũng không có. Trước thực trạng đó, anh Chín mong muốn các loại cây lâm nghiệp địa phương như lim, lát, muồng, trám… cần được trồng lại thay thế cây bạch đàn. Cơ sở để thực hiện việc này, theo anh Chín là ở địa phương đã ươm được hàng vạn các loài cây lâm nghiệp bản địa, và trong thời gian tới số lượng sẽ nhiều hơn. Để kinh tế hơn trong việc trồng các loại cây bản địa lâu năm, anh Chín đưa ra ý tưởng rằng, có thể trồng xen canh “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng cây thuốc nam dưới tán các cây bản địa lâu năm.

    Băn khoăn về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bà Lê Thị Nguyệt chia sẻ thông tin với buổi tọa đàm rằng, trước đây lâm trường đã mở một con đường xuyên qua rừng bạch đàn để dễ khai thác. Tuy nhiên, những người dân đứng chủ diện tích đất rừng phía dưới con đường đã được cấp sổ đỏ, trong khi những người có đất phía trên con đường chưa được cấp, tức đất vẫn thuộc quyền quản lý của Lâm trường, người dân địa phương vẫn trồng bạch đàn theo chương trình của lâm trường và trả sản trên đất này. Người dân mong muốn có đất để làm rừng tự nhiên, để đỡ vất vả hơn trong việc ươm giống, gieo trồng, sinh hoạt…cũng như thực hiện cam kết  sử dụng cây con trong vườn ươm cộng đồng để trồng lên khu vực rừng để khôi phục thành rừng đầu nguồn.

    Buổi tọa đàm còn được nghe ý kiến của một số người dân như bà Lưu Thị Khín, ông Hứa Văn Thành, ông Lưu Văn Kháy. Đa số những ý kiến này đều tập trung nói lên hiện trạng đất rừng ở địa phương đang bị cây bạch đàn hóa và làm cho môi trường đất và nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân đều có chung một nguyện vọng là khôi phục lại rừng tự nhiên, trả lại cho môi trường đất và nước như trước kia.

    Ý kiến ông Đặng Hải Quân tại buổi tọa đàm được nhiều người chú ý. Ông cho rằng, rừng bạch đàn là nguyên nhân chính làm nguồn rừng tự nhiên giảm diện tích, gây nên tình trạng khô hạn và cằn cỗi đất đai cho địa phương như hiện nay. Tuy nhiên, phần nhiều diện tích đất đai của huyện đều do các Lâm trường quản lý. Vấn đề đất đai đang được phòng tài nguyên tham mưu cho huyện quy hoạch lại, giao cho dân quản lý một số vùng.

    Khẳng định quyết tâm của người dân địa phương khôi phục lại rừng tự nhiên như vốn có, ông Hứa Văn Tỉnh, bí thư chi bộ thôn Hố Mười khẳng định “Chúng ta cam kết thì quyết tâm cùng làm, khôi phục lại rừng tự nhiên là mang lại lợi ích lâu dài cho chính chúng ta”, ông Tỉnh nhấn mạnh.

    Được trực tiếp tham gia tọa đàm và lắng nghe ý kiến của người dân, ông Bùi Văn Thể, bí thư huyện ủy Hữu Lũng, thay mặt lãnh đạo huyện ủy cảm ơn tổ chức CIRUM đã quan tâm giúp đỡ nhân dân địa phương trong việc nâng cao ý thức và hành động trong bảo vệ tài nguyên môi trường. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và rừng nói riêng, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập do việc thực hiện ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn nên chưa phát huy nhiều hiệu quả.
    Đánh giá cao sự hỗ trợ của CIRUM, ông Thể ghi nhận, hoạt động của CIRUM không phải như chương trình 327, chương trình 661, hay các chương trình trước đây, mà ảnh hưởng của CIRUM chính là sự tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người dân. Mục đích của Trung tâm là hỗ trợ bà con đoàn kết cộng đồng, mỗi hành động của các thành viên đều nhằm mục đích bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ nguồn gen bản địa, chỉ có rừng tự nhiên mới bảo vệ được nguồn gen, nguồn nước…Về vấn đề diện tích đất đai mà người dân đang liên kết với lâm trường, ông cho biết dựa trên ý kiến đề xuất của bà con hôm nay, đề nghị thôn, xã, trung tâm CIRUM tư vấn và hỗ trợ bà con hoàn thiện các thủ tục theo đúng trình tự pháp luật và huyện sẽ xem xét và có hướng đề nghị giao lại cho bà con để phục hồi các cánh rừng tự nhiên trước đây.

    Kết thúc buổi tọa đàm, ông Lê Kiên Cường đề nghị thôn Hố Mười nhanh chóng hoàn tất thủ tục, xác minh thực tế về diện tích đất rừng của các hộ dân để mô hình khôi phục rừng tự nhiên đầu nguồn dựa vào liên kết các hộ gia đình nhanh chóng được triển khai. Ông cũng đề nghị bà con phải thực hiện đúng theo cam kết khôi phục rừng, thực hiện tốt mục tiêu cải tạo môi trường sinh thái, phát triển kinh tế bền vững dưới sự tư vấn, hỗ trợ của trung tâm CIRUM.

    CIRUM