Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Toạ đàm “Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng”: Lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân

  • Ngày 21/5/2010, dưới sự chủ trì của UBND huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, buổi toạ đàm “Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng” đã diễn ra theo đúng nguyên vọng của người dân. Điều đáng ghi nhận cho sự thành công của buổi tọa đàm chính là sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp chính quyền địa phương thể hiện sự đồng tâm, tìm kiếm giải pháp về quản lí bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân.        

    Sau bài phát biểu khai mạc của ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND huyện, chủ tọa buổi tọa đàm phát biểu, vấn đề bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên được đặt ra và trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. “Dưới tác động của con người, rừng đã trở nên cạn kiệt cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng phá rừng, trồng độc canh cây bạch đàn đang làm suy kiệt tài nguyên rừng, tài nguyên đất, nguồn nước và trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn sống của người dân”, ông Hồ Tiến Triệu trăn trở.


    Ngay sau phần phát biểu của Chủ tịch huyện, Anh Hứa Văn Tỉnh, dân tộc Nùng, đại diện cộng đồng nhân dân thôn Hố Mười, xã Minh Sơn đã chia sẻ thực trạng khu rừng đầu nguồn Tình Thoong (rộng khoảng 50ha), trước những năm 1990, là rừng tự nhiên, nguồn nước dồi dào với hai con suối, nước chảy quanh năm, đủ cung cấp nước cho trên 30 ha đất nông nghiệp, người dân cấy được hai vụ lúa. Thế nhưng bây giờ, chỉ sau 2 chu kì khai thác bạch đàn, nguồn nước cạn kiệt, thảm thực vật theo đó mất dần, khe suối trơ đáy, ruộng đồng chỉ còn cấy được một vụ,… tác động  trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

    Đặt vấn đề dưới góc nhìn của một thầy thuốc nam truyền thống, ông Vương Văn Cường, đại diện Hội Đông y và cộng đồng xã Hoà Thắng phát biểu: Cây bạch đàn làm cho đất khô cằn, nước cạn kiệt và không một loại cây thảo dược nào mọc được dưới tán bạch đàn. Trước đây, dưới những tán rừng tự nhiên, nguồn cây thuốc nam cho các ông lang bà mế sử dụng chữa bệnh cho người dân rất phong phú, dồi dào. Khi thảm thực vật bị tận diệt, bắt buộc các thầy thuốc phải đi lấy ở một nơi khác, rất xa, thậm chí phải mua lại của tư thương Trung quốc. Cây thuốc cạn kiệt, thầy lang bỏ nghề, nghề thuốc cũng vì thế mà dần mai một. Không biết đến thế hệ con cháu sau này, có biết gì đến nghề thuốc nam truyền thống ngàn đời của cha ông để lại?

    Giao quyền sử dụng đất rừng - nguyện vọng chính đáng của nguời dân

    Sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm là vấn đề giao đất, giao rừng, giao quyền sử dụng đất cho người dân và cộng đồng hướng đến sự phát triển bền vững của tài nguyên thiên nhiên và các lợi ích xã hội khác cho cộng đồng. Đây là chủ đề “nóng” nên nhận được rất nhiều ý kiến tham luận, phát biểu  của các đại biểu tham dự tọa đàm.

    Chia sẻ thông tin về mô hình khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn tại Hố Mười, ông Lê Kiên Cường, Bí thứ xã Minh Sơn cho biết: Tổng diện tích của Hố Mười hiện nay trên 400 ha. Trong 30 hộ dân thì có 27 hộ dân tộc Nùng và 3 hộ Tày, nghĩa là 100% là dân tộc thiểu số. Toàn bộ đất rừng trên xã Minh Sơn là của Trường cao đẳng nghề và Công ty lâm nghiệp Đông Bắc. Với sự hỗ trợ, tư vấn của CIRUM, lúc đầu, mới chỉ có 4 hộ tham gia dự án và tình nguyện khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng tự nhiên, nhưng đến nay đã có lên 30 hộ tham gia. 30 hộ này đã làm cam kết vì lợi ích cộng đồng. Điểm mấu chốt ở đây chính là việc họ mong muốn khôi phục lại rừng đầu nguồn, đảm bảo lợi ích kinh tế, môi trường, tính đa dạng sinh học, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo và nâng cao cuộc sống của cộng đồng.

    Để thực hiện được mô hình này, xã Minh Sơn đã mạnh dạn đề nghị CIRUM tạo điều kiện cho người dân và đại diện chính quyền đi trao đổi kinh nghiệm, học hỏi các mô hình quản lý rừng đầu nguồn dựa vào cộng đồng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), Bắc Lãng (Lạng Sơn). Rừng của họ đã lên và cây bản địa tái sinh tốt. “Mô hình khôi phục và phát triển rừng tự nhiên dựa vào kiến thức bản địa” được người dân ủng hộ và xã Minh Sơn kiên quyết thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì cộng đồng người dân cần phải có quyền trên đất đó.


    Đại diện cho ý kiến của già làng, ông Hoàng Tài, dân tộc Tày, Hoà Thắng kiến nghị: “Là người cao tuổi, đồng thời là thầy thuốc nam từ hơn 20 năm nay, chúng tôi rất trăn trở về việc bảo tồn và giữ gìn tài nguyên cây thuốc nam của địa phương. Nếu chúng ta không khôi phục rừng tự nhiên để khôi phục lại cây thuốc thì thật là đáng tiếc. Chính vì vậy, chúng tôi có ý tưởng xin một quỹ đất để nghiên cứu và khôi phục lại các giống cây thuốc nam địa phương vốn đã mất đi theo thời gian, sau đó nhân rộng mô hình để cây thuốc, nghề thuốc không bị mai một, và như thế thì địa phương luôn có sẵn nguồn dược liệu phục vụ cho sức khỏe của nhân dân. Chúng tôi rất trăn trở và đề nghị xã, huyện, tỉnh, lâm trường và các ban ngành chức năng tạo điều kiện cho chúng tôi có quỹ đất để thực hiện ý tưởng vì cộng đồng của mình.

    Chia sẻ các bài học kinh nghiệm về giao đất giao rừng, ông Vũ Đăng Hệ, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Bắc Lãng chia sẻ: Bắc Lãng thuộc vùng 3 có 65% dân số là người Dzao; 35% là dân tộc Tày. Việc thực hiện chủ trương dự án giao đất giao rừng ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Việc phân chia diện tích rừng bất hợp lí sẽ va chạm quyền lợi của người dân, chúng tôi phải thực sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt để ra Nghị quyết điều chỉnh bất hợp lý đất rừng và chỉ đạo giao đất giao rừng. Có bản họp đi họp lại 20 lần, lấy lãnh đạo làm nồng cốt. Căn cứ vào quỹ đất rừng của từng thôn và qui định của luật đất đai về hạn mức được giao cho mỗi hộ gia đình (không quá 30 ha/hộ), chúng tôi vận động các hộ gia đình trả lại diện tích thừa, ưu tiên đầu tiên cho anh em trong gia đình, sau đó đến họ hàng, người thân, hàng xóm và nếu vẫn còn thì phải trả lại cho thôn. Mục tiêu cao nhất là mọi người dân trong bản đều phải có đất. Đầu tiên, chúng tôi làm thử nghiệm 2 thôn, sau đó mới mở rộng ra toàn xã. Sau gần 1 năm,  261/264 hộ và 11 cộng đồng đã được giao quyền sử dụng rừng/đất rừng với tổng diện tích trên 6 000 ha. Rõ ràng đây là một chiến lược đúng, rất hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trước khi chưa giao thì năm nào cũng có 100% ý kiến của người dân đề nghị giao đất giao rừng. Sau khi giao xong và  hiện nay không còn ý kiến khiếu kiện đất rừng nữa.


    Sau giao đất giao rừng, Đảng uỷ và Hội Đồng Nhân dân đã ra Nghị quyết giao 30 ha rừng cộng đồng cho Hội Đông Y xã quản lý và bảo vệ nguồn gen bản địa, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, phát triển Đông Tây y kết hợp. Mỗi một năm tổ chức nấu cao khoảng 1 tạ, với giá 70.000 đồng/lạng với nhiều loài cây có giá trị tốt. Theo đó, Hội Đông Y và cộng đồng thảo luận qui chế bảo vệ rừng. Hiện nay, chúng tôi xây dựng bản điểm về quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Chúng tôi giao cho các già làng quản lý rừng thiêng, giao rừng cộng đồng cho Phụ nữ và thanh niên quản lý, chúng tôi có rừng thuốc nam do thầy thuốc quản lý và bảo vệ. Về cơ bản, hoạt động chặt trộm là không còn và việc bảo vệ, quản lý các khu rừng cộng đồng và các khu rừng gia đình được bảo vệ, tái sinh và phát triển tốt.


    Tại buổi Toạ đàm này, ông Đặng Văn Thuận, Phó Giám đốc công ty Lâm nghiệp Đông Bắc khẳng định sự ủng hộ thực hiện mô hình tại Hố Mười và Hoà Thắng, và Đông Bắc sẵn sàng làm các thủ tục để giao đất mà công ty đang quản lí, trả lại cho huyện để giao lại cho dân. Tuy vậy, Đông Bắc cũng cần phải tuân thủ các bước làm thủ tục đúng pháp luật nhà nước.
    Trong những năm vừa qua, không riêng gì Đông Bắc, toàn ngành lâm nghiệp, đã đánh giá trồng cây bạch đàn, trong giai đoạn lịch sử, phát huy được sức lao động, đưa lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhưng đến bây giờ cũng phải có giải pháp khác, tính toán khác. Bạch đàn chỉ là trước mắt. “Quan điểm của chúng tôi rất ủng hộ tính bền vững của đất đai, của tài nguyên thiên nhiên và sẵn sàng giao đất chúng tôi đang quản lý cho bà con trong thời gian ngắn nhất, thuận lợi nhất nhưng phải đúng thẩm quyền pháp luật” Ông Thuận chia sẻ.

    Trăn trở bảo tồn nguồn thuốc nam bản địa

    Hầu hết các đại biểu tham gia tọa đàm đều thống nhất rằng, thuốc nam có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng – chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe  cho cộng đồng. Cây thuốc nam vừa chữa bệnh cho con người, vừa chữa bệnh cho cây trồng và cũng vừa chữa bệnh cho gia súc. Nhiều căn bệnh nguy hiểm đều được cứu chữa bằng cây thuốc truyền thống. Ví dụ: rắn độc cắn mà không có cây thuốc thì sẽ bị chết ngay, trong khi, nếu biết cách, chỉ cần một bát nước là có thể trở lại bình thường, v.v…hoặc như nếu bị gãy xương thì dùng cây thuốc nam chỉ cần 10-15 ngày là khỏi…

    Sớm nhận thức được tầm quan trọng của cây thuốc nam truyền thống, bảo vệ cây thuốc nam là bảo vệ thảm đa dạng thực vật, bảo vệ nguồn gen bản địa, kiến thức bản địa. Đại diện cộng đồng xã Hòa Thắng đã có ý tưởng xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển cây thuốc nam dưới tán rừng của các cây lâm nghiệp bản địa như lim, lát, sấu, trám…”Chúng tôi mong muốn trồng các cây thuốc nam và cây lâm nghiệp bản địa để khôi phục lại như xưa. Để được như xưa thì khó nhưng vẫn phải quyết tâm”, ông Chiến, Phó Chủ tịch xã Hoà Thắng chia sẻ.

    Các cấp chính quyền ủng hộ vì lợi ích cộng đồng

    Tham dự tọa đàm, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn khẳng định: Bảo tồn các cây dược liệu dưới tán rừng là hoàn toàn phù hợp với chương trình phát triển của tỉnh Lạng Sơn đã được phê duyệt. Trong 18.000 ha đất lâm nghiệp của Hữu Lũng có 10.000 ha thuộc đất lâm nghiệp do lâm trường quản lý. Chúng ta quan tâm đến rừng sản xuất, tăng thu nhập từ rừng, nhưng không được quên tầm quan trọng của  rừng đầu nguồn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học và là nguồn sinh thuỷ cho cộng đồng!

    Với dự án của CIRUM, rừng giao cho Hội Đông y quản lý thực sự mang lại hiệu quả, mang tính chất cộng đồng rõ rệt. Với bài học ở Bắc Lãng, CIRUM đã góp phần thực hiện chủ trương phân chia lại đất cho người dân, người có nhiều đất đã chia lại cho người không có đất. Điều này không dễ gì mà các tổ chức khác làm được. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý tưởng khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn. Tuy vậy, CIRUM cũng cần phải có lộ trình về tổ chức, về kỹ thuật, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân để khôi phục lại được diện tích rừng tự nhiên.

    Đối với cây thuốc nam trồng dưới tán rừng, tôi cho rằng dự án rất có hiệu quả. Về quan điểm là Sở NN&PTNT hoàn toàn ủng hộ hai dự án này và có cùng tiếng nói với UBND huyện. Đối với Minh Sơn và Hoà Thắng, chính quyền nên vận động tất cả bà con tham gia đầy đủ để bảo vệ rừng. Chúng ta không phải triển khai cho hai thôn này, mà còn phải mở rộng ra nhiều nơi nữa để có sức lan toả trong toàn tỉnh.

    Khẳng định thêm sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Ông Bùi Văn Thể, Bí thư huyện ủy Hữu Lũng chia sẻ: Buổi toạ đàm hôm nay đã thức tỉnh cho chúng ta thấy được bảo vệ rừng như thế nào cho có hiệu quả. Là một lãnh đạo địa phương và căn cứ nguyện vọng của nhân dân địa phương, chúng tôi rất mong muốn được thực hiện mô hình và chúng tôi ủng hộ hết mình. Chúng ta cũng cần có nhận thức đầy đủ để cùng nhau tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ rừng có hiệu quả nhất.

    Chúng ta đã được xem mô hình tại Hương Sơn. Cây lim có điều kiện tự phát tán và tự phát triển. Như vậy với điều kiện rừng tự nhiên được khoanh nuôi và mọi người dân có ý thức bảo vệ thì tài nguyên rừng sẽ đựơc bảo vệ và sớm phục hồi. Về vấn đề quỹ đất của lâm trường thì trách nhiệm của chúng tôi sẽ bàn bạc với lâm trường và xin thêm ý kiến của Sở Nông nghiệp và Sở Tài nguyên để đáp ứng đựoc nguyện vọng, mong muốn chính đáng của người dân. “Về việc thực hiện mô hình, dù có khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải quyết tâm làm” ông Thể khẳng định thêm.

    Kết thúc buổi tọa đàm, sau các ý kiến thảo luận nhóm sôi nổi và việc thành lập các nhóm hành động cụ thể, chủ tịch UBND huyện đã kết luận những vấn đề quan trọng liên quan đến việc quản lí bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Theo đó, đại biểu các bên đã thống nhất về nhận thức và chủ trương triển khai mô hình khôi phục rừng tự nhiên thôn Hố mười và mô hình bảo tồn cây thuốc nam dưới tán rừng tại Hoà Thắng. Đây  là mô hình hết sức cần thiết đồng thời là chủ trương đúng đắn từ huyện đến tỉnh. Ngay sau cuộc Toạ đàm này, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ban ngành chức năng làm các thủ tục để giải quyết các vướng mắc về đất đai để có thể triển khai được dự án này. Lãnh đạo UBND huyện sẽ có trách nhiệm làm việc với công ty Đông Bắc, tiến hành làm thủ tục thu hồi, giao lại cho dân. Ở cấp huyện, thành lập nhóm hành động gồm thành phần lãnh đạo huyện, phòng tài nguyên, lãnh đạo xã làm nòng cốt chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nội dung. Ngoài ra, cần tổ chức xây dựng qui chế, hoạt động, bảo vệ, phân chia lợi ích,…với sự đồng thuận, đóng góp rất cao của cả cộng đồng. Các vấn đề khác như tính toán giao đất triển khai dự án, giải quyết tài sản trên đất…cần có sự thống nhất, bàn bạc thêm. Với những kết quả đạt được từ hai mô hình trên sẽ là cơ sở, nền tảng để nhân rộng mô hình, mang lại lợi ích nhiều hơn, lớn hơn cho cộng đồng xã hội và người dân.

    CIRUM