Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Tín ngưỡng thờ “Thùy tỳ” của người Tày, Bắc Lãng

  • Thùy tỳ (Thổ tỳ) là nơi đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Lãng, Đình Lập, Lạng Sơn dựng lên để thờ thần Thổ địa, vị thần được người dân tôn kính, chịu trách nhiệm trông coi mùa màng, thiên nhiên, dự định họa phúc và bảo vệ bình an cho cuộc sống người dân nơi đây.

    Thùy tỳ – “lãnh địa”tín ngưỡng và niềm tin của người dân
     
    Theo tín ngưỡng của người dân, Thùy tỳ là nơi thờ thần Thổ Địa, một vị Thần rất quan trọng, trông coi gia đình, dự định họa phúc cho cả thôn/ bản. Thùy tỳ che chở, bảo vệ cho cả thôn bản khỏi bệnh tật, khỏi sự xâm phạm, bắt tội, quấy rầy của những con ma khác; bảo vệ đàn gia súc, gia cầm khỏi thú giữ, dịch bệnh. Trong gia đình, muốn được bình an, ruộng vườn muốn được sung túc, cây cối muốn xanh tươi, tất cả đều do thần Thổ địa phù hộ. Thùy tỳ trở thành một biểu tượng tâm linh; bởi theo quan niệm của người dân, chỉ có thổ công, thổ địa mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cho cuộc sống người dân ngày càng sung túc, no ấm, an lành, thịnh vượng.
     
    Cũng giống như quan niệm của người Kinh ở đồng bằng, thần thổ địa, thổ công của người Tày là thần thủ hộ của làng xã, quản lý hết đất đai của mọi người, mọi nhà. Tục ngữ nói “Trang đầu trang vĩ Thổ địa công” (đầu xóm cuối xóm cũng là đất của Thổ Địa). Vì thế, người người đều phải thờ kính, nhà nhà đều phải thành tâm cúng tế.
     
    Theo quan điểm của người Tày xã Bắc Lãng, Đình Lập, Lạng Sơn mỗi thôn thường thờ một Thùy tỳ chung để bảo vệ sự bình an, mùa màng cho cả thôn bản. Ở một số thôn, do đặc thù địa hình miền núi, bị chia cắt với trung tâm thôn bởi con suối, con khe những hộ gia đình sống tại những vùng này lại lập nên một Thùy tỳ riêng để thờ Thần.
     
    Thùy tỳ được dựng rất đơn sơ, chỉ gồm bốn cột cao chừng 1m trên được lợp phên hoặc lá cây từ rừng và đặt dưới những cây cổ thụ, vững chắc trong một khóm rừng (gọi là rừng Thùy tỳ). Rừng Thùy tỳ, cây đặt thờ thần Thổ Địa do toàn dân lựa chọn và thống nhất (tránh không được qua giữa nhà kể cả trước hay sau của các hộ gia đình trong thôn). Thầy mo làm lễ xin phép, thông báo cho thần Thổ Địa được biết nếu Thần đồng ý mới được đặt. Khi Thùy tỳ bị động (có ai đó xâm phạm vào rừng Thùy tỳ), Thần sẻ bắt tội ngay người đó hoặc bắt tội con cháu, thậm chí  bắt tội cả thôn/bản vì đã không trong coi, bảo vệ tốt rừng Thùy tỳ. Gia đình, thôn/bản phải mời thầy về cúng xin Thần mới được.
     
    Chuyện kể về rừng “Thùy tỳ”
     
    Theo lời kể lại của các bô lão thôn Nà Pẻo, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn, từ thời xa xưa, khi núi rừng còn bạt ngàn, rừng đặt Thùy tỳ là nơi đẹp hơn cả, với nhiều loại cây gỗ to, gỗ quí. Năm đó, có một tên lâm tặc chuyên đi khai thác gỗ đã không kìm được lòng tham trước sự hùng vĩ, to lớn của cây Sau Cước mà thôn Nà Pẻo lựa chọn làm thờ Thùy tỳ.
     
    Sau bao ngày tháng nhòm ngó, thèm thuồng, hắn âm mưu mang cưa vào rừng, toan chặt cưa cây Sau cước về xẻ gỗ bán. Đầu tiên, hắn phát quang bụi rậm xung quanh. Thế nhưng, không hiểu sao, khi đưa lưỡi cưa vào gốc cây, mới đưa được mấy lượt, thì bị các dây leo xung quanh quấn lại, gây cản trở. Hắn lấy dao phát dây leo, để tiếp tục hạ cây nhưng chặt ngay vào đầu gối mình. Như linh cảm thấy điều chẳng lành, hắn chạy một mạch không ngoái đầu trở lại. Rừng Thùy tỳ vẫn xanh tươi như chưa hề có gì xảy ra.
     
    Lần khác, có một thầy mo mới trong làng, lợi dụng chức quyền và niềm tin  người dân, đã có ý định tư lợi, chuyển Thùy tỳ của thôn đang được đặt dưới gốc một cây Sau Cước cổ thụ sang cây khác nhỏ hơn, với ý đồ chặt cây Sau cước về xẻ gỗ làm việc gia đình. Mặc dù, cũng có những ý kiến phản đối nhưng thầy mo không quan tâm. Lợi dụng vị thế thầy mo của mình, ông đã cho chuyển đổi vị trí Thổ tỳ, đúng như trình tự: cũng làm lễ cúng, xin rồi chuyển đi.
     
    Nhưng rồi, mọi chuyện cũng bắt đầu từ đó. Một làng bản đang thịnh vượng, đầy ắp tiếng cười của trẻ con; một làng bản đang yên vui, thuận hòa, trên dưới yêu thương, đùm bọc lẫn nhau bỗng dưng, thay vào đó những cuộc cải vã, tranh chấp liên tiếp xảy ra. Vụ chiêm, vụ mùa theo nhau mất trắng do sâu bệnh phá hoại, trâu bò chết chóc, gà, vịt thì dịch bệnh. Tiếng cười của trẻ thơ, sự yên bình của làng quê bị phá tan bởi sự toan tính, đố kỵ lẫn nhau…
     
    Như một điềm báo, các già làng đã họp nhau lại. Sau bao nhiêu ý kiến, tranh luận, tìm tòi, cuối cùng, cả làng cũng tìm ra được nguyên nhân. Tất cả mọi người đã buộc thầy mo phải chuyển Thùy tỳ của cả bản làng trả về đúng vị trí cũ.. Nhờ thế, chẳng bao lâu sau, tiếng cười lại trở về với thôn bản. Mùa màng lại tươi tốt, trù phú, cuộc sống người dân lại no ấm, yên vui trở lại.
     
    Tín ngưỡng thờ Thùy tỳ của đồng bào người dân tộc Tày là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của người dân Bắc Lãng. Những câu chuyện vẫn được lưu truyền qua các thế hệ gắn liền với sự hình thành và phát triển của bản làng. Nơi đó, có những khu rừng Thùy tỳ luôn xanh tươi ngút ngàn, hoa nở bốn mùa trong một khung cảnh yên bình, hài hòa và đầy ắp tiếng cười đùa của trẻ thơ. Nơi  đó, Thiên nhiên - Con người như hòa quyện vào nhau trong một niềm tin mãnh liệt: Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu con người biết bảo vệ, gìn giữ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.

    CIRUM