Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Thao thức đất rừng

  • “… Người ta bảo, giao đất giao rừng cho dân để người nuôi rừng và sản phẩm của rừng lại nuôi người. Vậy mà, trải qua gần hết nửa đời người gắn bó máu thịt với rừng, chúng tôi đang phải sống trong những khắc khoải của nghịch lí: Sống cạnh rừng mà không có đất, cũng chẳng có rừng!”, dõi ánh nhìn xa xăm về phía đồi cây bạch đàn xanh mướt trước mắt, già làng, xóm Hố Rỗng, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn trăn trở. Trong lòng bàn tay chai sạn của người đàn ông, già nửa đời người cuốc đất trồng rừng, nắm đất mịn trộn lẫn lá khô ấm lên tự bao giờ….

    Đất rừng khai hoang bị…bức tử! Trầm ngâm hồi lâu ngay trên chính mảnh đất gia đình khai hoang trước đây, giờ đã thuộc quyền sở hữu của lâm trường, già làng người dân tộc Tày, xóm Hố Rỗng bức xúc: “Theo chính sách đổi mới như bây giờ, là giao đất giao rừng cho người dân tộc thiểu số thì dân ở đây chỉ được nghe chứ không được thấy. Người ta bảo, giao đất, giao rừng cho dân, để người nuôi rừng và sản phẩm của rừng lại nuôi người, cái quyền, cái lợi đó chúng tôi không được nhận. Ngược lại, bao nhiêu đất rừng người dân khai hoang trước đây, giờ thuộc quyền sở hữu của lâm trường hết!”.Theo lời Già làng, từ những năm 1970, khi những hộ người Tày đầu tiên từ Lâm Sơn, Chi Lăng, Lạng Sơn về khai hoang xóm Hố Rỗng thì ở đây, đất mênh mang, rừng tự nhiên bạt ngàn. Đi theo lời kêu gọi của Già, mười mấy hộ dân trong xóm Hố Rỗng bây giờ đã khai phá đất rừng hoang, phát bãi trồng sắn, trồng ngô, trồng lúa, lập làng cạnh rừng và sống nhờ các sản phẩm phụ từ rừng.Thế nhưng, từ năm 1974, khi Trường nghề Lâm nghiệp về đóng tại Minh Sơn, Hữu Lũng thì xóm Hỗ Rỗng nằm trong “khu vực quản lý” của Trường. Trong một khoảng thời gian dài, cho đến trước năm 1996, người dân địa phương vẫn được canh tác trên đất nương, bãi họ khai phá trước đây, chủ yếu là trồng Vải, trồng Sắn và một vài loại cây lâm nghiệp khác. Chỉ khi có “phong trào” trồng rừng sản xuất, chuyển đổi cây trồng, mà chủ yếu là trồng cây bạch đàn, khi đó người dân trong xóm Hố Rỗng mới “ngã ngửa” ra rằng: “Đương nhiên đất đai chúng tôi canh tác lâu nay lại thành đất của nhà trường từ bao giờ!”.

    Tương tự như câu chuyện của già làng xóm Hỗ Rỗng, các già làng thôn Hố Mười, xã Minh Sơn và thôn Voi Xô, xã Hoà Thắng cũng cùng một trăn trở, khi bà con dân bản là người miền núi lại không có đất, không có rừng.

     Theo số liệu của Phòng TN&M Hữu Lũng (2007), tại hai xã Minh Sơn và xã Hoà Thắng, tỷ lệ đất lâm nghiệp giao cho các hộ gia đình cá nhân rất thấp, chỉ chiếm từ 6 - 12% (Minh Sơn: 203,82 ha; Hoà Thắng: 179,8 ha), tính ra bình quân mỗi hộ gia đình có từ 0,11-0,12 ha rừng được giao để canh tác.
    Qua tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ đất lâm nghiệp trong khu vực thôn Hố Mười thuộc quản lý của Lâm trường Hữu Lũng II (thành lập năm 1993), còn trọn vẹn đất lâm nghiệp cả xã Hoà Thắng thuộc quản lý lâm trường Hữu Lũng III (thành lập năm 2000). Cho đến nay, tại hai xã này hầu như đã không còn rừng tự nhiên mà thay vào đó là rừng, đồi bạch đàn được lâm trường trồng hoặc “liên doanh” với người dân để trồng. “Lâm trường có đất có rừng, chúng tôi muốn trồng cây thì phải liên doanh với lâm trường, nộp sản phẩm cho lâm trường, coi như chúng tôi đang đi làm thuê ngay trên chính mảnh đất mình khai phá vậy”- già làng thôn Hố Mười trăn trở.

    Đất rừng kêu cứu, nước mắt cạn khô…

    Cho đến nay, không ai phủ nhận được hiệu quả kinh tế của chủ trương chuyển đổi cây trồng và xu hướng trồng độc canh cây bạch đàn trên đất Hữu Lũng. Với những lợi ích thiết thực mang lại cho người dân như chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, cây dễ trồng, dễ sống, ít công chăm sóc, có khả năng cho thu hoạch nhiều chu kỳ không phải trồng lại, dễ bán (có tư thương vào mua tận nơi)..Theo tính toán, cứ một ha trồng bạch đàn đầu tư khoảng 2-3 triệu, sau khoảng 5 năm có thể thu về từ 45- 60 triệu đồng.

    Chính vì thế, cây Bạch đàn được trồng thành phong trào trên đất Hữu Lũng. Chủ trương này có cơ sở từ qui hoạch phát triển lâm nghiệp vùng nguyên liệu gỗ trụ mỏ Đông Bắc theo quyết định số 149/1998/QĐ-TTg, do nơi đây tiện đường giao thông vận chuyển gỗ thành phẩm đi Trung Quốc và đi Quảng Ninh, lại được ba lâm trường đóng trên địa bàn đẩy lên thành vùng hàng hoá tập trung.

    Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế ngắn hạn thì những tác hại từ vùng độc canh cây bạch đàn ngày càng rõ như như rễ bạch đàn hút làm cạn kiệt nguồn nước, đất nơi trồng bạch đàn bị khô và thảm thực vật không có, tăng xói mòn, sau khi thu hoạch bạch đàn thì không thể trồng được cây gì khác…

    “Nếu ví mạch nguồn nước ngầm là nước mắt của rừng thì rừng Hữu Lũng đang thực sự kêu cứu bởi thảm thực vật đang bị biến dạng, đất bạc màu nhanh, mạch nước ngầm đang dần cạn kiệt” Già làng thôn Voi Xô, xã Hòa Thắng trăn trở.

    “Cơ quan lâm nghiệp phát, cuốc hết đi để trồng cây, và cứ như thế thì đất xói mòn hết. Đáng ra để bảo vệ rừng, giữ những cây mọc tự nhiên, còn tự mình trồng thêm những cây Trám, cây Dẻ, cây Kháo, cây Ba kích. Còn bây giờ, rừng chỉ toàn có cây Bạch đàn, cây Keo…” “Rừng thì kêu cứu vì xói mòn, bạc màu mà chưa có biện pháp kịp thời, còn chúng tôi và con cháu mai sau sẽ sống ra sao khi ở cạnh rừng mà không có đất, cũng chẳng có rừng?”. Một người dân xóm Hỗ Rống, xã Minh Sơn không giấu được bức xúc, trao đổi với chúng tôi.
     
    Những hệ lụy từ hai bàn tay trắng…

    Dư luận chắc hẳn chưa quên sự kiện mới xảy ra hồi tháng 4/2009 giữa Lâm trường Hữu Lũng I với những người dân xung quanh. Nguyên nhân chính là do người dân không có đất trồng rừng, đã tổ chức xâm canh đất của Nông-Lâm trường để canh tác. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, ít nhất đã có 370 ha đất được gọi là của Lâm trường HLI bị người dân “lấn chiếm”. Tình trạng người dân “lấn chiếm” đất kéo dài nhiều năm và không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Hữu Lũng mà còn xảy ra tại các công ty lâm nghiệp ở các huyện Đình Lập và Lộc Bình. Hậu quả là người dân chặt trộm cây, đốt rừng, gây thiệt hại lớn cho các đơn vị và kể cả các hộ gia đình lấn chiếm khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lí. Thực tế này, một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc quản lí tài nguyên đất/rừng tại các lâm trường cũng như đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp đối với người dân vùng phụ cận rừng.

    Thực tế, đã và đang có nhiều các chương trình hỗ trợ trồng rừng như Chương trình 327, Chương trình 661, trồng cây phân tán… được triển khai về Hữu Lũng nhưng rất ít người dân địa phương được hưởng lợi từ các chương trình này vì các chương trình này chỉ hỗ trợ người dân có quyền sử dụng đất, trong khi hầu hết diện tích đất lâm nghiệp được quản lý bởi lâm trường và các đơn vị Lâm nghiệp.

    Thiếu đất canh tác, mất rừng tự nhiên, ảnh hưởng tới không chỉ sinh kế của người dân nơi đây mà cả những tập quán văn hoá truyền thống cũng dần bị mai một. Cái đói, nghèo thường song hành với bệnh tật, và chất lượng cuộc sống. “Trước đây, đình làng này thiêng lắm. Người đi qua không được nói to, có mũ nón phải ngả mũ. Mỗi năm cúng 4 lần tại Đình để cầu mùa màng, cầu yên ổn và là nơi gặp nhau trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Từ ngày những cây gỗ trên đất Đình bị chặt đi thì Đình làng bớt thiêng, cuộc sống người dân cũng chật vật hơn… “- Già làng thôn Hố Mười tâm sự.

    “Con cháu chúng tôi mai sau sẽ sống ra sao khi không có đất, không có rừng?”- đấy vẫn là câu hỏi cần nhiều lời giải đáp từ phía các cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan, trăn trở về cuộc sống của những người dân vùng sâu, vùng xa khắp mọi miền tổ quốc.
     
    CIRUM