Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Phục hồi rừng đầu nguồn thôn Hố Mười: Sự đồng lòng, quyết tâm mang lại sức mạnh

  • Ngày 13 tháng 1 năm 2010, tại thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn, Trung tâm Cirum kết hợp với UBND xã Minh Sơn tổ chức thành công buổi toạ đàm về xây dựng mô hình phục hồi và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng. Với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, sự ủng hộ của chính quyền các cấp, buổi tọa đàm đã đạt được những thành công nhất định trong việc tìm kiếm và xây dựng các phương án phục hồi – phát triển rừng đầu nguồn thôn Hố Mười, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, phục vụ cho cuộc sống của người dân.

    Người dân đồng lòng
     
    Tham dự buổi toạ đàm có đại diện của UBND huyện, UBND xã và đại diện các hộ gia đình tham gia trong các mô hình tại Hố Mười. Nhiều chủ đề hay, nhiều mô hình bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng hiệu quả đã được các chủ hộ gia đình, người dân sôi nổi bàn thảo, chia sẻ như: “Vườn ươm bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cây bản địa” , “Mô hình phục hồi rừng tự nhiên Tình Thoong dựa vào liên kết hộ gia đình”, “Mô hình canh tác đa dạng sinh học kết hợp chăn nuôi gà truyền thống dưới tán rừng” , “Nuôi và bảo tồn tắc kè hoa” và “Mô hình bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng”. Nhờ thế, buổi tọa đàm đã có được rất nhiều ý kiến hay, đóng góp hiệu quả cho các hộ gia đình, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đóng góp vào sứ mệnh giảm nghèo, giảm thiểu biến đổi khí hậu ở địa phương.
     
    Trong buổi toạ đàm các đại biểu đã thảo luận về ảnh hưởng của việc trồng rừng cây bạch đàn và vai trò, tác dụng của rừng tự nhiên, đồng thời đóng góp ý kiến cho việc xây dựng các mô hình bảo tồn tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng.
     
    Chia sẻ về ý tưởng khôi phục khu vực Tình Thoong thành khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, ông Lâm Văn Chín, trưởng thôn, trao đổi về hiện trạng, ý tưởng và cách thức hồi phục rừng tự nhiên, khu vực Tình Thoong nhằm bảo tồn nguồn cây bản địa và cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. ông Nông Thảo Nguyên hồi tưởng, trước đây, Tình Thoong là khu rừng tự nhiên với nhiều cây lâm nghiệp giá trị như: lim, muồng cánh dán, lát hoa, cùng nhiều loại động vật quý như: hươu, nai, lợn rừng… Nước ở các con khe, suối chảy quanh năm, phục vụ tưới tiêu cho bà con sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, từ khi rừng tự nhiên bị khai thác trắng và thay vào đó là những cánh rừng bạch đàn, cây lâm nghiệp bản địa quý hiếm đã vắng bóng theo, động vật bị tận diệt, đất đai cằn cỗi, nguồn nước bị cạn kiệt…
     
     Với sự tư vấn và hỗ trợ từ phía CIRUM, gia đình ông Nguyên đã tiến hành xây dựng mô hình canh tác đa dạng sinh học kết hợp chăn nuôi gà truyền thống dưới tán rừng. Cùng thực hiện mô hình canh tác đa dạng sinh học và kết hợp chăn nuôi gà truyền thống dưới tán rừng, bà Lưu Thị Nháu, bổ sung: “Khu vực Tình Thoong có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi, nó tách biệt với các vùng khác nên ít bị dịch bệnh, gần rừng nên nguồn thức ăn dồi dào: giun, mối, kiến”….
     
    Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình của gia đình, bà Lê Thị Nguyệt chủ mô hình Bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên dựa vào cộng đồng, hồ hởi: Gia đình chúng tôi là một trong rất ít các gia đình trong thôn còn giữ lại được rừng tự nhiên (ngoài ra có ông Hứa Văn Nhủng, ông Hứa Tiến Hữu…). Hiện, trong rừng gia đình tôi còn có nhiều loại cây lâm nghiệp bản địa có giá trị: lim, lát hoa, muồng cánh gián, kháo, tre vầu, thuốc nam… Rừng tự nhiên mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích, lấy gỗ làm nhà, chuồng trại, thuốc nam chữa bệnh, bán tre dóc…mang lại thu nhập cho gia đình. Chính vì thế, trong tương lai, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung, trồng xen cây lâm nghiệp bản địa…lên những diện tích đang trồng bạch đàn hiện nay.
     
     Cùng tham gia tọa đàm, ông Hứa Văn Nhảng đã mang đến cho người nghe những thông tin thú vị về ý tưởng và quy trình làm mô hình nuôi bảo tồn tắc kè. Mô hình này được gia thực hiện bằng cách đào đất xung quanh gốc cây vối, tạo thành một ốc đảo, xây đá xung quanh thành bờ để không bị sạt lở, phía trong lấy tre trong rừng về đan để giữ đất, tạo thành một hệ thống bờ vững chắc, vừa xây tổ, vừa giúp tắc kè chống lại các loại kẻ thù. Dự định ban đầu, gia đình sẽ nuôi 8 đôi, sau này phát triển sẽ đưa lên rừng tự nhiên vì trên rừng gia đình có nhiều cây to thích hợp cho tắc kè ở, đồng thời cung cấp giống cho cộng đồng….
     
    Sau khi nghe các gia đình trình bày các mô hình phát triển hiệu quả, các hộ gia đình tham gia tọa đàm đã cùng nhau cam kết tham gia xây dựng mô hình, thống nhất làm vườn ươm để khôi phục lại các giống cây lâm nghiệp bản địa đang có nguy cơ mất đi và phục hồi lại rừng tự nhiên Hố Mười trong quá khứ.
     
    Sự ủng hộ của chính quyền địa phương
     
     Rõ ràng, chủ trương đúng đã được nhiều người dân địa phương cũng như chính quyền các cấp ủng hộ nhiệt tình. Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Điệp- phó phòng nông nghiệp huyện Hữu Lũng chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của các mô hình phục hồi rừng tự nhiên. ông Điệp khẳng định: Từ chủ trương chung, Huyện rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các chương trình, dự án tư vấn hỗ trợ người dân địa phương phục hồi, phát triển và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, những mô hình canh tác đa dạng sinh học, phục hồi rừng đầu nguồn…. như những ý tưởng nêu ra của cuộc toạ đàm này. ông mong muốn rằng những mô hình đang xây dựng ở Hố Mười sẽ trở thành những mô hình điểm làm cơ sở nhân rộng ra các xã khác trong huyện.
     
    ông Lê Kiên Cường, bí thư Đảng ủy xã phát biểu: “Thay mặt cho Đảng uỷ, UBND xã Minh Sơn, tôi hứa với bà con, hứa với trung tâm CIRUM phía chính quyền sẽ tích cực quan tâm đến các mô hình này. Tôi rất phấn khởi, đồng tình về việc xây dựng các mô hình và khôi phục khu vực Tình Thoong thành khu vực rừng đầu nguồn và vui mừng trước sự tình nguyện tham gia của cộng đồng. Ban đầu có ít người tham gia, nhưng hôm nay thấy rất đông người tham gia, thể hiện tính tự giác của người dân. Về phía bà con cũng phải cam kếtvới nhau quyết tâm, đồng lòng xây dựng mô hình, nói là làm. Còn về việc một số hộ đang sử dụng đất trên khu vực Tình Thoong , xuất phát từ đề xuất và nhu cầu của cộng đồng, chúng tôi sẽ xem xét và có ý kiến đề xuất lên cấp cao hơn. Về phía xã, chúng tôi ủng hộ việc bà con liên kết phục hồi khu vực rừng đầu nguồn này”.
     
    Khẳng định quyết tâm đồng hành cùng người dân, hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, các cán bộ nghiên cứu đến từ trung tâm CIRUM đã chia sẻ về chiến lược phát triển dài hạn đã, đang và sẽ được thực hiện bởi người dân địa phương. Thay mặt trung tâm CIRUM, bà Trần Thị Hoà - Giám đốc Trung tâm đã khẳng định sự tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật và một phần tài chính để xây dựng vườn ươm bảo tồn và phát triển các cây lâm nghiệp bản địa của cộng đồng, khôi phục và phát triển rừng tự nhiên, khôi phục hệ sinh thái rừng đa dạng, đóng góp vào sứ mệnh giảm nghèo, giảm thiểu biến đổi khí hậu và xây dựng các mô hình phát triển bền vững tại Hố Mười.

    CIRUM
     
    Một số hình ảnh về buổi Tọa đàm

    Các đại biểu tham gia tọa đàm tại đỉnh Tình Thoong (ảnh: CIRUM)
     
    Vợ chồng ông Nông Thảo Nguyên trình bày quy hoạch mô hình canh tác đa dạng sinh học kết hợp nuôi gà dưới tán rừng (ảnh: CIRUM)

     
    Ông Lâm Văn Chín- trưởng thôn Hố Mười đang trình bày ý tưởng mô hình  phục hồi rừng tự nhiên đầu nguồn Tình Thoong (ảnh: CIRUM)

     
    Thảo luận xây dựng mô hình tại Tình Thoong (ảnh: CIRUM)