Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Ông chủ rừng ba lần mồ côi

  • Toản kể: “Hồi đầu, nghe cán bộ CIRUM nói làm “vườn hộ”, tôi chẳng hiểu gì, tưởng là làm “vườn hố” nên phát hoảng: Sức người đâu ra mà đào được cả hécta đất rừng dốc dựng đứng kia thành cái hố được đây! Về sau hiểu rồi, có thực tế rồi thì cứ tự nhủ: giữ rừng, giữ đất sao đơn giản vậy mà hàng thế hệ người Dao không biết?”.

    TP - Tự mình lầm lũi lập nghiệp từ năm 23 tuổi, giờ đây Toản đang bước đi những bước đầu tiên nhưng đầy vững chãi của một thanh niên người Dao, khi anh làm chủ khu rừng rộng lớn.
    Mã Văn Toản sinh năm 1982, mới tròn 26 tuổi nhưng đúng như anh nói về mình “cuộc đời tôi giống như một câu nói của người Dao qua nước nóng nước nguội hết rồi”.

    26 tuổi, ba lần mồ côi

    Toản là con út trong một gia đình người Dao có 4 anh chị em ở thôn Khe Lịm, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn.

    Chào đời được 33 ngày thì mẹ đẻ mất. Bà Hương, một người đàn bà Dao không chồng, không con ở xã kế bên thương tình thằng bé đỏ hỏn không có hơi mẹ nên tình nguyện về làm bạn với bố Toản. Bà thương Toản như con dứt ruột đẻ ra nên khi đã lớn được nghe kể bà không phải là mẹ đẻ của mình, Toản vẫn chẳng thấy có sự khác biệt nào cả. Tuổi thơ nghèo khổ nhưng êm đềm trôi qua chưa được bao lâu thì cuộc đời Toản tiếp tục trải nghiệm những mất mát lớn. Năm Toản 18 tuổi thì mẹ Hương mất. Hơn 4 năm sau, năm 2005, bố Toản cũng khuất núi. Lúc đó, Toản vừa học xong lớp 9, trường dân tộc nội trú huyện Đình Lập. Đành lặng lẽ gác lại giấc mơ được về tỉnh học tiếp THPT, Toản trở về với căn nhà ba gian trống trải nằm chơi vơi lưng chừng núi bên kia dòng khe Lịm.

    23 tuổi, ba lần mồ côi (hai lần mất mẹ, một lần mất bố), đã có những lúc Toản thấy trống trải, hụt hẫng khi không biết sẽ bước tiếp cuộc đời mình như thế nào. Cuộc hôn nhân đầu tiên nhanh chóng tan vỡ chỉ sau vài tháng kết hôn càng làm cho anh chán nản. Toản tính bán hết đất và rừng của bố để lại để đi Nam. Nhưng rồi tiếc.

    Nhìn những khu rừng tái sinh lẫn rừng trồng mà cha mình mất công gây dựng, gìn giữ từ 10 năm qua nên anh không nỡ bỏ đi. Lại nhớ đau đáu những ngày còn học ở trường dân tộc nội trú huyện, chiều thứ Bảy lóc cóc đạp xe về đến bên kia bờ suối là vứt xe vào bụi rậm, lội suối vào rừng đào hố trồng thông với bố.

    Toản thủng thẳng: “Ngay từ khi còn đi học, tôi chẳng có ước vọng gì cao sang. Kể cả có học được hết lớp 12, tôi cũng nghĩ là mình sẽ trở về bản Lịm để trồng cây, làm rừng. Vì thế, có vào Nam thì tôi cũng chỉ làm rừng, trồng cây. Bố tôi để lại 17 ha rừng, chỉ sợ không có sức mà làm. Chi bằng ở nhà là hơn cả!”.

    Xác định được hướng đi của cuộc đời mình, Toản lao vào làm. Một mình hai con trâu, 3 con lợn, 9 sào ruộng, Toản quay như chong chóng. Sáng đuổi trâu vào rừng, trên đường trở về tranh thủ chặt dóc (một loại cây tre) và củi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Trưa nổi lửa nấu cám lợn. Trong lúc chờ nồi cám sôi thì ra vườn cắt khoai lang.

    Chiều lại vào rừng tỉa cây, đào hố. Vào ngày mùa Toản dậy từ 4 giờ sáng. Một mình cày hết 9 sào ruộng. Lúc cấy hái thì gọi người đến làm ào ạt mấy buổi cho xong, sau đó trả công dần. Một cô gái trẻ bản bên đem lòng yêu thương Toản. Họ nên vợ chồng. Đầu năm 2007, bé Mã Quốc Đỉnh ra đời.

    Cả nhà cùng làm rừng

    Chúng tôi đến nhà Toản, khi đó Thêm, vợ Toản đã đi rừng. Cu Đỉnh vừa ngủ dậy, đang được bố Toản cho ăn mì tôm. Toản phân trần: “Có con nhỏ nên vất lắm. Hàng ngày, vợ chồng tôi phải thay nhau giữ con, người này đi rừng thì người kia làm việc nhà. Có đợt bấn việc quá, bố mẹ tha con vào rừng đặt con ngồi trên đất chơi. Đất dốc nên vừa làm vừa canh chừng kẻo con lăn mất”.

    Vuốt má con, Toản nựng: “Cu Đỉnh lăn lóc với rừng từ bé thế này chắc lớn lên làm rừng giỏi lắm đây”. Địu cu Đỉnh sau lưng, Toản dẫn chúng tôi đi thăm vườn rừng sinh thái của vợ chồng anh, vừa đi vừa kể chuyện Bắc Lãng, chuyện những ngày đầu làm rừng sinh thái.

    Bắc Lãng là một xã nghèo của một huyện nghèo nhất tỉnh Lạng Sơn - huyện Đình Lập. 70% dân cư Bắc Lãng là người Dao. Người Dao vốn dĩ có truyền thống canh tác du canh du cư nên đến thế hệ Toản, rừng Bắc Lãng đã bị tàn phá phần lớn.

    Do nguồn lợi từ rừng ngày càng cạn kiệt, cuộc sống của người Dao Bắc Lãng ngày càng khốn khó. Có những đợt, sau một đêm, cả một bản hàng chục hộ người Dao không còn một bóng người. Họ đã kéo nhau bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới.

    Sự không biết quý tài nguyên đất rừng đã đẩy nhiều gia đình người Dao vào nghèo đói và những bi kịch. Ngay ở khe Lịm mới cách đây mấy năm, có gia đình khi người thân qua đời không có đất chôn (về sau có người thương tình nhượng cho một chỗ chôn với giá rẻ).

    Từ khi được giao đất giao rừng, người dân Bắc Lãng bắt đầu có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ dân chưa biết cách bảo tồn giá trị bền vững của rừng, vô tình chạy theo những mối lợi trước mắt, đe dọa tính đa dạng sinh thái của rừng.

    Nhà nhà đua nhau trồng keo. Toản cũng trồng keo nhưng không khỏi nghi ngại, vì lo khoảng 7 đến 10 năm nữa, keo được đốn hàng loạt thì đồi, núi lại trọc.

    Khi Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hoá cộng đồng Đông Nam á (CIRUM) xây dựng mô hình vườn rừng đa dạng sinh học ở Bắc Lãng, vợ chồng Toản là một trong hai hộ dân đầu tiên được cộng đồng và chính quyền xã tiến cử làm thí điểm. Một phần vì hai vợ chồng Toản có ý chí làm rừng, một phần vì gia đình Toản là một trong những hộ trẻ có triển vọng.

    Toản kể: “Hồi đầu, nghe cán bộ CIRUM nói làm “vườn hộ”, tôi chẳng hiểu gì, tưởng là làm “vườn hố” nên phát hoảng: Sức người đâu ra mà đào được cả héc ta đất rừng dốc dựng đứng kia thành cái hố được đây! Về sau hiểu rồi, có thực tế rồi thì cứ tự nhủ: giữ rừng, giữ đất sao đơn giản vậy mà hàng thế hệ người Dao không biết?”. 

    Mong người Dao biết làm rừng sinh thái

    Bước đầu, vợ chồng Toản được hướng dẫn để nắm một số nguyên tắc khi xây dựng mô hình vườn rừng đa dạng sinh thái: cách bố trí nhà cửa, chuồng trại, trồng đa dạng các loài cây, trồng cây theo mương đồng mức. Sau đó Toản bắt đầu học cách ươm cây, đào hố trồng cây, học kỹ thuật canh tác cây trên đất dốc.v.v…

    Toản chỉ vào những cây dứa tươi mơn mởn dưới chân dãy cây cốt khí mọc xanh um dọc mương đồng mức nói: “Đào mương đồng mức xong thì tôi trồng dứa. Nhưng nắng quá dứa khô héo hết. Tôi gieo hạt cốt khí xuống, vừa để làm giàu dinh dưỡng cho đất (cây cốt khí họ đậu), vừa che mát cho dứa. Cây cốt khí mọc cao đến đâu dứa tươi đến đấy. Cũng nhờ có mương đồng mức, mưa xuống đất giữ được nước nên cây xanh tốt, đất lại không bị sạt lở trôi hết chất dinh dưỡng”.

    Đặc biệt, chỉ mới làm mô hình vườn rừng sinh thái hơn một năm nay nhưng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và 9 sào ruộng lúa nước bậc thang trước cửa nhà Toàn dồi dào hẳn lên. Trong 1,1 ha vườn rừng của Toản giờ đây đã xuất hiện khá nhiều loại cây: lim, dẻ, trám, lát, sưa, quế…

    Với 15 héc ta đất rừng còn lại của gia đình mình, vợ chồng Toản dự kiến sẽ giữ nguyên diện tích keo, thông như hiện tại (mỗi loại khoảng 2 héc ta). Phần còn lại, Toản sẽ đi khảo sát để có kế hoạch vừa duy trì rừng tái sinh với các giống cây bản địa, vừa tỉa bớt cây để trồng thêm xoan, sa mộc.

    Tuy nhiên, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Bắc Lãng, vẻ mặt Toản thoáng chút ưu tư khi nói về tương lai mô hình vườn rừng sinh thái của người Dao trên quê hương mình.

    Toản tâm sự: “Từ thực tế của gia đình tôi thấy rất rõ, rừng đa dạng sinh thái không chỉ có lợi cho môi trường sống của con người và vật nuôi mà còn giúp kinh tế hộ gia đình phát triển về lâu về dài. Nhưng dân thì chưa thấy vậy. Làm thì rất mất công sức và đòi hỏi phải đầu tư tiền bạc mà quay vòng vốn lại chậm. Trong khi dân thì đa số thích cái lợi trước mắt. Họ thích đi làm thuê để có ngay mỗi ngày 60.000 – 70.000 đồng hơn là hì hục đào băng đồng mức rồi lúi húi nay tỉa cây này, mai ươm trồng cây khác”.

    Dọc đường đến các bản của Bắc Lãng, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều nương lúa nằm lọt trên các khoảng rừng lớn đã bị đốt. Trớ trêu hơn, khoảng rừng ngay trước mặt trụ sở UBND xã Bắc Lãng cũng bị đốt trọc lốc, lúa nương mọc lún phún. Nhưng Toản vẫn không nản lòng.

    Anh cho biết, bên khe Váp (một bản thuộc xã Bắc Lãng nhưng là địa bàn sinh sống của người Tày), mô hình vườn rừng sinh thái của gia đình anh Hà Văn Châu cũng rất thành công. Thậm chí, một số hộ người Tày khác cũng đã có kế hoạch đào mương đồng mức – bước đầu để xây dựng vườn rừng sinh thái trên nền đất dốc.

    Toản nói: “Người Tày học cái tiến bộ hơn người Dao. Nhưng trong một xã, nếu ngày càng có nhiều người Tày làm mô hình vườn rừng sinh thái thì nhiều người Dao khác cũng sẽ dần hiểu ra lợi ích của mô hình này thôi”.

    CIRUM