Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Người mở cửa rừng cứu đói cho dân

  • Một buổi chiều giáp Tết Kỷ Sửu, dọc con đường men theo bờ suối đoạn đi từ Bắc Lãng đến Tiên Yên (Quảng Ninh), từng nhóm, từng nhóm thanh niên mải miết vác tre, róc từ trong rừng ra. Họ xếp thành từng đống ở ven đường rồi bốc lên những chiếc ôtô đã chờ sẵn. Ai nấy đều tỏ ra rất hồ hởi, họ làm việc hăng say đến kỳ lạ.

    Lấy của “nhà giàu ”

    Họ là bà con trong bản người Dao ở gần đấy. Họ đang thoải mái chặt tre, róc từ rừng của ông Thanh - một người dân trong bản mang đi bán. Nhưng họ không chặt trộm. Chị Trần Thị Bình - một nông dân nòng cốt cũng tham gia trong nhóm khai thác cho biết: “Năm nay mất mùa nên bà con trong thôn hầu hết đều đói. Trước đây giáp hạt chúng tôi vào rừng lấy tre, róc về bán mua gạo. Nay tre, róc đã phá đi hết để trồng keo nên lúc đói không biết dựa vào đâu nữa, may mà bác Thanh mở rừng nhà bác cho bà con khai thác, lấy tiền mua gạo qua cơn khốn khó”.

    Chị Bình cho biết thêm, bà con trong bản khai thác tre, róc ở đây từ gần một tháng nay. Cả bản có 18 hộ thì chỉ có nhà anh Toàn, anh Phúc (hai nhà có rừng) là không tham gia, còn tất cả đều khai thác ở đây hết. Nhà nào đông thì 3 người, ít thì một người làm. Mỗi ngày làm như thế mỗi người vác được 5-6 vác, bán được 100-120 nghìn đồng. Gia đình anh Phùn Pẩu có 6 người đã bị thiếu ăn từ hơn 1 tháng nay. Từ khi bác Thanh mở cửa rừng, nhà anh cử 2 người đi làm mỗi ngày được khoảng 200.000 đồng - đủ tiền mua gạo và mắm muối cho cả nhà. “Đợt tre róc vừa qua nhà tôi mua được gần 3 tạ gạo”, anh Pẩu Khoe.

    Trong 16 gia đình khai thác tre, róc đợt đó, nhà nhiều được trên 3 triệu đồng, nhà ít cũng được hơn một triệu đồng. Lúc đầu, bà con định trả lại ông Thanh một nửa số tiền tre, róc bán được, nhưng ông kiên quyết từ chối. Cuối cùng, ông chỉ nhận một ít để tượng trưng, coi như khoản để đầu tư lại cho rừng cho bà con đỡ áy náy. Nhờ có tiền bán tre, róc khai thác được từ rừng ông Thanh, nhiều nhà đã có tiền mua gạo, mua sách vở và cả sắm tết. Tổng tất cả số tiền tre, róc bà con bán được trong đợt khai thác này là 36,5 triệu đồng. Đó không phải là con số lớn, nhưng với bà con dân bản nó còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Đó là tình người.

    Người vác tù và hàng tổng

    Chúng tôi đã tìm gặp ông Mã Văn Thanh - người dân bản có tấm lòng hào hiệp kể trên. Ông trạc 60 tuổi, người ông gầy nhưng rất rắn chắc. Gạn hỏi mãi ông mới chịu giải thích chuyện sao lại “lấy của nhà mình chia cho dân lúc đói” như thế. ông nói: “ Năm nay bà con trong thôn đói lắm, vì 2 trận lụt lịch sử cuốn trôi hết. Nhìn bà con thiếu đói các cháu nheo nhóc lòng tôi không cầm được, không thể không giúp. Cuối cùng, tôi quyết định mở cửa rừng nhà mình cho bà con khai thác lấy tiền mua gạo”.

    ông Thanh tâm sự: “Mình giúp bà con cũng chính là giúp mình. Cái tình, cái nghĩa ở nông thôn nó dày và sâu nặng lắm anh ạ”. Khi chúng tôi cố gặng hỏi thêm thì ông cười hóm hỉnh: “Ấy là chưa tính đến chuyện bà con giúp mình chăm sóc quản lý rừng. Tôi tin mùa măng năm nay trong bản sẽ không có ai vào rừng tôi để hái, nếu có người ngoài vào lấy măng thì người ta cũng khuyên can và bảo vệ cho. Kể ra cũng được nhiều đấy chứ”.

    Ông không muốn nói nhiều về việc tốt mình làm. Bởi những người như ông, có lẽ đúng với câu nói của các cụ: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Ông Thanh vừa là già làng vừa trưởng họ Mã. Ông xứng danh thủ lĩnh cộng đồng, không chỉ vì một tấm lòng nhân ái mà còn bởi cả tầm nhìn xa trông rộng của mình.

    Lo trước nỗi lo của dân

    Ông Thanh cho biết, ông có khoảng 23 ha rừng. Trong đó chỉ có 2 ha thông, 2ha keo, 1 ha quế và 1 ha sa mộc. 17 ha còn lại là tre róc và cây gỗ nhiên.

    “Các cây kinh tế trên tôi chỉ trồng chổ đất trống và chổ cây ràng ràng mọc. Tôi không phá đi một cây rừng tự nhiên nào để trồng cây khác cả”, ông Thanh nói. Đó có lẽ là bí quyết đặc biệt của ông. “Mình là người nông dân phải tính kế lâu dài và an toàn cả cho con và cho cháu sau này, không thể tham mà muốn phất giàu nhanh lên được. Cũng như con người phải đi bằng 2 chân, cái kiềng phải có 3 chân thì mới vững được nên mình chỉ trồng mỗi thứ 1 ít”, ông Thanh tâm sự.

    Khoảng những năm 1980 để tiện cho việc làm ruộng và đi lại ông Thanh chuyển từ núi cao ra gần đường, nhưng ông vẫn bám rừng. Năm 2006 thì toàn xã chúng tôi được hỗ trợ chương trình chia lại đất rừng và bà con đã được cấp sổ đỏ về đất rừng và rừng (cộng đồng). Hồi đó ông cũng đã nhường lại cho bà con không có rừng ở trong thôn một phần rừng của mình. “Được cấp sổ đỏ là thành tài sản của mình thì vừa yên tâm vừa trăn trở nhiều”, ông nói.

    Những trăn trở của ông hoàn toàn có lý do. Gần đây khi mọi người đua nhau đốt, phá hết rừng để trồng keo và làm nương, thậm chí có người còn bán cả rừng được giao đi để mua xe máy chạy cho oai. “Tôi rất lo cho sự an sinh của bà con Bắc Lãng khi đổ xô phá hết rừng vào trồng cây keo. Ở Quảng Ninh người ta trồng cây Keo theo hợp đồng và cam kết bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy với người dân và chính quyền các cấp nên tương đối an toàn. Còn Bắc Lãng thì bà con đổ xô đi làm mà không có sự ràng buộc nào cả. Đó là chưa kể đến việc bảo vệ môi trường sống khi ta phá rừng tự nhiên, đặc biệt là nguồn nước sẽ cạn kiệt không đảm bảo cho canh tác lương thực ”, ông nói.

    Dù đã làm được không ít việc cho dân, nhưng chúng tôi vẫn phải chia tay ông với nỗi lo canh cánh của người thủ lĩnh thôn bản: “Người nông dân miền núi mà bán rừng đi thì con cháu chỉ còn nước đi làm thuê hoặc ăn mày”.

    CIRUM