Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Mạch thở của Đất

  • Ở thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn có giếng nước nhà ông Hứa Tiến Hữu quanh năm nước trong veo, cung cấp nước uống và nước sinh hoạt cho cả thôn. Điều đặc biệt là các giếng nước ngay cạnh đó cả năm khô hạn không một giọt nước. Có người nói rằng giếng nước này giống như là “mạch thở” của đất vậy. 

    Giếng nước kỳ lạ

    Vào mùa khô, khi mà hàng loạt các giếng nước khác trong thôn Hố Mười bị cạn không đủ nước ăn và sinh hoạt thì giếng nước của nhà ông Hứa Tiến Hữu vẫn không hề cạn, dù chỉ một phân. Giếng nước nhà ông phục vụ cho hầu hết các gia đình trong thôn mỗi mùa khô đến. ông Hữu cho biết, ông từng đào đến bốn cái giếng, cái nào cũng sâu đến gần chục mét ở khu vực này, nhưng tất cả đều không rỉ ra một giọt nước. Đến cái thứ năm này thì nguồn nước chảy ra lại rất dồi dào.

    Gần cái giếng nước này là một cái ao nhưng nước trong ao không hề làm ô nhiễm đến nước trong giếng, mà ngược lại, giếng còn là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các sinh vật sống trong ao.

    Điểm nổi bật của giếng nước này là bốn mùa trong veo, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát rượi. Người dân ở đây cho biết, khi đi làm về mệt mỏi, uống một ngụm nước từ giếng này cảm thấy ngọt ngọt, làm cho con người sảng khoái, mọi mệt mỏi tan biến dần. Khi lấy nước từ giếng này về nấu rượu, sau khi chưng cất xong, rượu thu được rất ngon và có mùi thơm đặc biệt. Một điều khác đặc biệt nữa là chỉ cách hơn 50m nhưng xã Nhật Tiến cạn hết nước thì giếng nước vẫn không hề cạn.

    Biết quý rừng từ thời cha ông

    Trước những năm 1990, ở Hố Mười, diện tích rừng tự nhiên còn khá nhiều, hệ động thực vật còn hết sức phong phú như lim, lát hoa, muồng cánh dán, hươu, nai, chồn, sóc, thuốc nam… Nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cũng rất dồi dào. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm nay, xu hướng ở huyện Hữu Lũng nói chung và ở thôn Hố Mười nói riêng là người dân vì chạy theo lợi nhuận trước mắt đã chặt phá rừng tự nhiên để trồng bạch đàn. Trong khi bạch đàn là loại cây trồng làm cho đất ngày càng bị khô cằn, hệ sinh thái bị phá huỷ, nhiều loại cây - con bản địa không còn, nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất bị cạn kiệt, nhiều cánh đồng trước đây làm được hai vụ nhưng khi trồng bạch đàn chỉ còn trồng được một vụ vì không đủ nước để làm.

    Giếng nước “kỳ lạ” ở nhà ông Hữu luôn dồi dào nguồn nước là do gia đình ông giữ lại được rừng tự nhiên. ông Hữu chia sẻ rằng, dòng họ Hứa là dòng họ đầu tiên đến Hố Mười và là dòng họ có truyền thống giữ rừng tự nhiên từ xa xưa.

    Cụ Hứa Thiên Chính, được coi là người khai thiên lập địa khi đi tìm đất mới làm ăn, thấy nơi đây có rất nhiều tre Mai (tiếng Nùng mai là mười) nên đã đặt cho vùng đất này là Hố Mười. Từ cách đặt tên ấy, chứng tỏ từ thời xa xưa, người dân thôn Hố Mười đã nhận thức rõ được vai trò, tác dụng của rừng đối với sự phát triển của đời sống. Khi mới đến nơi đây, cuộc sống con người nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên. Săn bắn thú và đào củ Mài, cây Đao ở trong rừng để làm thức ăn chủ yếu. Rồi sau đó, họ khai hoang, phát bãi trồng ngô, khai phá ruộng trồng lúa nước. Thôn Hố Mười được sinh ra gần gũi mật thiết với thiên nhiên như thế.

    Thấy được nhiều lợi ích từ rừng, cụ Chính đã khuyên dạy con cháu rằng: “Chúng ta sinh ra từ rừng, gắn bó với rừng. Rừng cho ta gỗ, cho ta tre làm nhà; cho ta rau, nấm, măng… làm thức ăn; cho ta cây thuốc nam chữa bệnh. Vì thế chúng ta phải giữ lấy rừng”. Nghe theo lời dặn của cụ Chính, thế hệ con cháu của dòng họ Hứa đều có ý thức giữ lại rừng tự nhiên. Hiện nay, ở thôn Hố Mười chỉ có dòng họ Hứa còn giữ lại được rừng tự nhiên như ông Hứa Tiến Hữu, Hứa Văn Nhảng, Hứa Văn Nhủng, Hứa Văn Nghị với đa dạng các loại cây lâm nghiệp bản địa hàng chục năm tuổi và có giá trị như: lim, lát hoa, muồng cánh gián, cọng, dẻ…

    Các khu rừng tự nhiên do dòng họ Hứa quản lý, trước đây lâm trường đã từng “lăm le” có ý đồ vào “chiếm” để khai thác cây tự nhiên. Nhưng do biết quý trọng truyền thống dòng họ, các gia đình họ Hứa đã kiên quyết đấu tranh và giữ lại rừng cho đến ngày nay, và trở thành những khu rừng già nhất khu vực. Những khu rừng tự nhiên này hàng năm mang lại các sản vật có giá trị kinh tế không hề thấp cho các hộ gia đình như: măng, thuốc nam, nấm, tre, nứa…Ngoài ra, môi trường sinh thái cũng được bảo vệ. Hệ động, thực vật phát triển mạnh, đặc biệt là nguồn nước luôn được đảm bảo.

    Nước giếng từ rừng
     Nguồn nước mát lạnh của giếng nước cung cấp đủ nước sinh hoạt cho cả vùng (ảnh: CIRUM)

    Giếng nước nhà ông Hứa Tiến Hữu ở ngay dưới chân khu rừng tự nhiên của gia đình, rộng khoảng 3 ha. Giếng cách nhà 10m. Theo anh Lâm Văn Chín, trưởng thôn Hố Mười thì, có những năm khô hạn, cả thôn Hố Mười và xã Nhật Tiến bị khô hạn không có nước để sinh hoạt thì giếng nước nhà ông Hữu vẫn không hề bị cạn và cung cấp nước cho cả thôn. Còn ông Hứa Hữu Tiến thì cho biết: “Đất cũng như người, cũng có sự sống, có hơi thở. Khi con người ta không còn cái ăn, cái uống thì sức khoẻ yếu ớt và dần dần sẽ chết đi. Đất ở Hố Mười cũng thế, trước đây màu mỡ, động thực vật phong phú, nguồn nước trong mát quanh năm, nhưng sau khi trồng bạch đàn thì đất ngày càng khô cằn, nguồn nước mất dần, động thực vật ngày càng khan hiếm. Giếng nước gia đình tôi chưa bao giờ cạn do hiện nay gia đình vẫn giữ được rừng. Nó giống như là “mạch thở” của đất ở Hố Mười vậy”.

    “Mạch thở” của đất là món quà kỳ diệu ban tặng cho những người biết quý trọng thiên nhiên. Để có những giếng nước luôn tràn đầy, trong mát như giếng nước nhà ông Hứa Tiến Hữu thì việc khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên là một việc làm hết sức cần thiết. Để làm được điều này (trước mắt là ở thôn Hố Mười), thì việc xây dựng, bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên dựa vào cộng động, cải tạo, tái sinh rừng tự nhiên ở những diện tích rừng đang có bạch đàn ở các gia đình khác trong thôn, hình thành các khu rừng đầu nguồn (như khu vực khe Xoỏng 14,5ha) là việc cần phải làm ngay./.

    CIRUM