Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Khảo sát cây thuốc nam bản địa tại Hữu Lũng

  • Trăn trở với sự tồn vong của nguồn tài nguyên thuốc nam trong rừng tự nhiên, từ ngày 28 - 31/1, Trung tâm CIRUM phối kết hợp với Hội đông y huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn tổ chức cho 13 thầy thuốc nam tâm huyết với nghề trong địa bàn huyện tiến hành chương trình điều tra xác định danh mục cây thuốc nam bản địa, đánh giá nguy cơ và có giải pháp để bảo tồn cây thuốc nam, phát triển nghề thuốc tại cộng đồng.

    Chung tay bảo tồn cây thuốc

    Chuyến khảo sát có sự tham gia của các thầy thuốc nam đến từ một số xã tiêu biểu như Hoà Sơn, Hoà Thắng, Tân Thành, Vân Nham, Hữu Liên… Các thầy thuốc nam đã trèo đèo, lội suối tìm kiếm cây thuốc để chụp mẫu và chia sẻ, ăn trưa tại rừng. Có những thầy thuốc cao tuổi như già Hoàng Văn Tài (thôn Phì Phà, xã Hoà Thắng, 76 tuổi), bà Hoàng Thị Ngậu (thôn Hố Vắt, xã Hoà Thắng, 67 tuổi) cũng tham gia một cách nhiệt tình, không mệt mỏi và tích cực chia sẻ những cây thuốc quý, bài thuốc hay với các thầy thuốc khác.

    Trong ngày làm việc đầu tiên, các thầy thuốc đã cùng nhau thảo luận về mục đích, phương pháp làm việc trong chuyến khảo sát và chia sẻ về thực trạng cây thuốc nam, nghề thuốc nam tại Hữu Lũng. Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y huyện giới thiệu với các thầy thuốc nam về mục đích, nội dung chuyến khảo sát. Đợt đi khảo sát các cây thuốc nam nhằm giao lưu giữa các thầy thuốc nam trong huyện đồng thời tìm hiểu danh mục các cây thuốc nam bản địa của Hữu Lũng (đã mất, còn). Chủ tịch Hội Đông y nhấn mạnh: “Kết quả khảo sát là sản phẩm chung của cả nhóm các thầy thuốc nam, sẽ sử dụng để in thành tài liệu, để phát triển cây thuốc và nghề thuốc, bảo tồn những cây hiện có, khôi phục những cây đã mất, đấy là một việc làm đầy giá trị, ý nghĩa với cộng đồng”.

    Già Hoàng Văn Tài chia sẻ thêm: Trong chương trình của trung tâm CIRUM , già cũng đã được tham gia khảo sát cây thuốc và gặp các thầy thuốc ở một số vùng khác nhau nên già nhận thấy rằng, trước đây ở Hữu Lũng là vùng giàu cây thuốc, tuy nhiên giờ đây người dân ở các thôn, xã của huyện Hữu Lũng đang mất dần đi nguồn thảo dược tự nhiên quý báu để bảo vệ sức khoẻ. Nếu như trước đây, cây thuốc Nam mọc tự nhiên rất nhiều ở rừng địa phương, người dân dễ dàng kiếm được cây thuốc, sống trên cây thuốc thì nay, cây thuốc gần như bị biến mất sau những chương trình khai thác kiệt rừng tự nhiên và sau đó là việc trồng độc canh cây bạch đàn trên diện rộng. Một số thầy thuốc tâm huyết với nghề, còn giữ nghề thuốc phải đi sang vùng khác để kiếm cây thuốc, phải đi đặt mua hoặc thay thế bằng thuốc bắc. Đã đến lúc các thầy thuốc phải biết chung tay bảo tồn cây thuốc, giữ nghề thuốc.

    Cây thuốc mất là cây thuốc quý!

    Huyện Hữu Lũng hình thành và phát triển 2 hệ sinh thái rừng khác nhau rất đặc trưng, đó là hệ sinh thái rừng núi đất và hệ sinh thái rừng núi đá với đa dạng các cây thuốc nam có giá trị dưới tán rừng tự nhiên. Sau năm 1975 thì cơ cấu sử dụng đất đai tại Hữu Lũng có sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ, nguyên nhân chủ yếu là do diện tích rừng tự nhiên bị khai thác lạm dụng và tàn phá nghiêm trọng, đặc biệt trong hai thập kỷ 80 và thập kỷ 90. Trong chuyến khảo sát này, các thầy thuốc đã xác định hai địa điểm khảo sát cây thuốc ở vùng sâu, vùng xa đang còn một diện tích nhỏ rừng thứ sinh phục hồi, một vùng đại diện cho núi đất (Hoà Sơn) và một vùng đại diện cho vùng núi đá (khu rừng phòng hộ Hữu Liên).

    Hơn 200 loại cây thuốc nam đã được tìm thấy, tuy nhiên, trữ lượng rất ít, hầu như không còn đủ để bốc thuốc, có những cây thuốc rất quý đang có nguy cơ biến mất trên đất Hữu Lũng do mất rừng và lạm dụng khai thác như cây lá khôi (cây thuốc chủ lực chữa dạ dày), cây thổ (tiếng địa phương, chữa sưng, đau khớp), bảy lá một hoa (giải độc), gió bay (chữa phong tê liệt, ho), gió đắng (chữa sốt rét, đau bụng), hoàng đằng (kháng sinh, dạ dày), hoàng tiểu căn (tiếng Hoa, chữa đậu lào, thương hàn, rối loạn chức năng gan)… Những cây thuốc này đi tìm ròng rã cả ngày mới được một cây, hoặc còn sót lại là do đang được các thầy thuốc tại thôn bản giữ gìn và chăm sóc.

    Kết thúc chuyến khảo sát, các thầy thuốc tại các xã như Hoà Thắng, Tân Thành, Vân Nham đều chung cảm nhận về nguy cơ mất cây thuốc và mất nghề thuốc tại địa phương. Những bài thuốc nam gia truyền quý giá, là những tri thức bản địa, là di sản truyền thống của địa phương đang đứng trước nguy cơ biến mất khi nguồn thuốc nam đang ngày càng cạn kiệt. Cần phải làm gì để giữ nghề và truyền nghề thuốc nam - chữa bệnh cứu người, cần phải làm gì để giữ gìn rừng tự nhiên- giữ gìn môi trường sống của con người, câu hỏi đó, chắc hẳn, nếu chỉ riêng các thấy thuốc nam ở địa phương thì khó tìm được câu trả lời…

    CIRUM

    Một số hình ảnh khảo sát cây thuốc

     Chăm chú xem và ghi chép một cây thuốc vừa được phát hiện (ảnh: CIRUM)

     Trao đổi về một bài thuốc mà cây thuốc phải đi lấy từ nơi khác về…(ảnh: CIRUM)

     Thầy thuốc Nguyễn Hữu Dậu đang say sưa chia sẻ với đoàn khảo sát một cây thuốc tại vườn nhà..(ảnh: CIRUM)

     Một số cây/củ thuốc quý hiếm đã được tìm thấy như Củ gà ấp..(ảnh: CIRUM)

     Chia sẻ cây thuốc vừa lấy từ rừng…(ảnh: CIRUM)

     Gặp gỡ bên đường giữa các thầy thuốc thôn bản và đoàn khảo sát (ảnh: CIRUM)