Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Cuộc “cách mạng” giao đất giao rừng ở Bắc Lãng

  • “Điều chỉnh bất hợp lý về đất lâm nghiệp xã Bắc Lãng được coi như một cuộc cách mạng, biết là khó nhưng vẫn phải làm và quyết tâm làm cho bằng được mới đảm bảo sự công bằng cho người dân Bắc Lãng”, đây là phát biểu của một lãnh đạo chính quyền xã Bắc Lãng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Một thời rừng “vô chủ”.

    Thực tế từ những năm 1994 - 1995, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân Bắc Lãng nói riêng và cả nước nói chung đã được giao đất giao rừng theo Nghị Định 02/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Các hộ dân đều đã được cấp sổ bìa xanh nhưng vì nhiều lý do, hiệu quả giao đất giao rừng không được phát huy.

    Trong tổng diện tích tự nhiên 5.780 ha của xã có khoảng 50% đất chưa sử dụng (chủ yếu là đồi núi) và khoảng hơn 45% đất nông – lâm nghiệp. Tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã thấp, tiềm năng về lâm nghiệp lớn nhưng thu nhập của người dân lại chủ yếu là từ nông nghiệp. Nguyên nhân của thực trạng này là người dân chưa phải là chủ nhân của những cánh rừng ở đây. Điều này dẫn tới một hệ lụy rừng trở thành “vô chủ”, bị khai thác bừa bãi và không được chăm sóc nên ngày càng cạn kiệt tài nguyên. Vòng tròn luẩn quẩn này sẽ còn tiếp diễn nếu kéo dài tình trạng rừng “vô chủ”.

    Giai đoạn ấy, việc giao đất giao rừng được “khoán” theo chỉ tiêu rồi phó mặc cho cấp xã; vì vậy, giữa thực tế với báo cáo thành tích của các cấp khác xa nhau. Nhiều hộ dân nhận đất nhưng không biết đất của mình ở đâu. Nhiều hộ dân có đất, nhưng ranh giới, vị trí, diện tích đất trong hồ sơ (bìa xanh) và trên thực địa không khớp nhau. Hộ thì có nhiều, nhưng có nhiều hộ lại có rất ít đất để canh tác. Điều này dẫn tới hậu quả là nhiều người dân vì không có đất nhưng do nhu cầu mưu sinh đã phải tự ý sản xuất ở những vùng đất mình chưa được giao. Do ranh giới đất không rõ ràng (gần 100% hộ được giao đất, giao rừng gặp tình trạng này) nên giữa nhiều hộ nảy sinh mâu thuẫn năm này qua năm khác mà không được giải quyết. Có những trường hợp là trên cùng một vị trí đất có tới 2 sổ xanh và 3 chủ quản lý.

    Mặt khác, người dân chưa được tiếp cận về Luật đất đai, Luật Bảo vệ & Phát triển rừng…, về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi được giao đất giao rừng. Dù nhà nước triển khai nhiều chương trình nhưng các chương trình này đều không đạt được các mục tiêu như mong muốn, đời sống của người dân chưa được cải thiện rõ rệt, trên danh nghĩa rừng “có chủ” nhưng trên thực tế rừng “vô chủ”.

    Vì mục tiêu mọi người dân đều có đất

    Từ những năm 2001, chính quyền và người dân xã Bắc Lãng đã nhận ra tính cấp bách của việc điều chỉnh về đất rừng. Thời điểm này, UBND huyện Đình Lập và Hội đồng nhân dân xã Bắc Lãng đã có chủ trương và kế hoạch điều chỉnh đất rừng nhưng đến năm 2006 vẫn không thể thực hiện được. Lãnh đạo chính quyền thì rất quyết tâm. Một lãnh đạo xã từng phát biểu: “Điều chỉnh bất hợp lý về đất lâm nghiệp xã Bắc Lãng được coi như một cuộc cách mạng, biết là khó nhưng vẫn phải làm và quyết tâm làm cho bằng được mới đảm bảo sự công bằng cho người dân Bắc Lãng”.

    Mục tiêu điều chỉnh bất hợp lý về giao đất giao rừng là để tất cả mọi người dân có đất để canh tác và người dân phải thật sự trở thành chủ nhân của rừng. Nhưng trong thời gian đầu, những cán bộ tham gia công tác điều chỉnh đất rừng tại Bắc Lãng gặp không ít trở ngại. Hậu quả của việc giao đất giao rừng theo “thành tích” của những năm 1994 - 1995 đã để lại những ảnh hưởng bất hợp tác của người dân với các cán bộ. Với những nỗ lực và tâm huyết, kinh nghiệm về phương pháp tiếp cận cộng đồng của những người tham gia chương trình “Điều chỉnh bất hợp lý đất rừng” được thực hiện 2006-2007, bà con đã hiểu và nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình đối với đất/rừng đã được giao và ngày càng tin tưởng hơn vào lợi ích cũng như sự thiết thực của đợt điều chỉnh giao đất giao rừng do trung tâm Tư vấn Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên và Phát triển Văn hoá Cộng đồng Đông Nam á (CIRUM) hỗ trợ.

    Với quan điểm là chỉ có người dân mới giải quyết tốt nhất vấn đề của chính minh, CIRUM đã tạo cơ hội để dân được tiếp cận, thảo luận những luật đất đai, và chính sách giao đất giao rừng (Nghị Định 181/2004 của Thủ tướng Chính phủ), quyền và nghĩa vụ của người dân trên đất, rừng được giao, cũng như những chính sách liên quan khác do Đảng và Nhà nước đề ra trong việc bảo tồn, bảo vệ, và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước thì những luật tục và kinh nghiệm bản địa được tôn trọng và phát huy trong cả quá trình điều chỉnh bất hợp lý đất rừng tại Bắc Lãng.

    Chìa khóa thành công: hợp lòng dân

    Chưa đầy một năm sau, 261/264 hộ dân và 9 cộng đồng dân cư thôn bản ở Bắc Lãng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với tổng số diện tích là hơn 3.120 ha. Ngoài ra, hơn 2.125 ha đất rừng được giao cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư bảo vệ. Nghĩa là tất cả các loại đất, loại rừng ở Bắc Lãng đều được giao khép kín và đều có chủ quản lý. Để đạt được kết quả này, CIRUM cùng Đảng uỷ, HĐND, UBND xã và toàn dân Bắc Lãng triển khai hàng chục đầu việc với trên 100 cuộc tọa đàm, thảo luận… Riêng thảo luận, thương thảo… trong cộng đồng để giải quyết những bất hợp lý, những bất cập là khoảng 40 cuộc. Ngoài ra, chương trình đàm phán thành công về ranh giới của mình với các xã cận bên là Châu Sơn và Điền Xá.

    Có nhiều lý do để công cuộc điều chỉnh giao đất giao rừng thành công, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là làm được một công việc hợp lòng dân, giải quyết được mọi nhu cầu, mọi mong muốn, mọi bức xúc của người dân từ bấy lâu nay một cách thoả đáng trên phương châm dân là gốc, công bằng, bình đẳng, dân chủ, hợp pháp. Cách giải quyết không áp đặt, không lấy các chủ trương chính sách làm quyền lực mà lấy tinh thần tôn trọng con người làm nền tảng cơ bản cũng khiến cho sự hưởng ứng của người dân với chương trình mạnh mẽ hơn.

    CIRUM