Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Chi hội Phụ nữ thôn Khe Váp với sáng kiến làm giàu rừng từ…10.000 đồng

  • Khe Váp là thôn xa và khó khăn nhất của xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn với 18 hộ gia đình phần lớn là đồng bào Tày có đời sống chủ yếu phụ thuộc vào rừng.

    Rừng Khe Váp chủ yếu là rừng tự nhiên đầu nguồn, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân không chỉ trên địa bàn xã mà còn cả các xã lân cận như xã Châu Sơn (Đình Lập, Lạng Sơn), các  khu vực giáp ranh của huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Tuy nhiên rừng nơi đây chưa có chủ nên công tác quản lý rừng gặp nhiều khó khăn bất cập. Từ năm 2005-2007, được sự hỗ trợ của Trung tâm tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa cộng đồng Đông nam á (CIRUM), UBND huyện Đình Lập thực hiện điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho người dân trên địa bàn toàn xã Bắc Lãng. Hoạt động này đã hoàn thành trong năm 2009. Người dân phấn khởi vì có đất rừng sản xuất đảm bảo sinh kế lâu dài.

    Trên địa bàn thôn Khe Váp còn nhiều rừng tự nhiên là rừng phòng hộ đầu nguồn nên được giao cho cộng đồng thôn đồng quản lý, sử dụng (hơn 70ha). UBND xã Bắc Lãng và thôn Khe Váp thống nhất giao một phần rừng cộng đồng cho các Chị hội Phụ nữ, Chi hội Thuốc nam, Chi đoàn Thanh niên thôn quản lý. Trong đó, Chi hội Phụ nữ (gồm 15 thành viên) quản lý gần 17ha gần khu vực suối Quán Thàng. Diện tích rừng được giao lớn với nhiều trạng thái khác nhau, có nhiều trạng thái rừng giàu nhưng cũng có nhiều trạng thái rừng nghèo khó có khả năng tái sinh.

    Băn khoăn với việc nhận một diện tích đất rừng lớn, song đời sống các thành viên vẫn còn khó khăn, năm 2011 Chi hội Phụ nữ đã có sáng kiến đóng góp 10.000 đồng/thành viên/tháng với mục đích gây quỹ tín dụng quay vòng hàng năm cho các thành viên vay phát triển kinh tế vừa tạo quỹ từ lãi suất cho cho vay để hỗ trợ công tác quản lý phát triển rừng. Khi triển khai cho vay thì thấy số tiền quá ít ỏi không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế! Cả chi hội băn khoăn; vậy phải làm sao bay giờ? Chị Chung-Chi hội trưởng băn khoăn trăn trở nhiều ngày đã nảy ra sang kiến; chúng ta có rừng tại sao chúng ta không phát triển rừng?! 1,5 triệu đủ để chi hội trồng được khoảng gần 1ha Thông nhựa. Nói là làm! Sau 1 năm, chi hội đã có 1.500.000 đồng tiền vốn đầu tiên. Chị Chung đã cùng các thành viên chi hội sử dụng nguồn vốn ban đầu đó để mua giống cây Thông và cùng nhau tổ chức trồng rừng bổ sung trên diện tích được giao. Đến nay, cây Thông đã được hơn 1 tuổi và phát triển tốt. Cả Chi hội ai cũng vui mừng.

    Nhận thấy việc đầu tư trồng rừng có tính khả thi cao mà việc đóng góp lại không quá lớn. Năm 2013, Chi hội Phụ nữ thôn Khe Váp lại tiếp tục đóng góp và dự định hết mùa mưa năm 2013 sẽ tiếp tục trồng 2000 cây Keo trên diện tích 1 ha đất rừng cộng đồng được giao không có khả năng tái sinh, phụ hồi với nguồn cây giống tự sản xuất, tự đóng góp.

    Ngoài công tác bảo vệ tốt các khu rừng tự nhiên được giao, Chi hội Phụ nữ thôn Khe Váp đã và đang xây dựng mô hình phát triển rừng từ chính nội lực của mình; Với cách làm của Chi hội Phụ nữ, các thành viên ngày càng có thêm nhiều đóng góp tích cực vào công tác quản lý làm giàu rừng, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường. Đây thực sự là mô hình xứng đáng để nghiên cứu, hỗ trợ và nhân rộng.

    CIRUM