Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Bàn về chính sách đất nông nghiệp!

  • Ngày 8/5/2009 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Hội thảo về chính sách pháp luật đất đai liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, do Hội khoa học Đất Việt Nam phối hợp với dự án “Nâng cao hiệu quả hợp tác và học hỏi của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam” (ENABLE) tổ chức nhằm góp phần vào việc sửa đổi một số điều của Luật đất đai. Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về (1) Quy hoạch và chính sách đất đai liên quan đến sản xuất nông nghiệp; (2) Thu hồi đền bù và tái định cư đối với đất nông nghiệp; (3) Hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.

    Theo báo cáo tại hội thảo, từ 2001-2007, ở nước ta tổng số đất lúa bị thu hồi, chuyển sang đất phi nông nghiệp là trên 335 ngàn ha, tương đương với việc mỗi năm “xoá sổ” gần 50 nghìn ha. 3,5 triệu ha đất lâm nghiệp đã cấp cho hộ gia đình và cá nhân quản lý và sử dụng, gần 5 triệu ha cấp cho các tổ chức. Như vậy, diện tích đất lâm nghiệp được cấp cho các tổ chức quản lý là lớn, và câu hỏi đặt ra là hiệu quả sử dụng đất rừng của các tổ chức lâm nghiệp được đánh giá theo tiêu chí nào? vấn đề này vẫn đang bị “bỏ ngỏ” trong các cuộc thảo luận.

    Tại hội thảo, Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hoá cộng đồng Đông Nam á (CIRUM) đã chia sẻ một số vấn đề “Đất rừng và người dân tộc thiểu số miền núi” và những kiến nghị về chính sách đất lâm nghiệp. Trên cơ sở những nghiên cứu thực tiễn cho thấy kết quả giao đất giao rừng theo Nghị định 02/CP/1994 và Nghị định 01/CP/1995 có chồng chéo về ranh giới và sự khác nhau giữa diện tích ghi trong sổ xanh và diện tích thực ngoài thực địa, người có nhiều đất, người thì ít đất…dẫn đến tình trạng người dân chưa yên tâm đầu tư vào đất rừng và bảo vệ rừng. Việc đánh giá hiện trạng đất rừng, theo quan điểm của một số chuyên gia lâm nghiệp thì chỉ đánh giá trữ lượng “cây to”, chưa nhìn nhận được giá trị thảm thực vật (sản phẩm phi gỗ: thuốc nam, cây nhuộm màu tự nhiên, các loại nấm tự nhiên có giá trị,…). Tiếp đến là các vấn đề về cố phần hoá từ các nông lâm trường quốc doanh; mở rộng thị trường đầu tư khai thác đất rừng và quyền sử dụng đất cho các chủ thể ngoài cộng đồng; tái định cư cho các cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong các vùng có các công trình thuỷ điện, v.v…ảnh hưởng kế sinh nhai lâu dài, văn hoá bản địa, tính đa dạng sinh học,…hầu như chưa được mổ xẻ, phân tích và giải quyết một cách thấu đáo.

    Cũng trong hội thảo này, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị về chính sách đất nông nghiệp như: (1) Nâng mức hạn điền (đất lúa) có tính đến bối cảnh cụ thể của từng vùng miền; (2)Thời gian giao quyền sử dụng đất không theo số năm mà cần giao ổn định lâu dài cho người nông dân; (3) Cần xem lại (huỷ) kết quả giao đất theo Nghị định 02/1994 để giao lại theo nghị định 181/2004/NĐ-CP theo nguyên tắc dân chủ cơ sở, được dân tham gia, giao tại thực địa; (4) Cần có sự tham gia của người dân trong quá trình đánh giá hiện trạng đất rừng (sử dụng thảm thực vật - nguồn tri thức bản địa), và như vậy thì tư cách đánh giá của người dân phải được ngang hàng với các chuyên gia lâm nghiệp, và kết quả đánh giá của dân phải được coi là bộ chỉ số có giá trị ngang hàng với bộ chỉ số của các chuyên gia lâm nghiệp. Trên thực tế chi phí do dân đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với chi phí do chuyên gia bên ngoài thực hiện. Đây là một trong các giải pháp thay thế hữu hiệu để giảm ách tắc trong đánh giá tài nguyên (ngân sách hạn hẹp); (5) Tái định cư cần tính đến các vấn đề văn hoá bản địa, đặc biệt đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số; (6) Thu hồi đất phải đảm bảo sinh kế ổn định, an ninh lương thực và phải quy định chi tiết về cơ chế giám sát việc thực thi chính sách, cần có sự tham gia của người dân, thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự và người dân địa phương!

    CIRUM