Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Mô hình sinh kế bền vững

Bắc Lãng, Tiềm năng làm giàu từ Nấm Chẹo (Boóc Pào)

  • Nấm Chẹo (tên địa phương là Boóc Pào), là loại nấm mọc tự nhiên trong rừng. Nấm Chẹo là loại nấm ăn đặc sản, thơm, ngon và có vị thuốc nam. Nấm Chẹo mọc vào mùa nóng và thời gian sinh trưởng ngắn. Nấm Chẹo có giá trị kinh tế và là tiềm năng phát triển của địa phương.

    Boóc Pào- Đặc sản Lạng Sơn

    Nấm Chẹo có màu đỏ tươi, hình cây ô và đặc biệt là có vị thuốc nam khi chế biến thực phẩm. Tại Lạng Sơn, người dân địa phương gọi là nấm Chẹo vì nấm mọc ở dưới tán cây Chẹo (hoặc cây Dẻ). Tuy nhiên không phải gốc Chẹo nào nấm cũng mọc. Thông thường nấm mọc nhiều ở những đồi Chẹo có cây giàng giàng, đặc biệt là vùng chuyển tiếp giữa đồi nhiều cây khác với đồi cây Chẹo, Dẻ (mọc dưới gốc). Ở Bắc Lãng, nấm Chẹo có nhiều ở các bản Nà Phai, Khe Váp, Khe Phạ (xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), nơi còn những cánh rừng nguyên sinh có nhiều tán cây Chẹo.

    Món ăn bổ dưỡng: Rửa sạch nấm bằng cách rửa nhẹ vào tai nấm, sau đó tẻ nhỏ (thường tẻ làm 3 hoặc 4 phần vì tẻ nhỏ khi nấu nó sẽ co lại nhỏ đi), để ráo nước; thường nấu canh hay xào đều có thêm lá bí để tăng thêm độ ngon. Xào thịt trâu khô hoặc thịt nạc đến gần chín sau đó cho nấm và lá bí (lá bí thái nhỏ bóp với muối để giảm độ nhám của lá) và xào đến khi nấm chín thì bắc ra, càng ăn nóng càng ngon. Nếu nấu canh thì đun nước sôi sau đó cho nấm và lá bí vào nấu sôi đến chín thì mang ra ăn. Nấm Chẹo đang được coi là loại nấm đặc sản của địa phương…

    Nấm Chẹo - bài thuốc dân gian

    Nấm Chẹo có vị thuốc nam, ăn nhiều thì nóng. Tuy chưa có nghiên cứu chính thức nhưng theo kinh nghiệm lâu đời của người dân địa phương thì nấm Chẹo làm tăng khả năng thụ thai cho những phụ nữ sống trong điều kiện khí hậu lạnh, khó sinh nở.

    Mùa hái nấm Chẹo- Những điều cấm kỵ

    Anh Châu cho biết: thông thường loại nấm này mọc 2 lần/năm, khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch. Thường nấm chỉ mọc khoảng 1 tuần/tháng vào lúc thời tiết nóng, riêng năm nay (2009), nấm Chẹo mọc được hơn 2 tuần rồi mà vấn chưa hết (khi mưa xong có nắng thì nấm mọc nhiều, trời nắng mọc nhiều hơn trời mưa). Nấm Chẹo thường mọc xung quanh gốc cây Chẹo.

    Ở Bắc Lãng, nấm Chẹo được thu hái bất kỳ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, thường thì dân bản đi hái nấm từ 2-3 giờ sáng (vì nấm thường bắt đầu mọc vào gần sáng), khi đó thu được nhiều nấm loại 1 (nấm vừa mọc, hình cái ô, chưa xoè to ra). Ngoài ra, người dân còn tranh thủ đi hái nấm vào ban ngày (nhất là phụ nữ, thanh niên và các em nhỏ vừa chăn trâu vừa tranh thủ tìm nấm).

    Hái nấm Chẹo cũng phải đúng cách: khi hái thì cầm vào thân nấm nhấc nhẹ hoặc xoay nhẹ (nếu làm nhanh hoặc mạnh thì nấm sẽ bị gãy). Mặt khác, theo kinh nghiệm bản địa, khi hái không được ngồi xuống hái mà phải cúi xuống hái, nếu ngồi xuống hái thì nấm sẽ không mọc nữa. Khi nấm đang nhú lên nếu có hơi người hoặc người nhìn thấy hoặc sờ vào thì nấm sẽ mọc chậm. Ngoài ra, khi hái nấm thì phải để lại rễ để nấm lại mọc vào ngày hôm sau và chỉ được hái nấm ở dưới tán cây Chẹo, nếu không sẽ rất dễ nhầm lẫn với loại nấm độc khác (có hình dáng và màu sắc tương tự).

    Làm kinh tế từ nấm Chẹo

    Tại Bắc Lãng, tư thương (từ Quảng Ninh, Trung Quốc) vào thu mua nấm Chẹo dưới dạng nấm tươi và nấm khô. Giá thu mua nấm tươi từ 50,000 đến 60,000 đồng/kg, nấm khô từ 600,000 – 700,000 đồng/kg (thường thì 5 – 6 kg nấm tươi mới được 1 kg nấm khô).

    Hiện tại, toàn xã Bắc Lãng có 2-3 lò sấy nấm thủ công. Vì nấm khô giữ được lâu và lại bán được giá (giá địa phương) nên nhà nào có điều kiện (có vốn liếng để thu mua nấm tươi) thì cố gắng làm một lò sấy thủ công vì không mất chi phí xây lò (người dân có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có quanh nhà làm phên, củi để đốt, đất làm gạch,….). Lò sấy như của nhà anh Châu là một ví dụ. Lò được xây bằng đất, gạch, phía dưới có chỗ để đốt củi và lỗ thông khói. Đầu tiên người dân phải đan các tấm phên bằng tre, nứa với độ dày vừa phải (các nan tre cách nhau 1 – 2 cm để hơi nóng có thể truyền lên trên nấm làm nấm nhanh khô đồng thời truyền lên các tấm phên nấm phía trên). Phên nào khô trước đặt xuống phía dưới, vì nếu đặt nấm chưa khô xuống dưới khi sấy hơi nước bốc lên làm mốc các nấm đã khô ở phía trên (hỏng nấm). Khi sờ vào các nấm đã sấy thấy cứng là được, rồi mang ra để nguội cho vào bao (nếu còn nóng thì nấm sẽ bị hỏng vì hấp hơi).

    Hướng đi nào cho nấm Chẹo?

    Hiện nay, nấm Chẹo ngày càng khó kiếm. Nguyên do là vì người dân đốt nương làm rẫy nên vô tình đốt luôn rễ nấm Chẹo. Hơn nữa, do nấm chỉ mọc trong thời gian rất ngắn vào ban đêm nên người dân địa phương thường nhổ cả cây (gồm cả rễ) để hái được nhanh hơn, nhiều hơn. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào về tác dụng của nấm Chẹo. Song, nấm Chẹo được người Trung Quốc sang mua tận nơi, nhưng qua tìm hiểu thì người đi mua cũng không nói là để làm thuốc gì? họ chỉ biết là được thuê đi mua tận gốc, bao nhiêu họ cũng mua hết.

    Rời nhà Anh Châu, chúng tôi vẫn canh cánh một câu hỏi làm thế nào để nấm Chẹo, một nguồn sản phẩm phụ thu từ rừng có giá trị kinh tế cao tại địa phương, được nghiên cứu, khai thác một cách bền vững, đảm bảo tính da dạng của thảm thực vật, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân địa phương? tránh tình trạng khai thác ồ ạt và xuất liệu thô với giá rẻ như hiện nay?

    CIRUM