Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tu Mơ Rông-Đắc Chum 1- Rừng đầu nguồn Pô Cô và Dân tộc Xê Đăng

  • Nơi thượng nguồn của dòng sông Pô Cô, một trong 2 chi lưu lớn tạo nên sông Se San hùng vĩ đang hiện hữu một vùng đất và người còn giữ được một phần nào dáng vẻ của một Tây Nguyên xưa cũ với những buôn làng của người Xê Đăng và Núi Rừng của họ - làng Tu Mơ Rông và làng Đắc Chum 1, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
     
    Phía trước là Khu rừng nguyên sinh hiện do 2 thôn Tu Mơ Rông và Đắc Chum 1 quản lý bảo vệ theo Luật tục người Xê Đăng

    Để lên đến vùng đất này phải đi ô tô gần 2 tiếng đồng hồ theo Quốc lộ 40B từ đường Hồ Chí Minh đi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hoặc quá nửa ngày đường ngược dòng Pô Cô từ đập Thủy điện Plei Kong. Đường xa đấy, gập ghềnh đấy song ở phía cuối cuộc hành trình thì cái mà chúng ta có được lại rất lớn. Đó là sự gặp gỡ đầy thú vị với những người con gái, con trai mang đậm nét của sử thi Xê Đăng. Những A Quang (Bí thư xã Tu Mơ Rông), A Tuấn Phó (Chủ tịch xã Tu Mơ Rông), A Phan (trưởng làng Đắc Chum 1) với dáng vẻ cao lớn, chắc nịch và chất giọng trầm hùng; những cô gái như Y Thu, Trưởng làng Tu Mơ Rông nhẹ nhàng, tình cảm mà sâu sắc giữa cái không gian rừng nguyên sinh đã đưa chúng tôi về với Một Tây Nguyên của những ngày xa xưa cũ.
    Gặp nhau bên bìa rừng trên một bãi đất rộng, nơi người dân 2 làng Đắc Chum 1 và Tu Mơ Rông quy hoạch cho chăn thả gia súc, anh A Quang Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ “Chỉ còn 2 làng này là có nhiều rừng. Hiện nay rừng vẫn do UBND xã quản lý song tất cả người dân trong 2 làng đều được hưởng chi trả dịch vụ Môi trường rừng với 400,000đồng/ha/năm. Tuy nhiên, khoản chi trả đó chưa thể cải thiện cuộc sống của bà con và rừng vẫn có nguy cơ bị xâm hại nếu không có giải pháp tạo sinh kế cho dân”. Tiếp lời anh A Quang chị Y Thu nhỏ nhẹ “Có rừng, được giao rừng phụ nữ nó cũng rất thích. Nếu được hỗ trợ thêm về trồng cây Sâm Ngọc Linh thì càng quý. Các hộ gia đình sẽ thường xuyên vô rừng hàng ngày để trông coi và rừng sẽ không bị người ngoài vô xâm hại”. Anh A Phan, Trưởng làng Đắc Chum 1 thì chia sẻ “nếu được giao đất giao rừng có sự tham gia của người đồng bào thì các làng sẽ biết cái rừng của mình đến đâu và những người ngoài khi biết là các làng được giao rừng rồi sẽ không tự tiện vô rừng thu hái những sản vật của mình nữa. Họ cũng sợ Luật tục của người Xê Đăng lắm”.

     

    Bí thư Đảng ủy xã anh A Quang (người thứ 2 từ phải sang) và Địa chính xã (người đội mũ mền trắng rộng vành) đang giới thiệu trên bản đồ về xã Tu Mơ Rông trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất của xã

    Trải tấm bản đồ lên mặt đất, chị Hòa Giám đốc Trung tâm CIRUM và chị Y Thu sôi nổi chia sẻ về rừng chung quanh vị trí họ đang đứng, về đường bao của cả cánh rừng và về những gì bà con mong muốn. Tất cả đoàn chúng tôi quây chung quanh 2 chị và cùng thảo luận về những giải pháp bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với sinh kế dưới tán rừng bằng các Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Sâm dây, Đương quy, Sơn tra mà các anh chị đề xuất. Nhìn toàn cục trên bản đồ thì tài nguyên rừng của xã Tu Mơ Rông chỉ còn tập trung và có quy mô lớn nhất chủ yếu ở 2 làng Tu Mơ Rông và Đắc Chum 1. Các anh chị địa phương cũng cho biết cách đây mươi mười lăm năm cây Sâm Ngọc Linh đã hiện hữu trên vùng rừng này và cây Sâm dây hoang dại cũng phát triển trên những nương rẫy của bà con ven những cánh rừng. Do chưa có ý thức trong việc khai thác và do thao túng của thị trường tự do nên cây Sâm Ngọc Linh đã dần bị đẩy lùi lên phía đỉnh Ngọc Linh. Anh Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tu Mơ Rông cho biết cây Sâm Ngọc Linh rất thích hợp để phát triển tại khu vực rừng núi của 2 làng. Sâm Ngọc Linh có thể trồng bằng mầm hoặc gieo hạt và thị trường của Sâm Ngọc Linh thì rất rộng mở. Trên địa bàn chung quanh chân Ngọc Linh cũng đang có một số mô hình bà con trồng loại cây này, song do điều kiện kinh tế của các xã và huyện Tu Mơ Rông còn khó khăn nên chưa có khả năng tiếp nhận và phát triển loài cây đặc sản này.
     

    Chị Hòa Giám đốc CIRUM (áo vàng chanh) và chị Y Thu Trưởng làng Tu Mơ Rông (mặc áo hoa) đang trao đổi cùng cán bộ địa chính xã (Mũ trắng rộng vành và Trưởng phòng nông nghiệp huyện (người mặc áo trắng) về phạm vi phân bố rừng của 2 làng Đắc Chum 1 và Tu Mơ Rông

    Trăn trở về vấn đề thu nhập của người dân từ các loài cây đặc sản là cây dược liệu của vùng chị Y Thu chia sẻ “Sân Ngọc Linh mặc dù là quý, đắt, người dân muốn trồng lắm nhưng phải trên nhiều năm mới cho thu hoạch do vậy rất mong muốn có một mô hình hỗ trợ để lấy ngắn nuôi dài như trồng cây Đương quy sau 1 năm cho thu hoạch và cây Sâm Dây sau khoảng 3 năm cho thu hoạch để bà con, chị em đỡ khổ. Phụ nữ sẽ làm được những việc này vì họ chăm chỉ và cẩn trọng hơn đàn ông”. Nghe chị chia sẻ mà như nghe một một chuyên gia kinh tế học trao đổi về vận trù kinh tế trong nông nghiệp gắn với đời sống rất thực của người nông dân, cần cái cho thu trước mắt và cũng rất cần cái cho thu về lâu dài.
     

    Anh Nguyễn Văn Nam Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tu Mơ Rông chỉ ra các vùng rừng dự kiến giao cho các cộng đồng để quản lý, bảo vệ và phát triển sinh kế gắn với rừng

     
    Nhìn lên phía trên cánh rừng chúng tôi chỉ thấy một màu xanh đậm đặc của các loài cây chen dày, tôi chợt nhớ về kinh nghiệm đánh giá rừng giàu hay nghèo của anh bạn đã từng làm trong nghề lâm nghiệp “Khi nào nhìn lên rừng mà không thấy cây rừng phô thân ra ngoài màu xanh cây lá thì đó là rừng còn giàu. Còn nếu thấy nhiều cây gỗ phô ra thì đó chỉ là rừng đã bị khai thác kiệt”. Rừng Tu Mơ Rông và Đắc Chum 1 giàu thật! Chính sự giàu có đó đã cứu bà con trong cơn khát khốc liệt do khô hạn năm 2016. Trong thời điểm đó, cả huyện Tu Mơ Rông khô khát, nhiều vùng trên Tây Nguyên khô khát song 2 làng vẫn có dư nước để dùng thoải mái. Nước từ các cánh rừng về. Các làng đã không bị khát. Dân 2 làng quý rừng và bảo vệ rừng thành công cũng một phần vì lẽ đó. Có rừng, có các sản vật từ rừng dùng khi đói kém. Anh Nam chia sẻ “hai làng đã không rơi vào cái vòng trang chấp đất đai khốc liệt giữa người dân một số làng khác với BQLRPH để rồi BQLRPH phải cắt trả lại cho dân các làng đó trên dưới 5000 ha như mấy năm trước đây”.
    Ra khỏi cánh rừng, đứng trên ranh giới giữa rừng già và vùng sản xuất nương rẫy với lồng lộng bốn bề gió nắng chúng tôi nhìn về phía Làng Đắc Chum 1 đang bình yên dưới cái nắng tháng 3 nhè nhẹ và lắng nghe trong mạch đất như có tiếng chuyển dịch các dòng dưỡng chất từ rừng về nuôi dưỡng con người. Rừng sinh sôi chắc chắn cuộc sống cũng sinh sôi. Rừng được bảo vệ và phát triển chắc chắn cuộc sống người Xê Đăng nơi đây sẽ no đủ và hạnh phúc. Rừng còn văn hóa Xê Đăng còn và sẽ được bảo tồn và phát triển.
    Chúng tôi sẽ trở lại với các anh chị và với những cánh rừng của 2 làng Tu Mơ Rông và Đắc Chum một ngày gần nhất để cùng chung tay góp sức bảo tồn các giá trị của rừng núi Tây Nguyên và để cùng tạo dựng những giải pháp cho một sinh kế bền vững dưới tán những cánh rừng trên thượng nguồn sông Pô Cô hùng vĩ với những nét văn hóa đậm chất Xê Đăng.

Bài viết khác