Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tọa đàm về chính sách và thực tiễn trong công tác giao đất giao rừng

  • Toạ đàm về chính sách và thực tiễn trong công tác giao đất giao rừng được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 8/5/2014, do Cục Kiểm Lâm-Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, với sự đồng phối hợp thực hiện: Cục Kiểm lâm, Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI), Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) và Viện Tư vấn Phát triển (CODE). Tọa đàm có sự tham dự của các đại biểu đại diện Bộ ngành liên quan (Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính), Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ, đại diện Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương từ các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Kon Tum, Mạng lưới Đất-Rừng, các chuyên gia và nhà khoa học của một số cơ quan nghiên cứu.


    Tọa đàm này là một trong các bước chuẩn bị cho công tác đánh giá, tổng kết chương trình giao đất giao rừng của Tổng cục Lâm nghiệp vào cuối năm 2014. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các nhà lập định chính sách và nhà khoa học chia sẻ và lắng nghe ý kiến thực tiễn, các vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương.

    Sau phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng - Tổng cục Lâm nghiệp, phát biểu đề dẫn của ông Đoàn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm và phát biểu của GS.TS Lê Văn Khoa tổng hợp một số phát hiện về bất cập, tồn tại của chính sách và thực tiễn GĐGR từ kết quả nghiên cứu và hỗ trợ giao đất giao rừng của các tổ chức SPERI, CODE, CIRUM các đại biểu từ các địa phương đã tập trung phản ánh thực tiễn giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình ở địa phương mình.

    Theo đánh giá của các đại biểu, giao đất giao rừng có ý nghĩa lớn trong việc ổn định sinh kế, tạo động lực cho phát triển đối với các hộ gia đình và cộng đồng dân cư miền núi, nơi có hơn 24 triệu đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán sinh kế gắn với đất và rừng. Vì vậy, các hộ gia đình và cộng đồng tại các vùng này cần phải là nhóm đối tượng ưu tiên trong chính sách cũng như thực tiễn công tác giao đất giao rừng. Tuy nhiên, thực tiễn công tác giao đất giao rừng ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, triển khai chậm, tỉ lệ đất rừng được giao cho người dân và cộng đồng vẫn còn rất thấp. Theo chuyên gia Vũ Long thì tỷ lệ giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình trên các vùng miền cả nước có sự khác biệt khá lớn. Trong đó, Tây Nguyên là vùng có diện tích đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên lớn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất toàn quốc, nhưng tỷ lệ đất lâm nghiệp giao cho các hộ gia đình mới chỉ có 2.81%, trong khi đó trên 50% diện tích đất lâm nghiệp đang quản lý bởi các tổ chức Nhà nước, Nông-Lâm trường, Công ty Lâm nghiệp và tổ chức kinh tế. Cùng với việc thiếu đồng bộ giữa các văn bản pháp lý và phối hợp giữa các cấp và cơ quan liên quan như ngành Lâm nghiệp và Tài nguyên khi triển khai giao đất giao rừng dẫn đến tình trạng tranh chấp, chồng chéo ranh giới đất đai giữa các đối tượng tại địa phương.

    Đại biểu các địa phương chỉ ra tính thiếu tương thích giữa việc phân loại rừng của Nhà nước với quy hoạch sử dụng đất của cộng đồng; Các khu rừng thiêng được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt giống như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lại được phân loại là rừng sản xuất; Nhiều hộ nghèo mặc dù được giao đất theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP, có giấy CNQSDĐ nhưng vẫn không được hoặc được hưởng lợi rất ít từ các Chương trình 327, chương trình 661... cũng như chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thực tiễn này làm mất đi động lực để dân nhận và bảo vệ đất rừng, kéo chậm các mục tiêu và kết quả giảm nghèo, ổn định sinh kế và tăng thu nhập bằng nghề rừng.

    Tọa đàm cũng đã chia sẻ một số mô hình giao đất giao rừng và bảo vệ rừng cộng đồng có hiệu quả tại một số địa phương trên cả nước. Như giao đất phát huy vai trò tham gia và phong tục của dân tộc Thái ở Quế Phong, Nghệ An, dân tộc Mông ở Si Ma Cai, Lào Cai; Các mô hình liên kết hợp tác quản lý, bảo vệ rừng ở Khe 5, hợp tác xã Trường Sơn ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, ở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình cũng là những điểm đáng được tham khảo, nhân rộng.

    Các đại biểu đã đề nghị xem xét bãi bỏ hiệu lực giao khoán rừng của các Nông-Lâm trường theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP để có được quỹ đất giao cho cộng đồng và người dân địa phương, đồng thời cân nhắc đền bù cho những người đã đầu tư và sử dụng đất rừng ổn định.

    Một số đại biểu bày tỏ mong muốn cần có những đột phá trong tư duy hoạch định chính sách lâm nghiệp như mối quan hệ giữa sở hữu rừng và quyền sử dụng đất lâm nghiệp, quan niệm về giá trị đối với đất và rừng trong thời kì phát triển mới, cộng đồng và người dân địa phương phải là trung tâm trong quá trình chuyển đổi... Cần rà soát một cách minh bạch quỹ rừng và đất rừng, đặc biệt diện tích đang quản lý bởi các Nông-Lâm trường, Công ty Lâm nghiệp để tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng một cách hợp lý của các đối tượng sử dụng đặc biệt là các gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi. Các Bộ / Ngành liên quan cần phối kết hợp với nhau để rà soát và thống nhất lại các văn bản liên quan tới chính sách giao đất giao rừng để đáp ứng được tính đặc thù của từng vùng miền trong cả nước trong chiến lược phân quyền quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

    LISO
    - Xem chi tiết kết quả toạ đàm
    - Xem hình ảnh Tọa đàm
    - Xem video Tọa đàm

Bài viết khác