Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tọa đàm tham vấn thông tư số 38/2007/TT-BNN

  •            Nhằm huy động sự tham gia góp ý của các ban ngành và các tổ chức của xã hội, ngày 22/3/2016 Tổng cục lâm nghiệp đã có Công văn 373/TCLN-PCTT về việc đề nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung các Thông tư trong đó có Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25/04/2007 về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bản.

              Từ kết quả, kinh nghiệm hỗ trợ công tác Giao đất giao rừng (GĐGR) trong hơn 20 năm qua của các tổ chức trong liên minh Chủ quyền sinh kế (LISO) SPERI/CIRUM/CODE và kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu, đánh giá công tác GĐGR giữa LISO và Cục Kiểm lâm/Tổng cục Lâm nghiệp năm 2014 – 2015, Trung tâm CIRUM và Mạng lưới Đất rừng (LandNet) tổ chức Tọa đàm tham vấn sửa đổi một số nội dung trong Thông tư số 38/2007/TT-BNN và chia sẻ các bước GĐGR.
     

    Ảnh 1: Toàn cảnh Tọa đàm
     
              Tham gia buổi Tọa đàm có 30 thành viên đến từ Tổng cục Lâm nghiệp - BNN&PTNT; Đại diện cho Mạng lưới Đất rừng các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình; Lãnh đạo Viện SPERI và cán bộ trung tâm CIRUM. Mở đầu Tọa đàm, Ông Phan Đình Nhã - Trưởng ban Nghiên cứu và Vận động chính sách - Trung tâm CIRUM đã chia sẻ về dự kiến sửa đổi một số điều khoản của Thông tư số 38. Tiếp đó, Ông Vũ Văn Thái - Quản lý Chương trình GĐGR - TT CIRUM chia sẻ nội dung 11 bước GĐGR của Liên minh LISO (CIRUM/SPERI/CODE) đã và đang thực hiện.

              Sau khi nghe chia sẻ tóm lược các nội dung dự kiến thay đổi của Thông tư 38, các thành viên Mạng lưới Đất rừng đã tích cực chia sẻ thực trạng sử dụng đất, rừng tại địa phương mình; đối chiếu với kết quả giao đất, giao rừng tại địa các phương để chỉ ra những bất cập trong quy trình giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn bản tại địa phương theo hướng dẫn của Thông tư số 38/2007/TT-BNN. Liên quan đến nội dung này ông Trần Quốc Việt - Mạng lưới Đất rừng (LandNet) nhấn mạnh "Theo tôi, nên giao đất trước rồi đến giao rừng. Vì có đất rồi mới có rừng. Vì vậy nên gọi là quy trình giao đất, giao rừng và cho thuê đất, rừng. Về trách nhiệm GĐGR thì vai trò của cấp xã rất quan trọng. Bởi nếu chỉ công khai thông tin đất, rừng ở cấp Sở NN&PTNT thì người dân bị mù thông tin, từ đó dẫn đến mâu thuẫn sau này. Làm thế nào để người dân được tiếp cận với văn bản pháp luật, thông tin về đất, rừng dự kiến giao, cho thuê tại trụ sở UBND huyện, xã, thôn là rất cần thiết. Và quan trọng nhất là họ cần phải được tham gia từ đầu đến cuối".
     

    Ảnh 2: Ông Trần Quốc Việt - LandNet
     
              Đồng tình với quan điểm của Ông Việt, Ông Lê Kiên Cường – Điều phối viên Mạng lưới Đất rừng vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn cũng nêu rõ "Cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND xã bởi chỉ có cán bộ cấp xã mới hiểu được văn hóa truyền thống, tâm tư nguyện vọng của người dân. Nếu cấp xã không vào cuộc thì việc giao đất, giao rừng cũng chỉ là trên giấy và không hiệu quả, đồng thời không nên giới hạn định mức diện tích đất rừng được giao vì các địa phương có quỹ đất rừng là khác nhau. Dùng một định mức chung áp dụng cho tất cả các địa phương là không hợp lý ".
     


    Ảnh 3: Ông Lê Kiên Cường - LandNet
     
     
              Đóng góp cho sửa đổi Thông tư 38, bà Hồ Thị Con đến từ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ "Nếu theo bước 2 trong Thông tư này thì người dân tộc sẽ không có đất, vì họ không biết chữ để làm đơn, không biết làm đơn. Nếu người nào biết thì người đó có đất, người không biết chữ thì không có đất". Đây cũng là thực trạng đã xảy ra tại địa phương nơi Bà sinh sống.


    Ảnh 4: Bà Hồ Thị Con - LandNet - dân tộc Vân Kiều
     
     
              Trong Tọa đàm nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng việc chưa rà soát và xử lý ổn thỏa hiện trạng sử dụng đất, rừng ngay từ thời điểm ban đầu thì hậu quả sau này sẽ rất lớn. Nó sẽ gây ra những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa các chủ thể quản lý, sử dụng đất, rừng. Bên cạnh đó việc hạn chế lồng ghép luật tục trong quản lý tài nguyên thiên nhiên là một thiếu sót của Thông tư. Người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại miền núi có mối liên hệ khăng khít với rừng. Mỗi cộng đồng sở hữu hương ước/quy ước riêng liên quan đến quản lý rừng phù hợp với phong tục tập quán của họ. Việc đưa những hương ước này vào chương trình GĐGR sẽ thu hút sự tham gia của người dân và quyết định sự thành công của GĐGR. Bà Hồ Thị Con nhấn mạnh “Nếu GĐGR làm thay đổi ranh giới đất rừng truyền thống của người dân có thể phá vỡ bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư cũng như gây ra những mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng”.

              Chứng kiến cuộc thảo luận, chia sẻ của các thành viên Mạng lưới Đất rừng (LandNet), Ông Quách Đại Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, chia sẻ "Thông tư số 38/2007/TT-BNN ra đời để giải quyết việc làm thế nào để giao rừng cho người dân. Về tầm vĩ mô thì đã thành công. Ở Việt Nam có gần 1,5 triệu chủ rừng được hưởng lợi từ chính sách trên, trong đó có các hộ gia đình, cá nhân với trên 1,4 triệu người và còn lại là cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đến thời điểm này một số điều trong Thông tư không còn phù hợp nữa và cần phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Những ý kiến hôm nay của các bác rất quan trọng và chân tình vì phản ảnh đúng những gì đang diễn ra ở địa phương. Cá nhân tôi sẽ ghi nhận và sẽ phản ánh với nhóm soạn thảo chính sách của Bộ nông nghiệp". Ông Ninh cũng đề nghị sau khi kết thúc Toạ đàm Ban Thư ký cần tổng hợp lại các ý kiến đóng góp thành văn bản rõ ràng phần tham vấn cho Thông tư về trình tự thủ tục giao đất, giao rừng cũng như các nội dung khác liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nảy sinh ngoài Thông tư 38 làm cơ sở để gửi tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
     

     
     
    Ảnh 5: Ông Quách Đại Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp

              Buổi tọa đàm đã mang lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu tham gia, đặc biệt là các thành viên LandNet các vùng. Họ không những đưa ra được các bất cập khi thực hiện chính sách về đất, rừng mà còn mạnh dạn chia sẻ những giải pháp giúp tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện chính sách tại địa phương. Các đại biểu tham gia Tọa đàm hy vọng những kiến nghị của họ thông qua các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, Trung tâm CIRUM sẽ được các nhà hoạch định chính sách xem xét để có những thay đổi tích cực trong hoạt động GĐGR phù hợp với mong muốn, khả năng và phong tục của địa phương.
                                                                                                      
     LandNet, 04/2016

Bài viết khác