Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tọa đàm: Giải pháp của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất rừng sau khi được giao

  • Ngày 16 tháng 9 năm 2014, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Đồng Thắng (Đình Lập, Lạng Sơn) đã diễn ra buổi Tọa đàm “Quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên đất rừng sau khi được giao” do Trung tâm CIRUM và Ủy ban nhân dân xã Đồng Thắng phối hợp thực hiện.

    Tham gia buổi Tọa đàm có lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Trưởng các ban ngành của xã Đồng Thắng, Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm CIRUM. Đặc biệt, Toạ đàm còn có sự tham gia của 21 thành viên là người dân tiêu biểu ở 6 thôn của xã Đồng Thắng.

    Dự án Nâng cao năng lực quản lý bền vững tài nguyên đất rừng dựa vào cộng đồng do Trung tâm CIRUM hỗ trợ từ năm 2010 - 2013 và Dự án Quản lý bền vững tài nguyên đất rừng dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2015 đã tạo được quyền quản lý, sử dụng tài nguyên đất rừng cho 100% hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ trên địa bàn xã Đồng Thắng đó là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ).


    Tọa đàm đã tập trung vào thảo luận tình hình quản lý, sử dụng, bảo vệ đất rừng sau khi được giao và các giải pháp của người dân nhằm quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên này trong tương lai. Các thành viên tham gia tọa đàm đã chia thành 3 nhóm để thảo luận. Các nhóm đã thảo luận sôi nổi và mạnh dạn đề xuất những giải pháp từ cách nhìn thực tế của của họ.

    Kết quả thảo luận cho thấy, các hộ gia đình, các cá nhân sau khi tiếp nhận quyền quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp đã sử dụng có hiệu quả. Người dân rất hài lòng và không xảy ra tình trạng xâm hại của các đối tượng từ bên ngoài.

    Tuy nhiên, theo phản ánh trong Toạ đàm thì một số các thôn bản nhỏ, dân số ít lại đang quản lý nhiều khu rừng cộng đồng với diện tích lớn. Các khu rừng cộng đồng thường ở xa khu dân cư và tiếp giáp với các thôn khác, xã khác nên việc quản lý, bảo vệ gặp không ít khó khăn. Do đó, giải pháp mà người dân đưa ra là những khu rừng cộng đồng ở gần khu dân cư (Rừng thiêng), khu rừng đầu nguồn nước thì nên giao cho cộng đồng thôn quản lý, còn những khu rừng ở xa thì nên xem xét giao cho các hộ quản lý, bảo vệ. Các thôn thành lập Tổ bảo vệ rừng gồm thành viên là trưởng các ban ngành của thôn. Tổ này có trách nhiệm tuần tra bảo vệ rừng, các hộ gia đình đóng góp thóc hoặc tiền để làm quỹ hoạt động. Giải pháp này đã được sự ủng hộ của chính quyền xã và người dân.

    Một nội dung cũng được người dân thảo luận nhiều và đưa ra không ít các ý kiến, đó là sự hiện diện của Công ty Thịnh Lộc (một công ty khai thác lâm nghiệp có địa bàn hoạt động ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn) đang có đất trên địa bàn xã. Hiện nay, Công ty Thịnh Lộc đang có đất tại 5/6 thôn của xã Đồng Thắng để thực hiện dự án trồng rừng. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu tại buổi Tọa đàm thì họ thực sự không biết là Công ty Thịnh Lôc là ai, đã được giao đất từ khi nào. Nhiều khu rừng mà ngày xưa các thôn quản lý, bảo vệ nay lại nằm trong bản đồ và sổ đỏ của Công ty này mà người dân không hề biết, hiện tại công ty này đã, đang mở đường vào khai thác và trồng cây.

    Bà Vi Thị Thanh ở thôn Pắc Coóc chia sẻ: “Tôi rất bức xúc khi người của công ty này đã lấn vào diên tích đồi mà gia đình tôi quản lý lâu nay để trồng cây Bạch đàn, loài cây này rất nguy hiểm, nó sẽ làm khô cằn đất, mất nguồn nước và ảnh hưởng đến môi trường. Không chỉ ở thôn Pắc Coóc mà cả trên địa phận thôn Pắc Dầu Công ty Thịnh Lộc cũng đã lấn chiếm đất (đã được trồng Thông) của gia đình anh Giáp Văn Lý để triển khai dự án trồng cây. Ngoài việc lấn chiếm đất của người dân ở các thôn, Công ty Thịnh Lộc còn mở đường vào các khu rừng để chuẩn bị khai thác dược liệu, tre dóc….”.


    Hoạt động của Công ty Thịnh Lộc thực sự đã và đang trở thành nguy cơ tiềm ẩn về việc khai thác cạn kiệt các sản phẩm của rừng. Người dân rất bức xúc và đề nghị Nhà nước thu hồi đất của Công ty để trả lại cho họ canh tác. Đồng thuận với các ý kiến của người dân, Ông Giáp Ngọc Chắn - Bí thư Đảng ủy xã và cũng là thành viên của thôn Pắc Dầu đề nghị cần phải yêu cầu Công ty trả lại đất cho người dân, chỉ có như vậy mới góp phần phát triển sinh kế và đảm bảo cuộc sống của người dân.

    Từ kết quả thảo luận, Tọa đàm đã thống nhất đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm góp phần quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả tài nguyên đất, rừng, gồm: i) Thành lập tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở các thôn bản; ii) Thành lập Mạng lưới đất rừng tại Đồng Thắng để tăng cường sự chia sẻ, kết nối thông tin và giải quyết những vấn đề liên quan đến cộng đồng giữa các vùng trong Mạng lưới. Thành viên của MLĐR sẽ là những người nòng cốt của hội thuốc nam và các thành viên khác của cộng đồng tự nguyên tham gia.

    Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Hoàng Văn Vương – Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng đánh giá cao nội dung của buổi Tọa đàm, qua đó giúp địa phương có được những định hướng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng đất rừng sau khi được giao một cách bền vững và hiệu quả. Ông nhấn mạnh, về phía các thôn bản cần nhanh chóng thành lập các tổ, nhóm cộng đồng bảo vệ rừng, UBND xã hết sức ủng hộ. Việc thành lập MLĐR cần thực hiện ngay trong thời gian gần nhất và yêu cầu Trung tâm CIRUM tư vấn hỗ trợ.

    Kết thúc buổi Tọa đàm, các thành viên đã tham gia tổ chức trồng cây lưu niệm chung quanh khuôn viên UBND xã, đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ cây, bảo vệ rừng.

    Bá Thẩm (CIRUM)

     
     

Bài viết khác