Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Toạ đàm của LandNet mở rộng về quản lý, bảo vệ rừng

  • Toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ rừng khi có đầu tư” đã diễn ra tại Khu Thực hành Sinh thái Nhân văn (HEPA), tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày 26/9 và 27/9/2020. Có 21 đại biểu từ 9 xã thuộc 7 huyện, 5 tỉnh đã đến dự Toạ đàm. Các đại biểu dự Toạ đàm là các cán bộ thôn, cán bộ đoàn thể thôn, xã và nguyên lãnh đạo các xã. Nội dung toạ đàm tập trung vào thực hiện các quyền và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và đầu tư liên quan đến đất rừng.


    Ông Trần Quốc Việt chia sẻ về HEPA và quản lý, bảo vệ đất rừng ở xã Sơn Kim

    Ông Nguyễn Hữu Lai, nguyên Bí thư và Chủ tịch xã Ngư Hoá (huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) chia sẻ quá trình vận động để được giao đất lâm nghiệp cho người dân toàn xã, làm vườn ươm, trồng keo, tiêu và các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp khác. Theo ông Lai, “phải đưa đất rừng về giao cụ thể cho dân, đất phải có chủ mới quản lý được chứ, không để chung chung được, không ai lo bảo vệ”.
    Bà Trương Thị Tuyết Ba, nguyên Phó Chủ tịch xã và lãnh đạo hội Phụ nữ xã Kim Hoá (huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) đã từng cùng người dân địa phương giữ quỹ đất rừng để dân bảo vệ, sử dụng. Là người có uy tín trong xã, bà Ba đang tư vấn cho các lãnh đạo đương nhiệm cách thức bảo vệ quỹ đất rừng của địa phương theo quy định của luật. “Có người bảo: giữ rừng làm chi cho khổ, dân phá thì mình (cán bộ) chịu trách nhiệm. Tôi có nói là: giữ rừng thì được cho dân” – bà Ba chia sẻ.
    Đại diện xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An) cho rằng bà con ở đó không được thuận lợi như chỗ chị Ba (xã Kim Hoá) vì không được xã ủng hộ bảo vệ đất cộng đồng. Tuy nhiên bà con đã nhiều lần đề nghị nông trường Cao su Quế Phong và chính quyền các cấp giải quyết vấn đề nông trường lấn chiếm đất cộng đồng trồng cao su. Cộng đồng đã nhận được văn bản từ UBND tỉnh, yêu cầu công ty hợp tác với chính quyền địa phương để giải quyết kiến nghị của dân. Mặc dù chưa được nhận văn bản hay lời hứa chính thức từ đại diện nông trường, nhưng cho đến nay nông trường này không tiếp tục lấn chiếm đất nữa.

     

    Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


    Xã Đồng Văn (huyện Quế Phong, Nghệ An) đang có xu hướng chuyển đổi trồng keo độc canh sang bảo vệ rừng và trồng các loài cây bản địa (như cây luồng), và đã có thành công bước đầu, với thu nhập tốt hơn trồng keo. Quan trọng hơn là sinh thái môi trường được bảo đảm, không có cảnh chặt trắng khi thu hoạch keo, nên tránh được rửa trôi, xói mòn và thoái hoá đất.
    Ông Nguyễn Đức Sự, đại diện từ xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) chia sẻ quá trình vận động để lâm trường trả đất cho địa phương giao đất cho các hộ gia đình trồng keo và các loại cây phát triển rừng, làm vườn đa dạng tại xã. Ông Sự cho biết: “giao đất thì phải đi cụ thể rõ ranh giới, rõ ràng từng nhà, nếu không lại khó khăn như Cao Quảng”.
    Đại diện từ xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết: mặc dù bà con Vân Kiều ở đây được hưởng chính sách bảo đảm đất sản xuất theo Quyết định 134 của Thủ tướng, nhưng diện tích giao cho từng hộ còn quá ít, có hộ gia đình trong xã vẫn chưa được nhận ‘sổ đỏ’.


    Chia sẻ ngoài trời tại HEPA


    Ông Trần Văn Long, đại diện từ xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chia sẻ quá trình bền bỉ, lâu dài tìm hiểu luật và yêu cầu các bên liên quan, đặc biệt là lâm trường thực hiện đúng các chính sách bảo vệ, hưởng lợi rừng. Vì thế ông Long cùng bà con địa phương đã được hưởng lợi cây lâm nghiệp mà mình nhận khoán trồng, đồng thời bà con đã thành công khi yêu cầu công ty trả lại đất rừng và được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Địa phương cũng đã ngăn chặn được một vụ công ty lâm nghiệp chặt phá rừng vào năm 2013.
    Đại diện cộng đồng người Mông từ xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) nêu vấn đề rừng vốn của thôn bản nhưng lại bị đưa vào quy hoạch do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, dẫn đến mặc dù đã tiến hành rà soát, làm đầy đủ các thủ tục giao đất trình đến cấp huyện, tỉnh, nhưng tỉnh vẫn chưa có quyết định cho phép giao đất cho cộng đồng.



    Trồng cây kỷ niệm HEPA


    Ông A Đứu, trưởng thôn K’Bầy (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum) chia sẻ kinh nghiệm phát huy luật tục để yêu cầu người vi phạm rừng của làng nhận lỗi, rồi người dân các làng gần nhau cùng hợp tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên một phần rừng của làng vẫn chưa được cấp ‘sổ đỏ’ mặc dù người dân liên tục kiến nghị giao đất, và chí
    nh quyền tỉnh đã có chỉ đạo để cộng đồng sử dụng đất. “Còn mắc là bìa đỏ chưa có, chúng tôi phản ánh miết, kể cả khi tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh hay đại biểu Quốc hội” - ông A Đứu cho biết.
    Cán bộ CIRUM đã chia sẻ các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm trong đầu tư vào đất rừng, đặc biệt là quy định trong Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.


    Chia sẻ với chủ vườn cam tại xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn
     

    Ngoài các nội dụng toạ đàm, đại biểu từ các tỉnh đã có dịp tham quan mô hình trồng cam trên đất dốc tại xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn và tham gia trồng cây làm giàu rừng tại HEPA. Các đại biểu mong muốn được tiếp tục chia sẻ các kiến thức pháp luật và kinh nghiệm quản lý, bảo vệ rừng thông qua điện thoại và mạng xã hội như Zalo, Messenger sau Toạ đàm này.

     

Bài viết khác