Nhà tài trợ

1
1
3
Brot

Hoạt động

Tiếng đàn và tiếng hát của người Mã Liềng bên đầu nguồn Sông Gianh

  • Những nghệ nhân người Mã Liềng tại bản Cáo, xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình bằng tiếng đàn, tiếng hát đã thức dậy trong tôi những tình cảm khó tả. Dòng suối nhạc tuôn ra từ chiếc đàn Viôlông quyện lấy lời của bài hát để vút lên và lan tỏa, hòa vào không gian tĩnh lặng của buổi sáng cuối thu nơi đầu nguồn con sông Gianh đã làm cho tâm hồn tôi xao động khi được sống trong khoảng khắc và không gian tràn ngập những âm thanh tao nhã với những lời tâm sự đượm buồn.

    Bếp và những phụ nữ người Mã Liềng bản Cáo
     
    Một buổi sáng sớm trong thời gian tham gia lớp tập huấn cho các thanh niên trẻ người Mã Liềng về cách làm “Phim về cuộc sống của chúng ta" do Trung tâm CIRUM hỗ trợ, cầm trên tay chiếc máy quay, tôi rảo bước bước hướng về phía bản Cáo. Cả không gian vẫn còn tĩnh lặng. Sương vẫn đặc quánh phủ kín cả con đường. Thậm chí đứng cách nhau 10 mét chưa thể nhìn rõ được mặt nhau. Rồi sương cũng mỏng dần. Phía trước đã có những đốm lửa lập loè toả ra từ những bếp lửa của các gia đình như báo hiệu về sự chuẩn bị cho một bữa sáng đang đến. Xuyên qua lớp sương mù, ánh sáng từ các bếp lửa có vẻ ẻo ợt và run rẩy. Chân tôi bước đi mà trong lòng thì nghĩ về những người mẹ, người chị, người em Mã Liềng. Chắc họ đã thức dậy từ lâu! 

    Hướng tới nơi có ánh lửa sáng nhất mà đi tới. Lại gần tôi nhận ra là ánh lửa hắt ra từ chái bếp của già Lưu. Lửa đang gặm nham nhở vào những khúc củi khô tạo ra tiếng nổ lách tách để cố cháy bùng lên thành ngọn lớn. Gió sớm đã thức dậy thổi qua làm ngọn lửa lay động và cái bếp của Già Lưu do vậy cũng có vẻ trở nên huyền ảo hơn. Bóng gầy gò của già Lưu được ánh lửa hắt in lên tường cũng rung rinh lay động. Bước gần lại bếp, tôi cất tiếng chào Già. Già nhận ra người quen và đon đả mời tôi vào chơi.

    Bắc nồi nước lên bếp rồi già Lưu cầm cái rá quay vào nhà trong. Không biết già định lấy gạo hay thứ gì để cho vào cái nồi đã bắc lên bếp. Một lát sau già quay ra, cái rá trên tay Già vẫn trống trơ, hướng về phía tôi già hỏi là tôi có thích nghe đàn hát không. Thật may mắn vì tôi chưa biết sẽ tìm được chất liệu gì đây cho những cảnh quay sớm nay, thì đây rồi - câu hỏi của già như đã trở thành một gợi ý. Như vớ được cọc, tôi vội chuẩn bị máy quay để sẵn sàng ghi tất cả những gì tôi thấy, tôi nghe. Với nụ cười móm mém mờ ảo sau ánh lửa bếp bập bùng, Già nhìn tôi với vẻ đồng cảm.

    Bước khỏi căn bếp vài bước, vẫn cái rá trống trơ trên tay, già Lưu hướng về phía ngôi nhà gần đó và gọi tiếng Mã Liềng cho ai đó. Tôi nghe không hiểu song biết là già đang gọi mời người có thể đàn và hát qua chơi.

    Người mà già Lưu gọi cũng xuất hiện - chị Chúc. Chị bước vô khi trên miệng vẫn còn ngậm điếu thuốc lá sâu kèn to tướng đang cháy dở. Thoáng nhìn qua ánh mắt chị tôi đoán rằng người phụ nữ này đã từng có một thời xuân sắc, một thời con gái đầy sôi động và cũng đầy chất nghệ sỹ.

    Chị Chúc với cái ghế con rồi ngồi xuống cạnh bếp và hỏi mượn già Lưu cái bật lửa để châm cho điều thuốc cháy thêm. Hay thật, tôi bỗng nhớ ra một điều là phụ nữ ở đây hút thuốc rất nhiều, nhiều hơn cả nam giới. Đã có lần tôi nghe một chị bảo là thiếu ăn thì còn chịu được chứ thiếu điếu thuốc là không ổn.

    Chị Chúc đang say sưa trong tiếng đàn của người Mã Liềng

    Nhận từ tay già Lưu một ống nứa với một lẻ nứa, chị Chúc lấy lại tư thế ngồi cho thoải mái và nâng ống nứa lên. Tôi không dấu nổi sự ngạc nhiên và sửng sốt khi nhận ra đoạn nứa và chiếc cần trên tay chị Chúc là cây đàn Viôlông nổi tiếng của người Mã Liềng mà có lần tôi đã từng được nghe một ai đó nhắc đến. Xoay qua xoay lại cho điếu thuốc trên môi không vướng để chơi đàn, chị Chúc bắt đầu điều chỉnh độ căng của các sợi dây đàn. Ôi, có gì đơn giản hơn nữa không, khi cây đàn - một dụng âm nhạc cụ nổi tiếng trong sinh hoạt văn hóa của người Mã Liềng lại chỉ bằng một ống nứa với hai dây đàn được kéo căng từ đầu nọ đến đầu kia và với một lẻ nứa được chuốt trơn ở phía cật thay cho chiếc vĩ để kéo qua lại trên hai dây tạo ra những âm thanh tuyệt vời sau đó.

    Những ngón tay gân guốc của chị đã đặt vào hai sợi dây và bấm xuống những phím trên đầu cây đàn, tay kia nâng chiếc vĩ bằng nứa để chạm vào từng dây đàn ở phía đầu bên kia. Cả suối âm thanh đã nhẹ nhàng  xuất hiện và tuôn chảy. Tiếng đàn khi bổng, khi trầm; khi vui, khi lại buồn; khi thì thánh thót reo ca như tiếng chim sơn ca, khi lại trầm hùng như thác nước. Có khi tiếng đàn lại rộn rã như có tiếng bọn trẻ chơi trò chơi trốn tìm; song cũng có khi nó ai oán như nỗi lòng của người Mã Liềng nghèo khổ đang nói về thân phận của mình. Đôi khi tiếng đàn lại nghe như đang diễn tả về một không gian lễ hội với những điệu nhảy lò cò và tiếng cười lanh lảnh của đám thanh niên.

    Giữa cái suối nhạc trào dâng đó tiếng già Lưu vút lên hòa quyện vào như thức tỉnh lòng người. Lần đầu tiên tôi được ngồi lâu ở cái bếp của Già, để ngắm cái hình hài, cái khuôn mẫu của Già một cách đầy đủ đến vậy. Tôi chắc Già đã qua cái tuổi 60, với thân hình mảnh mai song giọng hát của già khi cất lên thì sao mà truyền cảm. Tiếng hát khi tha thiết, khi trầm hùng, khi đùa cợt vui vẻ song cũng có khi ai oán buồn đến nao lòng.

    Tôi không hiểu được lời các bài hát của già Lưu, song nhận thấy một điều là lời hát và tiếng đàn như cứ quyện chặt lấy nhau, cổ vũ lẫn nhau đã làm rung động cả không gian và trái tim tôi.

    Sau này khi có người phiên dịch lại tôi mới hiểu được đôi điều về lời những bài hát của già Lưu. Lời đầu tiên của bài hát thường là lời chào khách: “chào cán bộ đến nhà, chào bác đến nhà”. Rồi tiếp đến thường là lời nói về gia cảnh của người dân nơi đây: “thiếu cái ăn, cái uống nên sẽ rất buồn vì không tiếp được khách được đầy đủ”. Lời tiếp theo thường kể về những hoạt động sinh kế của người dân gắn với rừng xanh núi thẳm, gắn với sông suối, cỏ cây. Già hát "Bác cán bộ đến từ Hà Nội, đến làm việc và giúp bà con. Bà con nghèo không có gì cho bác ăn, chắc chết đói bác ơi. Người Mã Liềng đói lắm bác ơi. Người Mã Liềng không khôn như những người khác nên dễ chết đói bác ơi. Không đi rừng lấy được mây, được đót thì chết đói bác ơi. Ai đi rừng có mây có đót thì được ăn bác ơi". Rồi cứ thế điệp khúc cứ lặp qua lặp lại. Đôi khi trong lời bài hát cũng có đôi câu rất AQ  như "Ai đi rừng được mây, được đót thì về nhập cho ông Bình để có kẹo ăn rượu uống là vui bác ơi". Nghe rất bi mà cũng thật rất hài! Có lẽ cái hài, cái lạc quan vốn sẵn có trong tâm hồn, trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây đã giúp họ trải qua được những khốn khó của cuộc sống qua bao thế hệ.

    Khi dừng lại giữa các đoạn nhạc, một khúc hát, chị Chúc lại đưa nhẹ cây vĩ nứa xượt qua đầu lưỡi để tăng độ ẩm, tạo nên sự tương tác tốt hơn giữa vĩ đàn và dây đàn. Cứ thế, bài nối bài, những nghệ nhân người Mã Liềng vẫn say sưa tự biên, tự diễn những tác phẩm có vần, có điệu, có cung, có bậc và rất giàu tiết tấu và âm hưởng của trời đất, hoa lá, cỏ cây, sông suối và tiếng lòng. Phải chăng, thiên nhiên, rừng núi, sông suối, gió ngàn, côn trùng, cây cỏ và những nỗi niềm đã in sâu vào tiềm thức trong con người các nghệ nhân người Mã Liềng để từ đó đẩy tất cả ra đầu tiếng đàn và lời ca của họ.

    Hãy lắng nghe tiếng đàn, tiếng hát của những nghệ nhân Mã Liềng để thấu hiểu lòng họ, cuộc sống của họ và những trăn trở của họ cũng như những mong ước của họ về một tương lai tươi sáng và no đủ. Hy vọng rồi đây, tiếng đàn của ngày mai sẽ vui hơn, bớt đi những lời ca buồn và chỉ còn sự tự hào của những người Mã Liềng đang sống chan hoà với thiên nhiên – nơi đầu nguồn của con Sông Gianh.

    Nguyễn Văn Sự (CIRUM)

Bài viết khác